LTS: Các cuộc chiến tranh như Iraq (1991 và 2003), Nam Tư (1999), Afghanistan (2001), Gruzia (2008) đã chỉ ra rằng tác chiến điện tử (TCĐT) gắn liền với vũ khí công nghệ cao có vai trò đặc biệt quan trọng, tác động trực tiếp tới hiệu quả chiến đấu trên chiến trường.
Thế nhưng, không phải thời hiện đại TCĐT mới được coi trọng, mà ngay từ Thế chiến thứ 2 loại hình tác chiến này đã được nhiều quốc gia ứng dụng và đạt những thành tựu vượt bậc, nhưng khi đó cũng đã có quốc gia tự bắn vào chân mình khi coi nhẹ TCĐT.
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc tuyến bài "TCĐT trong chiến tranh thế giới lần thứ 2 - Tiền đề cho TCĐT hiện đại"
Kỳ 1: Coi nhẹ tác chiến điện tử, Hải quân Đức Quốc xã tự ghè chân mình
Kỳ 2: Bị săn diệt, tàu tuần dương Đức vẫn đào thoát ngoạn mục
Kì 3: "Cuộc chiến trên bầu trời Anh Quốc - Cuộc đấu trí của trắc thủ dẫn đường"
Hitler tin rằng, cách duy nhất để đánh bại người Anh, là xâm lược các hòn đảo của này. Đó chính là mục tiêu nhắm tới của kế hoạch chiến dịch có tên "Sư tử biển" (Sea Lion) - dưới hình thức một cuộc đổ bộ, cần phải xảy ra ở đâu đó vào giữa tháng Chín cùng năm.
Đánh quỵ Không quân Hoàng gia Anh
Bước đầu tiên cần làm là vô hiệu hóa Không quân Hoàng gia Anh (RAF). Sau đó, Không quân Đức sẽ làm tê liệt hạm đội Anh, đồng thời quân Đức sẽ vượt qua eo biển La Manche. Thuộc quyền thống chế Goering, Tổng tư lệnh KQ Đức, có khoảng 2.600 máy bay.
Trong thành phần hạm đội hàng không này có các máy bay ném bom: Heinkel He111, Junkers Ju87 và Ju88 và các máy bay tiêm kích: chủ yếu là Messerschmitt Bf109 và Bf110.
Ngày mở đầu cuộc tấn công đường không - "Adlertag" nổi tiếng ("Day of the Eagle" - "Ngày Đại Bàng") được ấn định là 10 tháng 8 năm 1940.
Mệnh lệnh của Goering rất đơn giản: đầu tiên, họ phải tấn công tất cả các sân bay căn cứ của lực lượng tiêm kích Không quân Hoàng gia, đặc biệt các máy bay Spitfire và Hurricane, vô hiệu hóa các máy bay tiêm kích và sân bay của chúng.
Việc thứ hai, làm tê liệt công nghiệp chế tạo máy bay, tấn công và phá hủy tất cả các nhà máy sản xuất máy bay.
Trong thực tế, các cuộc không kích của quân Đức bắt đầu vào ngày 12 tháng 8. Theo kế hoạch, chúng được thực hiện vào ban ngày theo các nhóm vài trăm máy bay.
Nhưng điều bất ngờ là người Anh luôn kịp chiếm vị trí trên eo biển La Manche vào thời điểm kẻ thù tới gần, trước sự ngạc nhiên lớn của các nạn nhân của họ. Thông thường, các phi công máy bay ném bom Đức không mong đợi gặp đối phương quá sớm.
"Làm thế nào mà họ làm được điều đó?" Họ tự hỏi mình. Tuy nhiên, Bộ Chỉ huy Không quân Đức đã được thông báo rất rõ về sự tồn tại của một loạt ăng-ten lạ và rất cao trải dài dọc theo bờ biển phía nam nước Anh.
Và cuối cùng, họ đã hiểu làm thế nào người Anh nhanh chóng phát hiện ra sự tiếp cận của các nhóm máy bay của kẻ xâm lược.
Tình báo Đức đã phát hiện, một hệ thống radar trải dài dọc theo bờ biển nước Anh, từ Southampton đến Newcastle hệ thống điện tử cảnh báo tầm xa mới nhất Chain Home (chuỗi các radar dẫn đường).
Đây có thể coi là hệ thống cảnh báo sớm phòng không đầu tiên trên thế giới.
Một tốp Ju-87 của không quân Đức Quốc xã tiếp cận chiến trường.
Trận đánh chế áp phòng không đầu tiên
Bức tường điện tử vô hình được dựng lên dọc theo toàn bộ bờ biển nước Anh, đã làm Goering phát cáu. Vì vậy hai hoặc ba ngày sau khi bắt đầu các cuộc tấn công, Goering ra mệnh lệnh tấn công và phá hủy mạng lưới radar.
Cuộc tấn công đầu tiên được thực hiện nhằm vào 5 radar ven biển.
Các máy bay tiêm kích-ném bom Đức, mỗi chiếc mang hai quả bom lớn 500 kg trên giá treo ngoài, thực hiện một cuộc tấn công chớp nhoáng xuống các ăng-ten và tất cả 5 trạm hoặc bị đánh trúng hoặc bị hư hỏng nghiêm trọng.
Mặc dù thực tế chỉ có một ăng-ten hư hại, tất cả năm trạm lập tức im lặng.
Nhưng ba giờ sau cuộc tấn công radar của Anh một lần nữa lại làm việc! Trong thực tế, các thiết bị mới không thể nhận được tín hiệu hồi đáp, vì nó chỉ là các máy phát và do đó không thể nhìn thấy bất kỳ mục tiêu nào.
Người Đức, tuy nhiên lại cho rằng các hư hại đã được khắc phục, họ đi đến kết luận rằng thật vô ích khi đánh vào ăng-ten vì chúng chỉ có thể "im lặng" không quá một vài giờ.
Vậy là chiến thuật của người Anh đã thành công, bởi quân Đức dưới ảo tưởng về sự không thể hư hại của Chain Home, từ thời điểm này bắt đầu tránh các cuộc tấn công vào nó trong suốt trận chiến nước Anh.
Thay đổi chiến thuật...
Trong tháng Tám năm 1940, hàng trăm máy bay ném bom của Đức và máy bay tiêm kích đã vượt qua eo biển La Manche để giáng những đòn tấn công xuống các sân bay và nhà chứa máy bay của Không quân Hoàng gia.
Tuy nhiên, các máy bay tiêm kích Anh, chỉ có khoảng 700 chiếc Spitfire và Hurricane, luôn luôn thành công trong việc chiếm vị trí thuận lợi nhất để đánh chặn các máy bay địch, đặc biệt là máy bay ném bom.
Vào lúc này, Hitler can thiệp và ra lệnh ngưng các vụ ném bom sân bay đối phương và thay vào đó bắt đầu các vụ ném bom có hệ thống xuống London.
Máy bay ném bom tầm thấp Heikel He 111 của Đức bay lượn trên vùng trời eo biển Anh.
... và cuộc đấu trí vô hình của các trắc thủ
Sau khi thất bại trong các cuộc tấn công ban ngày trước các máy bay tiêm kích hàng đầu của RAF ở khắp mọi nơi, người Đức quyết định thay đổi chiến thuật và bắt đầu ném bom ban đêm.
Rõ ràng là để hoàn thành nhiệm vụ này, đòi hỏi bên tấn công phải có hệ thống dẫn đường thích hợp và ném bom mù, trong khi đó bên phòng vệ phải giải quyết vấn đề làm thế nào để đánh trả động thái này của kẻ thù và bảo vệ đất nước khỏi các cuộc tấn công.
Người Đức đã bỏ nhiều công sức nghiên cứu hệ thống dẫn đường vô tuyến Lorenz và hệ thống trợ giúp ném bom trong tầm nhìn kém và vào ban đêm X - GERDT ("Thiết bị - X").
Đến trước khi cuộc tấn công nước Anh bắt đầu thì họ đã có nhiều thiết bị điện tử dẫn đường và ném bom chính xác trong đêm tối. Tuy nhiên điều này không hoàn toàn bất ngờ với người Anh.
Bởi trước đó, ngày 04 Tháng 11 năm 1938, tùy viên hải quân Anh tại Oslo nhận được từ một công dân Đức một cặp hồ sơ mật có đề cập đến nhiều loại vũ khí mà Đức quốc Xã đang phát triển kể cả các hệ thống định vị vô tuyến.
Sự nguy hiểm nằm ở chỗ người Đức sẽ sử dụng các hệ thống điện tử cho việc ném bom đêm nước Anh.
Điều đó được khẳng định sau khi thẩm vấn các phi công tù binh KQ Đức và phân tích thiết bị điện tử tìm được trong số các mảnh xác máy bay ném bom Đức, bị bắn rơi trên lãnh thổ Anh.
Ngày 21 tháng 6 năm 1940, một phi công người Anh đã vô tình phát hiện ra sự tồn tại của hệ thống này khi anh ta bay bắt ngang qua dải sóng của nó.
Sau phát hiện tình cờ này, người Anh bắt đầu nghiên cứu tất cả những phương cách có thể để chống lại hệ thống của Đức nhằm giảm bớt hoặc nếu có thể, vô hiệu hóa hiệu quả tác động của nó. Những hệ thống như vậy được gọi là hệ thống đối kháng điện tử.
Các nhà khoa học Anh đã tìm ra cách đánh lừa các phi công Đức, khi phát các tín hiệu tương tự mà họ muốn nghe, nhưng bị làm biến dạng cố ý (hướng đến). Những tín hiệu này không chỉ đánh lạc hướng họ, mà đồng thời lại không gây ra những nghi ngờ nào dù nhỏ nhất.
Hệ thống này đã phải đưa vào hoạt động lập tức, bởi vì người Đức đã sử dụng hệ thống dẫn đường vô tuyến của mình trong trận bắn phá Coventry và tàn nhẫn sử dụng nó mỗi đêm trong các trận ném bom quần đảo Anh quốc.
Sau một đợt nghiên cứu căng thẳng, người Anh đã phát minh ra hệ thống Meacon (Hải đăng cải trang). Phương pháp đối kháng điện tử này nhằm tái bức xạ tín hiệu hệ thống Lorenz bị bóp méo sơ bộ.
Máy thu và máy phát nằm ở miền nam nước Anh, cách nhau khoảng 6 cây số. Máy thu nhận tín hiệu của hệ thống Lorenz và gửi qua cáp đến máy phát, mà ngay lập tức phát lại nhờ sử dụng một ăng-ten định hướng có công suất lớn hơn nhiều.
Tại một điểm xác định, các phi công Đức, đang bay dọc theo một tia vô tuyến, bắt đầu nghe thấy hai tín hiệu: tín hiệu đúng - đang trở nên yếu hơn và tín hiệu phát lại - mạnh hơn.
Họ sẽ tự động hướng chú ý của mình đến tín hiệu mạnh hơn, và sẽ thay đổi đường bay của mình và được dẫn tránh xa mục tiêu thực sự của vụ ném bom.
Bị mắc vào chiếc bẫy này, các phi công Đức, thay vì ném bom các thành phố thì lại thực hiện ném bom xuống "cánh đồng trống", và trong nhiều trường hợp họ bị mất định hướng đến mức họ không thể làm gì hơn là hạ cánh xuống đất Anh.
Phần còn lại của bom hạng nặng Đức bị quân đội Anh bắn hạ.
Sau khi phát hiện ra điều này, người Đức đã phát triển hệ thống mới gọi là Knickebein ("Nhức đầu"). Ngay lập tức sau khi áp dụng hệ thống mới, các máy bay ném bom của Đức bắt đầu đạt được những kết quả tốt hơn.
Ngay sau đó, người Anh đã đưa ra hệ Aspirin của mình - một hệ đối kháng điện tử để đối phó với "Nhức đầu".
Họ khuếch đại một trong hai tín hiệu mà người Đức phát ra (dấu chấm hoặc dấu gạch ngang) và tái phát lại với công suất lớn hơn nhiều, để cuối cùng, chùm tia chính hơi lệch đi hoặc sang bên phải hoặc bên trái, và do đó dẫn máy bay ném bom Đức đi chệch hướng.
Ngoài ra, hệ thống chặn tín hiệu radio của Anh có thể thông báo chính xác chùm tia cắt qua thành phố nào, để kịp thời thông báo cho dân biết mối nguy hiểm và tổ chức phòng thủ đường không, tập trung máy bay tiêm kích của RAF vào khu vực cuộc tấn công sẽ xảy ra.
Bây giờ chúng ta biết rằng kế hoạch của Đức chiếm ưu thế trên không trên không phận eo biển La Manche và miền nam nước Anh đã thất bại, Hitler buộc phải hoãn vô thời hạn cuộc xâm lược tham vọng bằng "Chiến dịch Sư tử biển" của ông ta.
Ngoài ra, thời tiết xấu hồi mùa thu năm 1940 cũng buộc người Đức giảm hẳn nhịp độ hoạt động chiến đấu và cắt bớt số lượng các cuộc không kích, trong đó, mà đến lúc đó, hầu như luôn luôn diễn ra vào ban đêm.
Vì chỉ có bóng tối mới có thể bảo vệ các máy bay ném bom thoát các cuộc tấn công không thể tránh khỏi và diễn ra liên tục của các máy bay tiêm kích không quân Anh.
Nhưng vào thời điểm này, trận chiến nước Anh đã suy giảm, và máy bay Đức bắt đầu di chuyển từ Pháp sang mặt trận phía Đông để chuẩn bị cho cuộc xâm lược nước Nga.
Sau nhiều tháng không chiến căng thẳng, sau các vụ ném bom tàn bạo và cuộc chiến khốc liệt với lực lượng phòng không nước Anh, người Đức vẫn không thể giành ưu thế trên bầu trời Anh quốc, kế hoạch của họ xâm lược đảo quốc Anh đã tan biến như mây khói.
Không quân Hoàng gia đã chiến thắng, thậm chí bất chấp thực tế là thiệt hại của họ có lẽ cũng lớn gần như kẻ thù. Theo thống kê sơ bộ, người Anh bị mất 1.500 máy bay tiêm kích, còn người Đức - ít nhất là 1.700.
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến chiến thắng chung cuộc của RAF, và nó được coi một cách đúng đắn là bước ngoặt trong quá trình Chiến tranh Thế giới 2.
Thông thường, chiến thắng này được ghi nhận do tính ưu việt của đặc tính kỹ thuật - hàng không của các chiến đấu cơ Spitfire Hurricane, sự can đảm và kinh nghiệm của phi công Anh, hiệu quả của hệ thống tích hợp cảnh báo sớm và chỉ huy máy bay tiêm kích.
Đặc biệt là chiến thuật thích hợp của Bộ tư lệnh KQ tiêm kích. Ngoài ra, còn là các lỗi lầm chiến thuật của Không quân Đức.
Tuy nhiên, các nghiên cứu tỉ mỉ và sự phân tích kỹ lưỡng đã làm sáng tỏ các yếu tố khác nữa mà các tài liệu và số liệu thống kê chúng tôi có được ngày hôm nay đã xác nhận.
Thứ nhất, trên đất của mình, các máy bay tiêm kích của Anh nhanh hơn các máy bay ném bom chậm chạp của Đức, vốn bị buộc phải thực hiện các chuyến bay dài thường là trong các điều kiện thời tiết xấu trên vùng nước không an toàn của eo biển La Manche và Biển Bắc.
Người Anh cũng có lợi thế khi có được khả năng cảnh báo sớm và kiểm soát tuyệt vời, các biện pháp đối kháng điện tử (ECM- РЭП, REP) hiệu quả nhất.
Những biện pháp đó đã đánh lạc hướng được các phi công Đức, bắt họ tin rằng họ đang ném bom chính xác xuống các mục tiêu được giao. Trong khi trên thực tế, họ thường thả bom của mình xuống các khu vực trống, xa các thành phố, hay thả bom xuống biển.
Người ta thống kê rằng chỉ có một phần tư số bom của người Đức được thả xuống các khu phố đông dân cư và các nhà máy công nghiệp, đó mới là các mục tiêu thực.
Thứ hai, đối kháng điện tử, mục đích của nó là gây khó cho công tác dẫn đường, buộc các phi công Đức bay trong trạng thái tâm lý bị ức chế, họ không biết có nên dựa vào các thiết bị dẫn đường của mình hay không.
Qua đó, làm giảm hiệu quả chiến đấu của cả kíp bay và máy bay.
Mặc dù thời gian luân phiên lúc thành công lúc thất bại, các hệ thống đối kháng điện tử khác nhau, được thiết kế để vô hiệu hoặc làm giảm hiệu quả các hệ thống dẫn đường vô tuyến của kẻ thù, đã đóng góp to lớn vào kết quả cuối cùng của trận chiến nước Anh.