Ngày từ thập niên 1920, chính phủ Liên Xô đã bắt đầu tìm kiếm một nơi bí mật, cô lập nhằm xây dựng một tổ hợp quân sự khoa học phục vụ cho mục đích phát minh - sản xuất - và thử nghiệm vũ khí sinh học.
Kế hoạch xây dựng khu tổ hợp buộc phải tạm hoãn khi cuộc Nội chiến (1917 - 1922) tại nước này xảy ra, cộng với việc những nỗ lực xây dựng khu tổ hợp quân sự khoa học thất bại trong những năm từ 1936 - 1941 khiến Liên Xô "đổi ý" và yêu cầu khu vực này phải được xây dựng ở nơi càng hẻo lánh càng tốt.
Ban đầu, hồ Baikal nằm trong danh sách "ứng cử" khả thi nhất. Tuy nhiên, sau nhiều lần cân nhắc và lựa chọn, danh sách thu hẹp dần xuống còn 3 khu vực là quần đảo Solovetsky ở Biển Trắng, đảo Gorodomlya nằm trên Hồ Seliger và đảo Vozrozhdeniya.
Cuối cùng, Liên Xô cũng chọn được một địa điểm lý tưởng, đó là đảo Vozrozhdeniya nằm cô lập giữa biển Aral (hay còn gọi là Hàm Hải). Rộng 200km2, hòn đảo nhỏ Vozrozhdeniya đáp ứng ngay tiêu chí mà giới lãnh đạo Liên Xô mong muốn: Đủ bảo mật trước con mắt dòm ngó của phương Tây.
Vozrozhdeniya từng là "hòn đảo thiên đường" của vùng Trung Á. Bao quanh bởi làn nước trong vắt như pha lê, hòn đảo nhỏ này toát lên vẻ đẹp bình dị của làng chài với những ngư dân siêng năng, chăm chỉ...
Tất cả những điều tuyệt vời ấy sau này chỉ còn là ký ức, bởi Vozrozhdeniya đã trở thành căn cứ chiến lược cho dự án thử vũ khí sinh học khổng lồ của Liên Xô trong suốt nhiều thập kỷ.
-----
Vậy ở Vozrozhdeniya chứa đựng bí mật gì trong lịch sử Liên Xô và trong thời Chiến tranh Lạnh mà khiến cho địa điểm này trở thành một trong những khu vực nguy hiểm, chết chóc nhất trên Trái Đất?
Kỳ 14 trong series Những Khu Vực Nguy Hiểm Nhất Hành Tinh sẽ lật mở bí mật từng bị Liên Xô chôn giấu nhiều năm tại đây.
Vào năm 1948, khi cuộc Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô bước sang năm thứ 3, Liên Xô đã bắt tay ngay vào xây dựng một phòng thí nghiệm vũ khí sinh học trên đảo Vozrozhdeniya.
Sau khi cho thử các loại mầm bệnh gây nguy hiểm với con người như bệnh than, bệnh đậu mùa, bệnh dịch hạch, viêm não ngựa Venezuela, bệnh Brucellosis (còn gọi là sốt Malta) và Tularemia (bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn francisella tularensis gây ra), Liên Xô tiếp tục xây dựng một căn cứ quân sự ngay trên đảo có tên Aralsk-7 vào năm 1954.
Bắt đầu từ đây, các nhà khoa học bí mật làm việc tại căn cứ này đã tiến hành thử nghiệm tác động của các mầm bệnh truyền nhiễm chết người lên động vật. Đối tượng động vật họ nhắm tới là loài khỉ.
Trung bình mỗi năm, khoảng 200 đến 300 con khỉ được đưa đến hòn đảo. Những con khỉ sẽ bị nhốt vào lồng lớn ngoài trời, cho phơi nhiễm bệnh. Sau một thời gian, chúng sẽ được mang đến phòng thí nghiệm, nơi người ta kiểm tra máu và theo dõi quá trình mầm bệnh hủy hoại cơ thể chúng ra sao.
Thông thường, các con khỉ thí nghiệm sẽ chết trong vài tuần. Chết chưa phải là kết thúc! Sau khi chết, chúng sẽ được khám nghiệm tử thi để xem tiếp mức độ lan truyền bệnh sang vật thể khác như thế nào.
Mặc dù là hòn đảo nằm cô lập giữa biển, nơi những người dân đã bị sơ tán đi nơi khác sinh sống, thì Vozrozhdeniya vẫn là nơi đông đúc, bởi tại Kantubek (thị trấn duy nhất của hòn đảo, cách các phòng thử nghiệm và bãi thử vũ khí nhiều km) đã có 1.500 người bí mật sinh sống và làm việc. Họ bao gồm các nhà khoa học, bác sĩ và giới quân đội được chính phủ Liên Xô tuyển chọn và đưa đến.
Vốn không có tên trên bản đồ và hoàn toàn được thực hiện trong bí mật nên Liên Xô phần nào "yên tâm" trước một Vozrozhdeniya nằm cô lập giữa biển Hàm Hải và chuyên tâm cho các dự án phát triển vũ khí sinh học chết người của mình.
Tuy nhiên, chỉ 14 năm sau khi phòng thí nghiệm đầu tiên được xây dựng và đi hoạt động, "góc khuất" đen tối thời Chiến tranh Lạnh mà Liên Xô cố che giấu đã bị phơi bày: Năm 1962, vì nghi ngờ những hoạt động kỳ lạ tại vùng biển Trung Á, CIA đã sử dụng vệ tinh và chụp được hàng loạt các bức ảnh tại Vozrozhdeniya.
Bên cạnh những hình ảnh làng chài còn lưu giữ lại để làm "bình phong", là những tòa nhà nghiên cứu cùng một địa điểm thử nghiệm vũ khí ngoài trời và trại động vật nhỏ. CIA đủ tỉnh táo để không bỏ sót bất cứ chi tiết nào trong các bức ảnh vệ tinh của mình.
Trong bối cảnh cuộc chạy đua vũ khí hủy diệt đang diễn ra mạnh mẽ giữa hai cường quốc này, bất cứ một động thái nào của đối phương bị phát hiện cũng đều trở thành mục tiêu săn lùng của bên còn lại. Lẽ tất yếu, người Mỹ nghĩ ngay đến dự án vũ khí bí mật mà Liên Xô đang âm thầm thực hiện.
Ngay lập tức, cả Hải quân, Không quân Mỹ cùng CIA phối hợp điều tra. Một bản báo cáo dày với đầy đủ thông tin và hình ảnh về vùng biển Hàm Hải, hòn đảo Vozrozhdeniya đã được CIA thực hiện tỉ mỉ.
Sau khi phân tích các yếu tố gồm đất đai, vùng nước biển, vùng không gian bên trên, làng chài, khu thử vũ khí và trại động vật... CIA nghi ngờ Liên Xô bí mật sử dụng thuốc trừ sâu độc hại làm vũ khí chiến tranh.
CIA đã đúng khi nghi ngờ Liên Xô thử nghiệm vũ khí sinh học tại một hòn đảo cô lập giữa Trung Á. Người Mỹ không ngờ rằng, các thành phần của vũ khí sinh học mà Liên Xô nghĩ đến lại là các mầm bệnh chết chóc và có tính chất âm thầm hủy hoại cơ thể con người hàng loạt đến vậy!
Người ta sẽ không hình dung nổi mức độ nguy hiểm mà Vozrozhdeniya đang nắm giữ cho đến khi một sự cố gây chết người xảy ra tại đây.
Ảnh minh họa.
Dưới đây là báo cáo của Đại tướng Liên Xô Pyotr Burgasov - một nhà nghiên cứu cấp cao thuộc chương trình Vũ khí Sinh học của Liên Xô - về sự cố năm 1971.
"Ngày 30/7 năm đó, có người báo cáo với tôi, có vài trường hợp tử vong bất thường tại Aralsk-7. Trước đó, căn cứ chuẩn bị cho tiến hành thử nghiệm mẫu mầm bệnh đậu mùa mạnh nhất trong 23 năm hoạt động của mình. Khoảng 400gram mầm bệnh đậu mùa được nhà nghiên cứu thực hiện.
Một thời gian sau, một nhà khoa học trẻ làm việc trên đảo bỗng dưng ngã bệnh sau khi tàu nghiên cứu của cô tiếp cận phòng thí nghiệm ở khoảng cách không cho phép (thuyền của cô tiếp cận khu vực thử cách 15km, trong khi, khoảng cách yêu cầu là 40km). Mặc dù đã được tiêm vắc-xin ngừa bệnh xong vì là mẫu mầm bệnh cực mạnh nên cô này được chẩn đoán mắc bệnh đậu mùa.
Dù khỏi bệnh nhưng vì là bệnh truyền nhiễm qua không khí và tiếp xúc với cơ thể người bệnh nên cô đã lây nhiễm cho 9 người còn lại, trong đó có cả trẻ em, tại khu vực sinh sống. Kết cục, 3 người (1 phụ nữ và 2 trẻ em) tử vong, trong đó có người em 9 tuổi của cô, số người còn lại bị nhiễm bệnh nặng nề.
Ý thức được sự nguy hiểm của mầm bệnh lây nhiễm, tôi phong tỏa hòn đảo Vozrozhdeniya và ngăn chặn được nguy cơ lây nhiễm trên toàn quốc.
Chưa đầy 2 tuần sau khi sự cố, người dân trên đảo được tiêm chủng vắc-xin ngừa bệnh đậu mùa ngay lập tức. Mọi tuyến đường đều bị phong tòa. Tất cả nhằm tránh cho Moskva khỏi nguy cơ lây nhiễm khôn lường về sau."
Ken Alibek, cựu quan chức làm việc cho chương trình Vũ khí Sinh học của Liên Xô, về sau tiết lộ, rằng chính phủ Liên Xô cố tình chọn một chủng mầm bệnh đậu mùa "đặc biệt", nghĩa là cực mạnh và có nguy cơ lây truyền cao, để thử nghiệm trước khi sử dụng chính thức làm vũ khí sinh học.
"Cái giá" phải trả đã đến liền tay! Vì tham vọng của giới quan chức về loại vũ khí hủy diệt vừa tốn ít chi phí vừa có tính "sát thương" cao mà sinh mệnh của nhiều người phải kết thúc.
Điều tồi tệ chưa dừng ở đó, chưa dừng ở con người. Chỉ một năm sau sự cố bệnh đậu mùa, người ta tìm thấy xác hai ngư dân (từng thông báo mất tích) trên chiếc thuyền đánh cá của họ. Nhiều người nghi ngờ họ bị nhiễm bệnh và không được chữa trị.
Tiếp theo, hàng loạt cá ở vùng biển cũng chết mà không ai hiểu lý do vì sao. Khoảng 17 năm sau, 50.000 con linh dương bỗng lăn ra chết tập thể trong vòng vỏn vẹn 1 giờ đồng hồ!
Đến những năm 1990, bí mật và sự nguy hiểm chết chóc tại đảo bắt đầu bị rò rỉ bởi những người đào thoát thành công khỏi Vozrozhdeniya, trong đó có Ken Alibek.
Khi Liên Xô tan rã năm 1991, ý tưởng về loại vũ khí hủy diệt đã dần mất đi ý nghĩa từng có trong cuộc Chiến tranh Lạnh, cộng với sự phản đối mạnh mẽ của công chúng, chính phủ Liên Xô buộc phải đóng cửa Aralsk-7 (chính thức vào tháng 11/1991).
Tất cả những người sống trên đảo Vozrozhdeniaya được sơ tán trong vòng 2 tuần. Tất cả hệ thống hạ tầng dân sự và quân sự đều bị bỏ hoang khiến cho Kantubek như một "thị trấn ma"!
Câu hỏi đặt ra là: Những container chứa mầm bệnh sinh học nguy hiểm được xử lý ra sao khi Aralsk-7 bị đóng cửa?
Điều đáng buồn là những thùng chứa mầm bệnh lây nhiễm này không được lưa trữ/tiêu hủy đúng cách. Và trong nhiều thập kỷ qua, chúng đã bị rò rỉ!
Chỉ riêng với các bào tử bệnh than, khoảng 200 tấn bùn chứa bào tử bệnh than được trộn với chất tẩy trắng rồi chôn lấp vội vàng trong các hố sâu ở đảo Vozrozhdeniaya. Người ta nhanh chóng quên đi những mầm bệnh chết người và có khả năng sống sót phi thường dưới lòng hố cách mặt đất vài chục mét.
Có lẽ những người thực hiện việc chôn lấp cố tình quên rằng, vi khuẩn bệnh than có khả năng sống sót rất khủng khiếp. Dù bị trộn với chất khử hay nung trong lò ở nhiệt độ 180 độ C, chúng vẫn sống! Và sống rất dai. Thậm chí hàng trăm năm dưới lòng đất nếu bị chôn hời hợt như vậy.
Được ví như "quái vật dưới lòng đất", vi khuẩn bệnh than có thể thức tỉnh và gây nguy hiểm đến cho động vật và con người.
Sau hơn 40 năm thử nghiệm mầm bệnh sinh học chết chóc, cộng với việc xử lý hậu quả cẩu thả, toàn bộ hòn đảo Vozrozhdeniaya đã bị ô nhiễm! Đó là lý do biến nơi đây trở thành một trong những địa điểm nguy hiểm nhất hành tinh.
Bài toán đặt ra bây giờ là làm sao nước này có thể tiêu hủy các thùng chứa mầm bệnh một cách triệt để. Bởi dư âm sau chương trình Vũ khí Sinh học của Liên Xô sau 4 thập kỷ có lẻ chỉ còn là những mầm bệnh nguy hiểm, "thị trấn ma" Kantubek, và hòn đảo Vozrozhdeniaya bị cô lập nguy hiểm bậc nhất hành tinh!
Kantubek giờ chỉ là một "thị trấn ma". Ảnh: МACTAK MC/Panoramio
Đọc các khu vực thuộc series Những Khu Vực Nguy Hiểm Nhất Hành Tinh:
- Bí mật ở khu vực hứng bom nguyên tử nhiều nhất hành tinh: 10.000 năm mới hết nguy hiểm
- Gần 500 năm qua, đây là "quái vật đại dương" chết chóc, đáng sợ bậc nhất trên Trái Đất!
- Cái giá phải trả khi Liên Xô sở hữu bom nguyên tử mạnh nhất TG: Hơn 22.000 người sống mòn
- "Ngưỡng Chết" trên Everest: Bí mật chưa kể của huyền thoại leo núi vĩ đại nhất lịch sử
Bài viết sử dụng nguồn: News (Australia), BBC, Listverse, AmusingPlanet