Mặt phù, chân tay tong teo vì thuốc tăng cân, giảm đau
PGS Tạ Văn Bình – Nguyên Giám đốc Bệnh viện Nội tiết trung ương chia sẻ, ông từng gặp nhiều bệnh nhân đến khám do tác dụng phụ của corticoid. PGS Bình kể, mới đây nhất là trường hợp một nữ bệnh nhân đến gặp ông vì hội chứng rối loạn lipid, đọng mỡ trên mặt, mặt phù nhìn như mặt trăng.
Nữ bệnh nhân trú tại ngoại thành Hà Nội này được người quen mua cho lọ thuốc tăng cân vì người gày, xanh xao. Sau 6 tháng kiên trì uống thuốc, chị cảm thấy ăn ngon, ngủ kỹ và thấy béo lên, da dẻ hồng, mặt tròn đầy đặn.
Thuốc không chỉ giúp có da, có thịt hơn, tình trạng đau lưng của chị cũng giảm hẳn. Chị cảm thấy may mắn vì dùng thuốc hợp với mình.
PGS Tạ Văn Bình
Tuy nhiên, nghịch lý là mặt chị càng ngày càng béo trong khi chân tay lại bị teo đi rất không cân đối. Đặc biệt, ria mép mọc nhiều hơn, đậm hơn nên chị rất lo sợ. Chị quyết định dừng thuốc nhưng lại cảm thấy mệt hơn.
Sau khi đi khám, bác sĩ chẩn đoán chị bị teo cơ, phù, rối loạn lipid do thuốc có chứa corticoid.
Trường hợp của ông Bùi Văn Hậu quê ở Sơn Tây, Hà Nội cũng tương tự. Ông Hậu bị bệnh gout nên về mùa đông các ngón chân sưng đau.
Con trai ông sang Camphuchia công tác mua cho bố gói thuốc trị gout. Ông Hậu uống xong thấy tác dụng tốt không còn đau nhức nên dùng đều đặn.
Tuy nhiên, sau nửa năm dùng thuốc, mặt ông Hậu tròn như cái đĩa, chân tay teo, thâm và có biểu hiện của suy tuyến thượng thận do lạm dụng corticoid. Ông Hậu vẫn quả quyết không phải do thuốc con ông mua.
Cho đến khi ông đưa gói thuốc ra, bác sĩ và y tá đều bất ngờ bởi nhìn dạng thuốc có thể đoán được thành phần có chứa corticoid.
Coi chừng hậu quả khôn lường với sức khỏe
PGS Bình cho biết, corticoid là chất độc bảng B theo phân loại của Bộ Y tế. Nếu dùng lâu dài có thể gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm như giảm khả năng miễn dịch, gây nhiễm trùng cơ thể hay từng vùng nếu bôi da, rối loạn hoạt động nội tiết.
Ngoài ra, corticoid có thể dẫn đến các biến chứng như tiểu đường, hội chứng Cushing (mặt, cơ thể mập mạp nhưng tay chân rất gầy yếu), cao huyết áp, đặc biệt là hội chứng nghiện corticoid.
Về phương diện chữa bệnh, corticoid là thuốc rất quý do có tác dụng chống viêm, chống dị ứng, ức chế hệ miễn dịch. Nó dùng để chống viêm, giảm đau, trị các bệnh xương khớp, các bệnh tự miễn, các bệnh dị ứng ngoài da và hệ hô hấp (biểu hiện là hen suyễn nặng), bệnh suy tuyến thượng thận.
Gương mặt hình mặt trăng và thứ "thần dược" bách bệnh. (Ảnh minh họa)
Nếu dùng corticoid trong thời gian dài sẽ có nguy cơ teo tuyến thượng thận do tuyến này quen với tình trạng có thuốc trong cơ thể sẽ ngưng hoạt động, không còn duy trì chức năng nội tiết. Điều này rất nguy hiểm. Đối với trẻ nhỏ, do cơ thể chưa phát triển hoàn chỉnh nên tác hại do corticoid tăng lên bội phần.
Không chỉ ảnh hưởng tới các bộ phận khác, GS Nguyễn Văn Tuấn – chuyên gia về loãng xương ở Úc cho biết, hiện nay ở Việt Nam tình trạng lạm dụng corticoid rất phổ biến, đây cũng là yếu tố nguy cơ dẫn đến loãng xương.
Theo GS Tuấn, corticoid được dùng trong nhiều trường hợp và nó rất có hiệu quả cho các bệnh như rheumatoid arthritis, lupus, COPD (tắc nghẽn phổi mãn tính), v.v... nhưng lại nguy hiểm cho xương.
Đặc biệt. GS Tuấn cho biết, ở các miền quê, corticoid thường ẩn trong mấy loại "thuốc nam" và "thuốc bắc". Thuốc này tạo những tác dụng trước mắt: ăn được, ngủ được, mập ra, nếu có đau nhức xương khớp sẽ giảm ngay, hoặc nổi mề đay mẩn ngứa cũng sẽ hết (do tác dụng giảm đau chống viêm, chống dị ứng của corticoid) khiến nhiều người cho là "thần dược".
Tuy nhiên, dùng lâu ngày các loại Đông dược "giả mạo" này có thể gây ra hậu quả khôn lường với sức khỏe người dùng.