Trang mạng tiếng Trung toutiao.com đăng bài viết cho biết:
Trong khi bên ngoài đang bàn tán về “uy lực” của tên lửa xuyên lục địa DF-41 Trung Quốc thì tạp chí Kanwa (trụ sở tại Canada) lại chỉ ra rằng tính khả thi của loại tên lửa này chưa được xác nhận.
Đây là loại tên lửa được cho là có thể trở thành "cơn ác mộng" đối với Mỹ, khi nó có khả năng "thổi bay" 3 thành phố của nước này chỉ trong một cuộc tấn công.
Theo Kanwa, hiện tại, “vũ khí răn đe Mỹ” mà Trung Quốc có thể trông cậy vẫn là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-5 đã hơn 30 tuổi, với tầm bắn 13.000km.
Thế giới cho rằng, tên lửa DF-31, DF-31A thậm chí DF-41 đã thay thế tên lửa DF-5, trở thành xương sống răn đe hạt nhân của Trung Quốc nhưng tình hình thực tế e rằng không phải như vậy.
Lý do DF-5 không thể ngừng hoạt động
Trong Quân đoàn pháo binh số 2 của Trung Quốc, DF-31 và DF-31A thường được coi là “tên lửa chiến lược tầm xa”, chỉ có DF-5 luôn được coi là “tên lửa xuyên lục địa”.
Điều này có nghĩa là tầm bắn của tên lửa DF-31 và DF-31A vẫn không đủ để bao phủ hoàn toàn lãnh thổ Mỹ. Tên lửa có thể đưa toàn bộ lãnh thổ Mỹ vào phạm vi tấn công của nó vẫn là DF-5.
Tên lửa xuyên lục địa DF-5 của Trung Quốc không chỉ tiếp tục phục vụ, mà tầm quan trọng của nó cũng lớn hơn so với DF-31 và DF-31A.
Lý do khiến tên lửa xuyên lục địa DF-5 không thể ngừng hoạt động chính là trong hàng chục năm qua, Trung Quốc không có sự thay đổi lớn nào về số lượng tên lửa hạt nhân chiến lược có thể tấn công lãnh thổ Mỹ.
Theo báo chí Trung Quốc, đó là bởi Bắc Kinh theo đuổi chính sách “răn đe hạt nhân tối thiểu”, chứ không phải chạy đua ưu thế hạt nhân chiến lược với Mỹ.
Đối mặt với hệ thống phòng thủ tên lửa không ngừng phát triển của Mỹ, nếu Trung Quốc vội vàng ngừng sử dụng DF-5, nước này sẽ không chỉ mất khả năng bao phủ toàn lãnh thổ Mỹ, mà còn làm giảm số lượng tên lửa hạt nhân chiến lược vốn đã không nhiều nhặn gì.
Kho vũ khí hạt nhân chiến lược của Trung Quốc vì vậy khó có thể đánh bại được hệ thống chống tên lửa của Mỹ, khiến chính sách “răn đe hạt nhân” của Trung Quốc thất bại.
Tầm bắn của tên lửa DF-31 và DF-31A vẫn chưa đủ khả năng bao phủ hoàn toàn lãnh thổ Mỹ.
Tăng mức độ nguy hiểm
Trung Quốc quản lý rất chặt chẽ công tác phát triển và bảo mật công nghệ tên lửa hạt nhân chiến lược.
Tuy nhiên, có thể phỏng đoán thông qua các báo cáo liên quan của Quân đoàn pháo binh số 2 trên các phương tiện truyền thông chính thống của Trung Quốc hoặc từ những manh mối liên quan đến hiện trạng tên lửa DF-5.
Gần đây, trên truyền thông đã xuất hiện 2 thông tin rất đáng chú ý trong lực lượng tên lửa xuyên lục địa chiến lược đầu tiên của Trung Quốc.
Thông tin đầu tiên cho biết: “Gia đình tên lửa chiến lược của Trung Quốc là sự tồn tại của nhiều tên lửa tầm gần, tầm trung, tầm xa và tên lửa xuyên lục địa, bất luận tên lửa thường hay tên lửa hạt nhân đều có thể sử dụng nhiên liệu thể rắn, có kích thước nhỏ, trọng lượng nhẹ”.
Thông tin thứ 2: “Khả năng tấn công và "điểm huyệt" chính xác của lực lượng tên lửa chiến lược của Trung Quốc đã tăng đáng kể.
Tất cả tên lửa sử dụng phương thức phóng trên xe, thực hiện cơ động trên đường, phóng mọi khu vực, kiểm soát tất cả các các hướng, tấn công trong mọi thời tiết”.
DF-5 có thể đã chuyển từ tên lửa nhiên liệu lỏng ban đầu thành tên lửa nhiên liệu rắn.
So với nhiên liệu lỏng, lợi thế lớn nhất của việc sử dụng nhiên liệu rắn là bỏ qua thời gian cung cấp nhiên liệu trước khi phóng, tốc độ phản ứng nhanh rõ rệt.
Ngoài ra, tên lửa nhiên liệu thể rắn do bỏ qua phân đoạn “cấp nhiên liệu” nên tính an toàn và độ tin cậy cũng được nâng cao đáng kể.
Tên lửa DF-5 phóng từ giếng phóng là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa thế hệ 1 của Trung Quốc, kích thước và trọng lượng đều rất lớn.
Ngay cả khi thay nhiên liệu rắn và sử dụng phương pháp “giảm trọng lượng” thì kích thước và khối lượng của nó cũng giảm không đáng kể để có thể phóng cơ động trên xe.
Vì vậy, DF-5 vẫn theo phương thức phóng cũ nhưng Trung Quốc rất có thể đã gia cố giếng phóng để nó có thể chống chịu được trong trường hợp bị tấn công phủ đầu, từ đó đảm bảo lực lượng “phản công hạt nhân” của Trung Quốc không bị tiêu diệt.
Bên cạnh đó, thông qua thông tin thứ 2 vừa đề cập có thể xác định rằng, mức độ tiêu diệt mục tiêu chính xác của tên lửa DF-5 đã được cải thiện rõ rệt, tăng cường khả năng răn đe hạt nhân của Trung quốc.
Trong thời gian dài tới, Quân đoàn pháo binh số 2 của Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì sử dụng các tên lửa DF-5 và DF-31 như hiện nay, theo phương thức tấn công “bảo đảm kép” và đảm bảo khả năng "răn đe hạt nhân tối thiểu” đối với Mỹ.