TS Võ Xuân Sơn: "Thần dược" corticoid có thể gây mục xương, suy thận, viêm phổi...

Bảo Thy |

Thói quen sử dụng các sản phẩm thuốc Tây y, Đông dược có trộn corticoid ảnh hưởng rất lớn tới sức khoẻ, nhất là biến chứng suy tuyến thượng thận, gây mục xương.

Xung quanh câu chuyện corticoid được sử dụng rộng rãi trong thuốc tăng cân cho đến thuốc trị đau khớp, làm đẹp da... gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là tình trạng mọc ria mép, mọc lông bất thường và gây suy tuyến thượng thận. Sohanews đã có cuộc trò chuyện với TS Võ Xuân Sơn - Giám đốc phòng khám Quốc tế EXSON về tác hại của loại "thần dược" này.

PV: Thưa TS Sơn, gần đây việc lạm dụng corticoid xảy ra phổ biến ở mọi miền đất nước, nhất là vùng nông thôn. Corticoid được dùng trong các loại thuốc giúp tăng cân, làm đẹp cho đến trị xương khớp. Điều này nguy hiểm như thế nào?

TS Võ Xuân Sơn: Văn hóa Việt nam là tốt xấu rõ ràng. Kẻ xấu thì cái gì cũng xấu, người tốt thì lúc nào cũng tốt. Chính vì vậy, để thấy được tác hại của các loại thuốc Tây được dùng để cứu người, chúng ta phải làm quen với khái niệm lúc tốt lúc xấu.

Corticoid là một nhóm các chất do vỏ tuyến thượng thận tiết ra. Nó có chức năng điều hòa nhiều loại hoạt động của cơ thể. Ở điều kiện bình thường, nếu nồng độ corticoid trong máu thấp, tuyến thượng thận tiết ra chất đó nhiều hơn, nếu nồng độ cao, tuyến thượng thận ngưng không tiết chất đó.

Viêm là hiện tượng bộ máy miễn dịch trong cơ thể của chúng ta phản ứng chống lại các tác nhân có nguy cơ gây hại cho cơ thể, ví dụ như dị vật, vi trùng, vi khuẩn… Tuy nhiên, bộ máy miễn dịch của chúng ta không phải lúc nào cũng sáng suốt.

Nó thường xuyên nhận thấy các màng khớp, màng thận, thậm chí màng tim, và các bộ phận khác của cơ thể, là kẻ thù nguy hiểm, và tấn công vào các cấu trúc đó, gây ra bệnh viêm tự miễn, ví dụ như viêm khớp dạng thấp, lupus, bệnh still… Corticoid có tác dụng kháng viêm, tức là làm cho hệ miễn dịch của chúng ta yếu đi, không "hung hăng" tấn công "đồng đội" nữa.

TS Võ Xuân Sơn: Thần dược corticoid có thể gây mục xương, suy thận, viêm phổi... - Ảnh 1.

TS BS Võ Xuân Sơn - Giám đốc phòng khám quốc tế EXSON

Do vậy, corticoid được dùng với mục đích làm suy yếu hệ thống phòng thủ của cơ thể. Corticoid còn có một tác dụng phụ rất hay gặp, đó là giữ nước.

Khi chúng ta đưa vào cơ thể một lượng corticoid lớn hơn mức cơ thể thực sự cần, nó sẽ giữ nước, làm cho da dẻ trở nên mịn màng hơn, ửng đỏ hơn, hấp dẫn hơn. Chính vì vậy mà corticoid được một số người kém hiểu biết hoặc vô lương tâm dùng để tăng cân, làm đẹp.

PV: Vì sao coritcoid lại làm giảm cơn đau nhanh, nhất là những người bị bệnh cơ xương khớp?

TS Võ Xuân Sơn: Như đã nói ở trên, corticoid làm cho hệ thống miễn dịch của chúng ta yếu đi, từ đó, phản ứng của hệ miễn dịch với các tác nhân gây viêm giảm, hiện tượng viêm giảm, từ đó giảm cảm giác đau ở người bệnh.

Đây thực chất là một phản ứng có hại cho cơ thể. Tuy nhiên, do phản ứng viêm đôi khi gây ra các hậu quả rất nặng nề cho các cơ quan của cơ thể, nên người ta phải dùng biện pháp có hại cho cơ thể này để ngăn ngừa những tác hại to lớn hơn đối với cơ thể như biến dạng khớp, co thắt các mạch máu thận, gan…

PV: Dân gian thường nói "mục xương" do Dexa, xin ông cho biết thành phần này ảnh hưởng tới hệ tạo xương như thế nào và hậu quả của bệnh loãng xương này?

TS Võ Xuân Sơn: Những tác hại nói trên của corticoid chưa phải là ghê gớm nhất. Khi chúng ta dùng Dexa - tên gọi dân gian thường gọi đối với Dexamethasone, một chất thuộc nhóm corticoid, từ bên ngoài đưa vào cơ thể, nồng độ corticoid trong máu sẽ tăng cao, tuyến thượng thận bị ức chế, không sản xuất ra corticoid nữa.

Nếu bị ức chế trong thời gian dài, tuyến thượng thận sẽ bị suy không hồi phục luôn, và không còn khả năng tiết ra corticoid, ngay cả khi nồng độ chất này trong máu giảm xuống rất thấp.

TS Võ Xuân Sơn: Thần dược corticoid có thể gây mục xương, suy thận, viêm phổi... - Ảnh 2.

Corticoid có trong nhiều loại thuốc khác nhau

Khi cơ thể không có đủ lượng corticoid nội sinh (corticoid do cơ thể sinh ra bởi tuyến thượng thận), hàng loạt các chuyển hóa của cơ thể bị rối loạn, trong đó có rối loạn về chuyển hóa xương. Xương bị mất can xi, các thớ xương vừa giảm về số lượng, vừa giảm về chất lượng. Xương trở nên dễ gãy, mà dân gian dùng từ rất hình tượng, là "mục xương".

PV: Ngoài ảnh hưởng đến xương khớp, corticoid còn ảnh hưởng tới những bộ phận nào của cơ thể?

TS Võ Xuân Sơn: Thực ra, rối loạn chuyển hóa xương chỉ là một trong các tác hại của hiện tượng suy tuyến thượng thận. Cushing đã tổng hợp các tác hại do suy tuyến thượng thận gây ra thành một hội chứng, gọi là hội chứng Cushing.

Người mắc Hội chứng Cushing thường có chân tay nhỏ, bụng phình to, mặt tròn như mặt trăng, da bụng, đùi có những vết nứt giống như một số "bà bầu", dễ bị xuất huyết dưới da, hai cánh tay thường có vết đỏ bầm, chuyển thành xanh, vàng…

Ngoài "mục xương", những người này có xu hướng dễ bị nhiễm trùng, do hệ miễn dịch bị suy yếu hoàn toàn. Họ cũng dễ bị xuất huyết, chảy máu khó cầm do thành mạch mỏng, dễ vỡ. Đặc biệt, thận, phổi là những cơ quan dễ bị tấn công gây ra suy thận, viêm phổi… và các bệnh nhiễm trùng cơ hội.

Xin cảm ơn bác sĩ!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại