Phi hành gia người Mỹ Neil Armstrong - người đầu tiên trên thế giới đặt chân lên Mặt Trăng ngày 20/7/1969, từng nói: "Bí ẩn khơi gợi sự tò mò, sự tò mò là chất liệu tạo nên khát vọng thông hiểu của loài người."
Những bí ẩn kỳ diệu bên ngoài vũ trụ rộng lớn chính nó đã tạo nên khát khao khám phá khiến biết bao thế hệ phi hành gia như Yuri Gagarin, như Vladimir Komarov hay Neil Armstrong... sẵn sàng mạo hiểm tính mạng để trở thành những người tiên phong hiện thực hóa giấc mơ ngàn đời của nhân loại.
Trong suốt chiều dài khai phá vũ trụ, nhân loại may mắn chứng kiến những đột phá không gian mà người Liên Xô và Mỹ mang lại trong thập niên những năm 50, 60 của thế kỷ trước, trong số đó phải kể đến cột mốc đầu tiên được đánh dấu bằng sự kiện Liên Xô chế tạo và phóng thành công vệ tinh nhân tạo đầu tiên trong lịch sử (Sputnik 1) lên quỹ đạo Trái Đất ngày 4/10/1957, đến sự kiện con người lần đầu tiên thoát khỏi lực hút Trái Đất để sải cánh ngoài không gian do phi hành gia Liên Xô Yuri Gagarin thực hiện ngày 12/4/1961, hay thành tựu có 1-0-2 trong hành trình chinh phục vũ trụ của người Mỹ do Neil Armstrong cùng đồng đội đặt những bước chân đầu tiên lên Mặt Trăng vào tháng 7/1969...
Bên cạnh những hào quang xứng tầm vũ trụ được người đời nhắc mãi ấy, có không ít những hy sinh mà vì nhiều lý do khác nhau, những phi hành gia quả cảm ấy buộc phải từ biệt cuộc đời mãi mãi.
Rất khó có thể quên những thảm kịch không gian mà người Mỹ và người Liên Xô phải hứng chịu trong những năm diễn ra cuộc chạy đua vào không gian của hai nước này thời Chiến tranh Lạnh (1946 - 1989).
Từ cái chết khiến thi thể không còn nguyên vẹn của Anh hùng Liên Xô Vladimir Komarov trong sứ mệnh bay cảm tử trên con tàu Soyuz 1 ngày 23/4/1967, đến thảm họa tàu con thoi khiến người Mỹ bàng hoàng là bi kịch tàu Challenger ngày 28/1/1986, tấn bi kịch này khiến toàn bộ phi hành đoàn gồm 7 người tử nạn trong giây lát)...
Lịch sử khai phá không gian còn chứng kiến rất nhiều thời khắc nguy kịch trong hành trình đưa người ra ngoài vũ trụ của hai cường quốc vũ trụ thời Chiến tranh Lạnh, trong số đó phải kể đến thời khắc cận kề cái chết của hai phi hành gia Liên Xô gồm chỉ huy tàu Vasily Lazarev và phi công Oleg Makarov trên con tàu Soyuz ngày 5/4/1975.
Soyuz 18a* là sứ mệnh bay do Liên Xô thực hiện cách đây 43 năm do phi hành đoàn gồm chỉ huy Vasily Lazarev và phi công Oleg Makarov thực hiện.
Cùng với con tàu vũ trụ có người lái Soyuz, phi hành đoàn dự kiến triển khai nhiệm vụ kết nối với Trạm vũ trụ Salyut 4 đang hoạt động trong khu vực Quỹ đạo Trái đất thấp (LEO), cụ thể ở độ cao 355km tính từ mặt đất.
Tính đến năm 1975, Soyuz 18a là sứ mệnh thứ hai đưa các phi hành gia Liên Xô lên Trạm vũ trụ Salyut 4 để sinh sống và làm việc trong không gian khoảng 60 ngày sau đó.
Sau tấn bi kịch của tàu vũ trụ Soyuz 11 năm 1971 khiến 3 phi hành gia Liên Xô tử nạn trên đường trở về Trái Đất (đọc chi tiết), vào tháng 9/1973, cả hai phi hành gia Vasily Lazarev và Oleg Makarov đều đã cùng nhau hoàn thành sứ mệnh bay thử trên con tàu Soyuz 12.
Do đó, cả hai đều có kinh nghiệm và sự ăn ý trong công việc, đó là lý do, lãnh đạo Liên Xô chọn họ bay chính cho sứ mệnh Soyuz 18a.
Oleg Makarov (trái) và Vasili Lazarev trước giờ bay. Photo Credit: Joachim Becker/SpaceFacts.de
Thế nhưng,
Sứ mệnh kết nối với Trạm vũ trụ Salyut 4 không những không được hoàn thành mà một sự cố suýt chút nữa khiến cả phi hành đoàn tài năng của Liên Xô tử nạn.
Trong thời điểm cận tử khi con tàu Soyuz lao tự do về Trái Đất, cả hai tài năng vũ trụ của Liên Xô đã phải trải qua những khoảnh khắc "thập tử nhất sinh" như thế nào? Và họ được giải cứu ra sao?
Cùng quay lại vào thời điểm 11:04 sáng ngày 5/4/1975, tại sân bay vũ trụ Baikonur, tên lửa đẩy Soyuz đưa con tàu vũ trụ cùng tên nặng gần 7 tấn thoát khỏi lực hút Trái Đất, tiến vào vùng Quỹ đạo tầm thấp của Trái Đất.
Gần 5 phút sau khi phóng, khi mới đạt đến độ cao 145km so với mặt đất, tàu vũ trụ Soyuz bất ngờ gặp sự cố kỹ thuật không thể cứu vãn: Thay vì tiến vào vùng quỹ đạo ở độ cao dự kiến, tàu lại giảm tốc bất ngờ và lao về mặt đất với vận tốc khủng khiếp.
Khi thời khắc kinh hoàng đó diễn ra, mọi việc tồi tệ dường như xảy ra cùng một lúc: Mặt trời biến mất khỏi tầm mắt, tiếng còi khẩn cấp trong tàu hú lên inh ỏi, trên bảng điều khiển nhấp nháy dòng chữ "Động cơ phụ thất bại". Cả chỉ huy tàu Vasily Lazarev và phi công Oleg Makarov đều cảm thấy cơ thể mình như vô trọng lượng.
Tình huống khẩn cấp này khoang chỉ huy tàu rơi tự do về Trái Đất) đã được các kỹ sư hàng không Liên Xô tiên liệu trước, tuy nhiên, thay vì đạt gia tốc dự tính trong trường hợp khẩn cấp của tàu là 147 mét/giây2, phi hành đoàn phải chịu đựng gia tốc lên tới 202 mét/giây2. (Trích dữ liệu NASA. Để dễ so sánh, máy bay phản lực dân dụng Boeing 747 đạt tới gia tốc 3,43 mét/giây2 khi cất cánh).
Riêng điều này cũng đủ hiểu, hai phi hành gia Vasily Lazarev và Oleg Makarov phải chịu đựng những giây phút khủng khiếp như thế nào khi khoang tàu rơi.
"Khi khoang chỉ huy của con tàu lao về Trái Đất, chúng tôi đều cảm nhận rõ sự đáng sợ của lực hấp dẫn. Nó ngày càng lao đi với tốc độ kinh khủng, lớn hơn nhiều so với dự đoán của tôi. Một lực vô hình nào đó ép chúng tôi vào chỗ ngồi, mí mắt nặng tựa như đeo chì. Lúc ấy, việc hít thở trở nên rất khó khăn... Chúng tôi thậm chí còn không thể giao tiếp với nhau. Tất cả những gì làm được lúc đó là mấp máy môi rồi thốt lên vài tiếng lẩm bẩm...", chi huy Vasily Lazarev về sau kể lại trải nghiệm cận tử kinh hoàng của mình.
Còn đối với phi công Oleg Makarov, đã có lúc anh thấy mắt mình chỉ nhìn thấy hai màu đen trắng, tựa như đang đi trong đường hấm tăm tối. Đã có lúc Oleg Makarov tiệm cận nguy hiểm đến mức thấy mình gần như mất ý thức hoàn toàn!
May mắn đã đến khi hệ thống dù của khoang tàu bật ra và mặc dù dưới tốc độ rơi cực nhanh của tàu, chiếc dù vẫn phát huy được tác dụng, giúp cho phi hành đoàn tiếp đất không quá nguy hiểm với mặt đất.
Địa điểm mà khoang tàu hạ cánh là một triền núi phủ đầy tuyết của núi Altai ở trung tâm châu Á, cách biên giới Trung Quốc 820km về phía Bắc. Vì dốc nên sau khi hạ cánh, khoang tàu bắt đầu lăn xuống dốc và chỉ dừng ở độ cao 152m so với mực nước biển khi chiếc dù bị vướng vào cây cối của triền núi.
"Khi tỉnh dậy, qua ô kính khoang tàu, tôi nhìn thấy một nhành cây xanh. Tôi biết đó là Trái Đất và chúng tôi còn sống!", phi hành gia 47 tuổi Vasily Lazarev nhớ lại.
Sau khi lao về Trái Đất với vận tốc lớn, chịu đựng sự dày vò của lực hút và cú tiếp đất không mấy suôn sẻ, phi hành đoàn vẫn... sống sót! Điều may mắn nữa lại đến khi nhiệt độ bên ngoài khoang là -7 độ C, bộ đồ phi hành họ mặc vẫn đủ sức chịu đựng thời tiết khắc nghiệt.
Họ may mắn được một người bản địa nói tiếng Liên Xô tìm thấy. Gần một ngày sau, sau khi liên lạc thành công với đội cứu hộ trực thăng, hai phi hành gia đã được sơ tán đến nơi an toàn và tiếp nhận điều trị y tế đầy đủ sau đó.
Sau khi sứ mệnh Soyuz 18a kết nối Trạm vũ trụ Salyut 4 không thành công, trong khi Vasily Lazarev không thực hiện bất cứ nhiệm vụ bay vào không gian lần nào nữa thì phi hành gia Oleg Makarov lại tiếp tục với 2 sứ mệnh khác trên tàu Soyuz kết nối với Trạm vũ trụ Salyut 6 về sau.
Vì những cống hiến to lớn của Vasily Lazarev và Oleg Makarov, cả hai tài năng vũ trụ của Liên Xô đều được nhận danh hiệu Anh hùng Liên Xô và nhiều huân chương cao quý khác.
-----
Dưới thời Brezhnev (lãnh đạo của Liên Xô từ năm 1964 đến năm 1982), mọi thất bại của Liên Xô đều bị che giấu. Vì thế, sự thật về sự cố và những gì mà phi hành đoàn thực hiện sứ mệnh Soyuz 18a bị giấu nhẹm trong 8 năm sau khi chi tiết vụ việc bị đưa lên một tờ báo nổi tiếng của Liên Xô.
Tuy nhiên, trước đó, người Mỹ đã nắm trong tay thông tin bí mật này.
Ba tháng sau khi sự cố tàu Soyuz xảy ra, thông tin về sứ mệnh thất bại bắt đầu rò rỉ (trước đó, Liên Xô cố ý giấu kín sự việc trước người dân và dư luận thế giới). Theo đó, vào tháng 7/1975, khi Mỹ và Liên Xô bắt tay nhau thực hiện Dự án thử nghiệm Apollo-Soyuz (ASTP) - nhằm kết nối phi thuyền Apollo của Mỹ với tàu vũ trụ Soyuz 19 của Liên Xô.
Thông tin về sứ mệnh bay thất bại Soyuz 18a được chính những người Liên Xô tham gia dự án chung Apollo-Soyuz bí mật tiết lộ.
Dự án Apollo-Soyuz năm 1975 chính thức khép lại Cuộc đua vào vũ trụ giữa Mỹ và Liên Xô sau 18 năm kể từ khi Liên Xô phóng vệ tinh đầu tiên trên thế giới Sputnik 1 vào quỹ đạo Trái Đất năm 1957.
Chú thích:
*Sứ mệnh Soyuz 18a còn có các tên gọi khác, bao gồm: Soyuz 7K-T No.39, Soyuz 18-1, April 5 Anomaly (Tạm dịch: Ngày 5/4 dị thường).
Bài viết sử dụng các nguồn: Spaceflight.nasa.gov, America Space, Listverse, Arstechnica
Đọc chùm bài về Hồ sơ Liên Xô, tại đây.
- Thảm kịch ám ảnh Liên Xô: 300 tấn nhiên liệu nổ, phá hủy "vật thể" 1,7 tấn trong tích tắc
- Nước mắt Anh hùng Liên Xô: Nén nỗi đau mất con, lập hàng loạt kỷ lục ngoài vũ trụ!
- Sứ mệnh tự sát của Anh hùng Liên Xô: Thả bom H mạnh nhất lịch sử, chỉ có 50% cơ hội sống