Bị săn diệt, tàu tuần dương Đức vẫn đào thoát ngoạn mục

GTS |

Sau khi săn lùng và đánh chìm thành công thiết giáp hạm Bismarck, người Anh không chỉ có một cuộc trả thù sòng phẳng mà còn gián tiếp mở ra cuộc đọ sức mới về tác chiến điện tử.

Kỳ 1: Coi nhẹ tác chiến điện tử, Hải quân Đức Quốc xã tự ghè chân mình

Kì 2: Cuộc đào thoát ngoạn mục qua eo biển Anh (eo La Manche)

Chuyến ra khơi được báo trước

Lúc bình minh ngày 22 tháng 3 năm 1941, hai tàu tuần dương Đức "Scharnhorst" và "Gneisenau" được phái đến căn cứ hải quân Brest thuộc nước Pháp đang bị chiếm đóng.

Cả hai tàu vừa hoàn thành một chuyến di biển dài ở Đại Tây Dương và cần sửa chữa sau khi đánh chìm hơn hai mươi tàu buôn Anh. Sau đó có thêm tuần dương hạm hạng nặng "Prinz Eugen".

Trong quá trình sửa chữa, 3 chiếc tàu lớn của Đức, mặc dù có ngụy trang kỹ lưỡng, chúng vẫn bị phát hiện bởi Không lực Hoàng gia Anh vì vậy Bộ Tư lệnh tối cao Đức quyết định đưa chúng về một cảng an toàn trong nước Đức.

Trên bờ đối diện, người Anh hiểu rằng các tàu đối phương sớm hay muộn cũng phải rời Brest, để tránh các cuộc không kích hàng ngày và bắt đầu áp dụng các biện pháp ngăn chặn điều đó.


Đồ họa tàu tuần dương Đức Scharnhorst

Đồ họa tàu tuần dương Đức "Scharnhorst"

Kế hoạch liều lĩnh...

Quá trình di chuyển ba tàu chiến từ Brest về Đức là cực kỳ nguy hiểm. Hitler đích thân theo dõi tình hình. Qua nghiên cứu, người Đức thấy rằng có hai con đường để trở về: Tuyến thứ nhất - đi về phía tây và phía bắc vòng quanh quần đảo Anh, sau đó đi qua Biển Bắc.

Một tuyến khác - đi qua eo biển Anh (eo La Manche), tuyến đường biển này có lợi thế - vì ngắn hơn nhiều, nhưng phải vượt qua ngay trước mặt người Anh.

Hải trình thứ hai cũng cho một số cơ hội để tránh cuộc tấn công của các tàu chiến hạng nặng Hải quân Anh, vì người Anh đã chuyển hầu hết tàu của mình đến các cảng phía bắc để tránh các cuộc tấn công đường không của Không quân Đức.

Mối nguy hiểm chính trong eo biển La Manche là có mặt một số lượng lớn các tàu cao tốc phóng ngư lôi và các máy bay, các cỗ đại bác tầm xa của lực lượng pháo bảo vệ bờ biển.

Để chiến dịch hành quân không kết thúc bằng một thảm họa hoàn toàn, điều rất quan trọng là các tàu chiến Đức phải đến được eo biển Dover mà không bị phát hiện.

Nếu chúng có thể đi đến Dover mà không bị phát hiện, khi đó hạm đội Anh không thể bắt kịp và tấn công chúng.

Sau khi cân nhắc tất cả các ý kiến "đồng tình" và "phản đối", Bộ Tư lệnh Hải quân Đức chọn một tuyến đường biển ngắn hơn qua eo biển Anh. Nhưng đồng thời nó phải giải quyết vấn đề khi rời Brest - đi ngày hay đi đêm.

Cuối cùng, họ quyết định cho xuất phát rời Brest ban đêm. Quyết định này dựa trên thực tế là sự nguy hiểm khi rơi vào lưới lửa của các cỗ pháo bờ biển.

Tướng Martini được giao trách nhiệm gây nhiễu các radar của Anh trong chiến dịch "Nhảy qua La Manche" để giữ cho ba tàu chiến của Đức bị phát hiện chậm đến mức tối đa có thể được.

Mặc dù radar là một phương tiện trinh sát hiệu quả và điều khiển hỏa lực pháo binh, có thể nhìn xuyên qua sương mù và bóng tối, chúng dễ bị gây nhiễu và nhạy với các biện pháp đánh lạc hướng (nhiễu mô phỏng).

Chính đó là tính dễ tổn thương của radar - chiến trường cơ bản của tác chiến điện tử. Radar nhạy với nhiễu vì thường các tín hiệu phản xạ từ mục tiêu rất yếu.

Khi máy thu của radar đủ nhạy đối với việc tiếp nhận tín hiệu đáp ứng yếu của mục tiêu, nó có thể dễ dàng bị chế áp bởi các tín hiệu của máy phát nhiễu công suất mạnh hơn, hoạt động trên cùng một tần số và hướng thẳng vào nó.

Để gây nhiễu thành công cho các radar Anh giám sát eo biển Anh, điều quan trọng là phải biết tần số hoạt động chính xác và các tọa độ địa lý gần đúng.

Ngành công nghiệp Đức lập tức cho ra đời các thiết bị gây nhiễu có thể "nhồi đầy" (làm bão hòa) các máy thu radar Anh. Martini triển khai chúng gần Ostend, Boulogne, Dieppe, Cherbourg, Rotterdam và tại các địa điểm thích hợp khác dọc theo bờ biển phía bắc Pháp.


Tàu tuần dương Đức Scharnhorst.

Tàu tuần dương Đức "Scharnhorst".

Kế hoạch của tướng Martini là cản trở người Anh sử dụng các radar của họ và không cho phép họ hiểu rằng các khí tài của họ đang bị đối phương chế áp có chủ định.

Trong hai tháng trước khi các tàu xuất hành rời Brest, việc gây nhiễu hệ thống radar của Anh bắt đầu, với hy vọng làm người Anh tin rằng điều này là do nhiễu khí quyển.

Lúc đầu, việc gây nhiễu chỉ kéo dài một vài phút, nhưng sau đó dần dần tăng lên từng ngày, vì vậy người Anh đã quen với nó, họ đi đến chỗ tin rằng điều này là do đặc tính khí quyển cụ thể của khu vực này, do đó họ không thể tránh khỏi.

Sau khoảng một tháng hành động như vậy, kết quả mong muốn đã đạt được.

Mặc dù tất cả các biện pháp phòng ngừa của Hải Quân Đức, Bộ Hải quân Anh, sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng tình hình, tuy nhiên vẫn đi đến kết luận ba tàu Đức đang chuẩn bị rời Brest và gần như chắc chắn chúng đã chọn con đường qua eo biển Anh.

Người Anh lên kế hoạch chiến dịch "Fuller" với mục đích ngăn chặn chuyến đi của 3 tàu chiến qua eo biển trở về Đức.

Các chuyến bay trinh sát của Anh vào các ngày 29 và 31 tháng Giêng, chỉ ra rằng trong cảng Brest đã kéo về một số lượng lớn các tàu cao tốc phóng ngư lôi, các khu trục hạm hạng nhẹ và các tàu quét mìn, điều đó rõ ràng nói về chuyến xuất bến sắp xảy ra.

Vì vậy, ngày 03 tháng 2, Bộ Hải quân Anh đã ban hành lệnh tiến hành các biện pháp khác nhau. Bây giờ, cả hai đối thủ đã sẵn sàng cho trận chiến, sau khi đã trù tính, trong tình trạng bí mật nghiêm ngặt, tất cả các hành động của mình cho đến từng chi tiết nhỏ nhất.

... gần như hoàn hảo

Chuyến khởi hành của các tàu Đức được lên kế hoạch vào nửa đêm ngày 11 tháng 2 năm 1942. Một cuộc không kích nghi binh đã được tổ chức trước giờ khởi hành, sau đó các tàu nhổ neo lặng lẽ rời đi.

Sau khi ra biển, thủy thủ đoàn cuối cùng mới được thông báo rằng họ đang trở về Đức.

Đêm tối và sương mù, các tàu đi gần sát bờ biển của Pháp theo một dải nước hẹp mới quét thủy lôi. Giữa các tàu duy trì chế độ im lặng vô tuyến và radar hoàn toàn, còn để trao đổi giữa các tàu, người ta sử dụng đèn chiếu hồng ngoại đặc biệt, vô hình với người Anh.

Trên không, hải đoàn được yểm trợ của 250 máy bay tiêm kích tầm xa dưới sự chỉ huy của phi công tiêm kích nổi tiếng của Không quân Đức là Adolf Galland.

Các tàu Đức mở hết tốc lực tiến đến eo biển Dover. Bình minh đang đến gần. Sự căng thẳng của các thủy thủ Đức, đang chờ đợi cuộc tấn công của hạm đội đối phương bắt đầu lớn dần.

Trong những giờ bình minh đầu tiên, hai chiếc máy bay Heinkel He111 trang bị thiết bị gây nhiễu, bắt đầu chiến dịch gây nhiễu radar ven biển dọc bờ biển phía nam Vương quốc Anh.

Nhiệm vụ của chúng là ngăn ngăn cản các radar Anh phát hiện trong không trung một nhóm lớn máy bay bay hộ tống hải đoàn tàu chiến Hải quân Đức.

Mặt khác, các trạm phát nhiễu trên mặt đất không được bật trước 09:00, nhiệm vụ của chúng là che giấu sự hiện diện của tàu chiến Đức và họ phải mở máy khi hải đoàn Đức đi vào vùng phát hiện của radar Anh đang cảnh giới eo biển Dover.

Vào thời điểm xác định, máy phát nhiễu được bật lên, chúng được tinh chỉnh khớp các tần số của radar Anh nên làm việc tốt đến mức một số trạm radar Anh đã phải tắt máy.

Trong khi những trạm khác thay đổi tần số hoạt động trong hy vọng hão huyền sẽ thoát khỏi nhiễu.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử hải quân, tác chiến điện tử được ứng dụng thực tế trong một tình huống chiến đấu. Hải đoàn Đức đi suốt gần mười giờ, nhanh chóng tiếp cận eo biển Dover.

Không có dấu hiệu nhỏ nào cho thấy chúng bị người Anh phát hiện, có vẻ như kế hoạch tác chiến điện tử được lập ra một cách tuyệt vời của người Đức đã mang lại thành công.

Trận chiến trong tuyệt vọng

Tuy nhiên, lúc 10h, một đài radar của Anh đã mở máy ở tần số không bị gây nhiễu phát hiện ra nhiều điều bất thường. Lúc 10h45, người Anh đã phát hiện ra đội tàu Đức. Lúc gần giữa trưa, các khẩu đội pháo bảo vệ bờ biển của Anh khai hỏa từ cự ly 26 km.

Tuy nhiên, không viên đạn nào trúng tàu Đức. Pháo bảo vệ bờ biển của Đức trên bờ biển nước Pháp ngay lập tức bắn trả và buộc đối phương phải im lặng.

Đây là nơi trận chiến thực sự bắt đầu. Người Anh đã ngay lập tức điều động các cuộc tấn công vào đoàn tàu của Đức, các cuộc tấn công liên tiếp diễn ra với sự tham gia của máy bay-phóng ngư lôi Fairey Swordfish, tàu phóng ngư lôi.

Rồi đến 240 máy bay ném bom cất cánh từ các sân bay khác nhau. Vào buổi chiều, "Scharnhorst" bị trúng mìn.

Thủy thủ đoàn của tàu lặng lẽ quan sát tàu "Gneisenau" và "Prinz Eugen" vượt qua; lệnh phải đi với bất cứ giá nào, và nếu một trong các con tàu bị bắn hỏng hoặc bị đánh chìm, những chiếc khác không cần phải dừng lại để giúp nó.

Sau khi sửa chữa xong, nó lại tiếp tục lên đường. 19:00 giờ, "Gneisenau" vấp mìn, nhưng thiệt hại không đáng kể, nó tiếp tục di chuyển với tốc độ 25 hải lý. Đội tàu Đức gặp một cơn bão dữ dội, điều này khiến các mốc tiêu đánh dấu của tàu quét mìn bị trôi dạt.

"Scharnhorst" vấp mìn lần thứ 2, hầm tàu bị nước tràn vào khoảng 1.000 tấn, nhiều khoang bị ngập và mất điều khiển, tàu phải dừng lại và bắt đầu trôi dạt về hướng bãi mìn và bãi cát ngầm.

Trong đêm đó, Không quân Hoàng gia Anh thực hiện hơn 740 phi vụ chống lại các tàu chiến Đức. Tuy nhiên, các cuộc tấn công này không mang lại bất kỳ kết quả thực sự nào.

Ngay trước bình minh, các tàu Đức phát hiện có 2 tàu lạ đang áp sát, đây là một điều tồi tệ vì họ không sẵn sang cho cuộc chiến. Tuy nhiên, đây là 2 tàu hộ tống Đức bị lạc qua cơn bão vừa qua.

Mặc dù tất cả mọi thứ đã xảy ra, hải đoàn Đức vẫn thành công trong việc đạt mục tiêu của chiến dịch của mình mà không phải đối mặt với hạm đội Anh, đến buổi trưa ngày 13 tháng 2, nó đã về đến nhà.

Sự thành công của chiến dịch đầy khó khăn này được quyết định chủ yếu bởi công tác tổ chức gần như hoàn hảo của nó, và trên hết, biện pháp đối kháng điện tử.

Trường đoạn đó trong lịch sử hải quân nhấn mạnh tầm quan trọng thiết yếu của tác chiến điện tử, tính dễ bị tổn thương của radar khi bị gây nhiễu điện tử.

Tính dễ bị tổn thương này dẫn đến một thực tế là tác chiến đối kháng điện tử vẫn còn nguyên hiệu quả ở ngày hôm nay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại