Thuốc Corticoid - dao hai lưỡi nguy hiểm

BS Trần Kiên |

Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM vừa điều trị cho một bệnh nhân bị biến chứng nặng do thuốc corticoid.

Người thanh niên 28 tuổi, ở Đắk Lắk, bị ngứa da đầu, chưa rõ bệnh gì nhưng được người quen mách, anh này tiêm 10 ngày liền một loại thuốc lạ. Thấy mặt phù, da sạm, mỏi mệt, đau hai khớp háng, trứng cá mọc rất nhiều nên ngừng tiêm.

Theo TS Trần Quang Nam, Trưởng khoa nội tổng hợp, BV ĐH Y Dược, loại thuốc bệnh nhân đã tiêm không xác định được nguồn gốc xuất xứ, sử dụng liều lượng quá cao trong thời gian dài nên có nhiều biến chứng nghiêm trọng.

Xét nghiệm máu thấy lượng cortisol (nội tiết tố do tuyến thượng thận tiết ra) giảm trầm trọng do suy tuyến thượng thận là bằng chứng cho thấy bệnh nhân đã tiêm vào cơ thể liều lượng cao corticoid. Do tình trạng đau khớp háng làm vận động, đi lại khó khăn nên chuyển bệnh nhân sang khoa Chấn thương chỉnh hình điều trị.

PGS Bùi Hồng Thiên Khanh cho biết, trên phim chụp cộng hưởng từ (MRI) xác định hình ảnh hoại tử chỏm xương đùi hai bên.

Đây là một trong hàng chục biến chứng do corticoid, rất hay gặp khi dùng corticoid liều cao và nhiều khi chụp X-quang thường quy không phát hiện được. Do tổn thương chỏm xương đùi trái rất nặng nên phải mổ thay bằng chỏm xương đùi nhân tạo. Chỏm xương đùi phải tổn thương nhẹ hơn nên có chỉ định điều trị bảo tồn bằng cấy sụn khớp vào phần tổn thương...!

Corticoid là loại thuốc gì?

Nguyên corticoid là nhóm nội tiết tố được phần vỏ tuyến thượng thận (nằm ngay trên cực trên hai thận) tiết vào máu dưới sự chỉ huy của tuyến yên (ở mặt dưới não) và chất chủ yếu (nhiều nhất và mạnh nhất) là cortisol..., có tác dụng chuyển hóa đường, đạm, điều hòa huyết áp... và giúp cơ thể chống đỡ những trạng thái nguy kịch (đau đớn, viêm nhiễm...).

Con người đã tổng hợp được nhiều corticoid mạnh hơn cortisol nhiều lần như hydrocortison, prednisolon, betamethason, dexamethason, methylprednisolon... (gọi là thuốc nhóm steroid) dùng để điều trị nhiều bệnh hiểm nghèo.

Corticoid được chỉ định cho rất nhiều bệnh và hiệu quả rất tốt nhưng cũng có rất nhiều biến chứng nguy hiểm. Người ta gọi thuốc là “dao hai lưỡi” mà “lưỡi” nào cũng sắc...

Thuốc gây rối loạn tâm thần với các biểu hiện: Mất ngủ, lo âu, trầm cảm, tăng ý định tự sát, hoặc kích thích, cáu bẳn hay lãnh đạm thờ ơ, mất trí nhớ về ngôn ngữ và lời nói, nặng thì có hoang tưởng, ảo giác; trẻ em thì quấy khóc hoặc nói lắp, hoặc quá hiếu động hay có hành vi xâm hại; gây chảy máu hoặc loét dạ dày vì làm tăng tiết axit dịch vị; giữ nước và muối nên làm béo giả và người bệnh suy tim có thể phù phổi cấp; giảm kali máu biểu hiện bằng mệt mỏi, yếu cơ, nặng sẽ loạn nhịp tim, có thể gây suy tim cấp, do kali đặc biệt cần cho cơ tim; phát bệnh tiểu đường ở người còn tiềm ẩn bệnh do tăng sản xuất glucosa ở gan và kháng insulin làm tăng glucosa máu; tăng huyết áp động mạch; gây loãng xương (xương giòn, dễ gãy do mất canxi) nhất là nữ giới sau mãn kinh; hoại tử xương vô trùng, thường ở chỏm xương đùi; làm máu dễ đông gây tắc mạch; giảm các phản ứng tự vệ của cơ thể; giảm bạch cầu hạt và giảm sức đề kháng nên dễ bị nhiễm trùng, lao phổi, nấm da; teo cơ, thường là cơ mông, cơ tứ đầu đùi; đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp; nổi nhiều mụn và sạm da nếu dùng kem chứa corticoid; gây hại cho thai và làm trẻ chậm phát triển chiều cao.

Thuốc gây ra hội chứng Cushing với biểu hiện: Béo trung tâm (béo phần thân); u mỡ sau gáy; mệt mỏi và nhanh mệt; yếu cơ gốc chi; mặt tròn, đỏ bừng; da màu hồng hoặc căng bóng, mỏng và dễ tổn thương nên thường có những đám màu tím hay những vết rạn da ở bụng, đùi, ngực và cánh tay; chậm lành vết thương, côn trùng cắn và nhiễm trùng; trầm cảm, lo lắng và dễ cáu gắt; mất kiểm soát cảm xúc; lông, tóc dày hơn hoặc nhiều hơn; rậm lông mi, tóc mai, râu, ria mép ở nữ (nam hóa); nhiều trứng cá ở mặt và lưng; kinh nguyệt thất thường hoặc không có; giảm ham muốn tình dục; liệt dương; sỏi thận...

Đặc biệt, thuốc gây suy tuyến giáp trạng và thượng thận - hai trong số những tuyến sinh mệnh của cơ thể, sản xuất những nội tiết tố quan trọng; nguy hiểm nhất là suy vỏ thượng thận nếu dùng kéo dài, bởi vỏ thượng thận tiết corticoid là do nội tiết tố ACTH (Adreno cortico trophinum hypophysarum) của tuyến yên kích thích.

Khi nồng độ corticoid máu cao kéo dài sẽ ức chế ngược làm tuyến yên không tiết ACTH, nếu dừng thuốc đột ngột vỏ thượng thận sẽ không tiết corticoid do không có ACTH kích thích, dẫn đến nguy kịch tính mạng do huyết áp tụt!

Vì thế, Corticoid phải dùng liều cao nhất rồi giảm dần hoặc trước khi dừng thuốc phải tiêm ACTH để kích thích vỏ thượng thận hoạt động… Cũng vì nhiều tác dụng gây hại nên corticoid có hàng chục chống chỉ định, mà người dân có biết cũng chỉ một hai…

Corticoid đang được dùng tùy tiện như kháng sinh!

Dùng các thuốc corticoid phải có chỉ định và liều lượng do bác sĩ quyết định theo đơn, nhưng hiện nay thuốc đang được dùng tràn lan và hầu hết tự mua hay do hiệu thuốc “chỉ định”.

Ho, hắt hơi, sổ mũi, viêm họng, thậm chí nhức đầu... thì cùng với kháng sinh là “dexa” (dexamethason) được hiệu thuốc bán kèm, có khi chỉ mỗi “dexa” và hầu hết các hiệu thuốc nông thôn, thành thị đều “kê” toa như vậy!

Do tác dụng kháng viêm, giảm đau mạnh nên nhiều người coi như thần dược, nên những lần sau cứ thế uống, mà khi được hỏi thì không biết là thuốc gì. Không ít người bán thuốc ở các hiệu thuốc nông thôn cũng không biết là thuốc gì nhưng cứ bán và càng tiêu thụ mạnh thì càng được nhiều tiền…

Mới đây, cháu bé 10 tuổi ở Hà Nội, nhìn mọi vật chỉ như qua “ống nhòm”, nguy cơ mù hoàn toàn do nhỏ thuốc mắt chứa corticoid trong thời gian dài. Ban đầu bé chỉ bị viêm kết mạc, người nhà ra hiệu thuốc hỏi và được mua thuốc nhỏ mắt có corticoid. Nhỏ vài lần ngày, mắt bé hết ngứa và trở lại bình thường, nghĩ là thuốc tốt.

Mỗi lần bệnh cháu tái phát (bởi là viêm kết mạc dị ứng, thường tái phát) gia đình lại mua thuốc này về nhỏ... Dần dần thuốc không còn hiệu quả, mắt trẻ không hết bệnh mà ngày càng đỏ, nhìn mờ dần, người nhà mới đưa đi khám…

Khoa Glaucoma, BV Mắt TƯ, Hà Nội khám thấy, kết mạc viêm dị ứng rất nặng, đục thủy tinh thể, tổn thương thần kinh thị giác trầm trọng, thị trường (khoảng không gian mắt bao quát được) bị thu hẹp, trẻ nhìn như qua “ống nhòm”.

Đáng tiếc là những tổn thương này không thể sửa chữa được và BV đang cố gắng điều trị hạ nhãn áp (tăng nhãn áp là bản chất của bệnh Glaucoma (thiên đầu thống), làm hỏng các bộ phận của mắt), chống dị ứng..., chỉ nhằm giữ được thị lực còn lại song rất khó vì cháu mới 10 tuổi, mà trẻ nhỏ đáp ứng điều trị kém hơn người lớn! Bé mắc bệnh Glaucoma mà WHO xếp loại gây mù lòa thứ 2 vì nhỏ thuốc mắt chứa corticoid kéo dài.

Không ít người tự hại mình và trẻ nhỏ do không biết biến chứng này của corticoid... và khi đi khám thì bệnh đã ở giai đoạn muộn, gần mù hoặc mù hoàn toàn, ác là những tổn thương mù lòa này không thể sửa chữa được.

Trong tình trạng chung, các loại thuốc nhỏ mắt Polydexa, Neodex, Polydecaron, Dexacol... chứa corticoid, phải được chỉ định và bán theo đơn, nhưng nhiều người tự mua, tự dùng.

Chỉ với 3.000 đồng và dễ như mua rau để có một lọ thuốc nhỏ mắt Collydexa 5ml... Mắt bị đỏ, đau, cộm, sưng, phù nề, đến mỏi mắt do đọc sách hay làm việc máy tính nhiều, đỏ mắt do bụi đường..., chỉ cần vài giọt thuốc này là thấy mắt hết đỏ, dễ chịu...

Mấy ai đọc cảnh báo tác dụng xấu tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể, viêm kết mạc bề mặt, mỏng lớp giác mạc của mắt, nếu dùng kéo dài hay vô số những chống chỉ định của thuốc, chặng hạn đau mắt do nhiễm nấm mà nhỏ thuốc có corticoid thì nguy cơ mù ở ngay trước mắt...

BV Mắt TƯ thường xuyên tiếp nhận những bệnh nhân bị suy giảm thị lực trầm trọng hay mù lòa do dùng tùy tiện thuốc nhỏ mắt có corticoid. Nhiều người chỉ 17 - 18 tuổi và không ít trẻ nhỏ đã bị mù do bệnh Glôcôm, một tai biến của thuốc corticoid...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại