Khi đó, cuộc đối đầu giữa Mỹ và Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh diễn ra rất căng thẳng. Không chỉ phô trương uy thế cùng sức mạnh trong lĩnh vực quân sự hay vũ khí hạt nhân hủy diệt, cả Mỹ và Liên Xô đều dốc sức cho những phát kiến vũ trụ và công nghệ không gian.
Nếu như người Liên Xô khai màn cuộc đấu vũ trụ bằng hai "cú hích" liên tiếp khiến người Mỹ bất an qua sự kiện (1) phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên trong lịch sử loài người Sputnik 1 lên quỹ đạo Trái Đất năm 1957 và (2) đưa phi hành gia Yuri Gagarin cùng con tàu Phương Đông 1 thoát khỏi lực hút của Trái Đất bay ra ngoài không gian năm 1961...
... thì người Mỹ đáp trả bằng sự kiện phi hành gia Neil Armstrong đặt những bước chân đầu tiên lên bề mặt Mặt Trăng năm 1969.
Phi hành gia Yuri Gagarin - "huyền thoại vũ trụ" trong lịch sử nhân loại.
Những thành tựu không gian mà Mỹ và Liên Xô tạo dựng được qua những màn Long - Hổ tranh hùng đều mang đến ý nghĩa lớn lao cho lịch sử và con người về sau.
Hào quang mang tầm vũ trụ mà cả hai siêu cường gây dựng nên vô hình chung khiến những thảm kịch mà cả hai phải trải qua đều bị giấu nhẹm sau bức mành đen.
Trước con mắt dòm ngó cực kỳ tỉnh táo và thông minh của tình báo hai bên, những hồ sơ mật này đều được giới lãnh đạo bưng bít đến tận khi cuộc chiến kéo dài hơn 4 thập kỷ tàn canh mới thôi. Vì lẽ đó, Liên Xô hay cả Mỹ đều có những thứ gọi là "bí mật quốc gia".
Thảm kịch khiến gần 50 người thiệt mạng tại sân bay vũ trụ Plesetsk ngày 18/3/1980 chính là một trong những "bí mật quốc gia" mà Liên Xô cố tình che giấu trong nhiều năm.
Sau khi bị cuốn vào Chiến tranh Lạnh, cả Mỹ và Liên Xô đều dè chừng trước sức mạnh quân sự ẩn chứa nhiều bí mật của nhau.
Mặc dù đã nắm trong tay "con át chủ bài" là chế tạo thành công quả bom nguyên tử đầu tiên trong lịch sử nhân loại năm 1945, nhưng vào đầu những năm 1950, nửa thập kỷ sau khi cuộc chiến bắt đầu, là khoảng thời gian Mỹ lo ngại nhất về sức mạnh hạt nhân chiến lược mà Liên Xô có thể đang bí mật triển khai.
Qua những thông tin tình báo thu thập được từ CIA và Không quân Mỹ, dù cho Washington có biết rằng Moskva đang âm thầm thực hiện các chương trình đầy tham vọng để phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) và máy bay ném bom, thì Mỹ vẫn mơ hồ về sức mạnh quân sự cũng như hiểm họa hạt nhân mà Liên Xô có thể mang tới. Điều này hiển nhiên khiến lãnh đạo Mỹ lo lắng!
Nhận thấy việc sử dụng điệp viên để do thám những bí mật quân sự của Liên Xô không còn hữu dụng, Mỹ bắt đầu nghĩ đến kế hoạch do thám trên không. Từ năm 1956 đến năm 1960, Mỹ triển khai tổng cộng 24 phi vụ trinh sát Liên Xô từ trên cao do máy bay do thám Lockheed U-2 đảm nhận.
Kết quả sau 4 năm, Mỹ không những nắm được rất ít hình ảnh về căn cứ chế tạo ICBM của Liên Xô mà còn phải nhận "cú knock-out" khiến chính CIA và Không quân nước này choáng váng: Đó là sự kiện ngày 1/5/1960, Liên Xô bắn hạ thành công Lockheed U-2 và bắt sống phi công kiêm điệp viên CIA Francis Gary Powers tại khu vực giáp tỉnh Sverdlovsk (thuộc Vùng liên bang Ural, phía tây nam Liên Xô).
Nhận cú đánh trực diện này từ Liên Xô, Tổng thống Mỹ Dwight D. Eisenhower lúc bấy giờ buộc phải từ bỏ kế hoạch triển khai máy bay trinh sát tầm cao Lockheed U-2 trên vùng không phận của Liên Xô.
Cái khó chẳng bó được cái khôn. Một cố vấn bí mật của Nhà Trắng tiếp tục đề xuất phương án do thám Liên Xô từ... không gian, với lý do đề xuất là vừa đảm bảo bí mật vừa có thể bao quát cả Liên Xô rộng lớn, thậm chí là cả Trái Đất.
Tổng thống Eisenhower nhanh chóng phê duyệt phương án mới mang có tên Chương trình Corona này. Núp dưới tên Dự án nghiên cứu không gian Discoverer, Corona được triển khai dưới sự điều hành của Trung tâm Khoa học & Công nghệ thuộc CIA và Không quân Mỹ.
Chương trình tiêu tốn gần 1 tỷ USD của Mỹ nhanh chóng "hái quả ngọt" khi hàng loạt các vệ tinh do thám công nghệ cao Corona đầu tiên trên thế giới được Mỹ triển khai nhằm trinh sát Liên Xô và nhiều khu vực trọng yếu khác trên thế giới bắt đầu từ năm 1960 sau khi tàu vũ trụ không người lái Agena (của NASA) đưa vệ tinh Corona lên quỹ đạo thành công ngày 18/8/1960.
Vệ tinh gián điệp Corona được Mỹ phóng lên quỹ đạo Trái Đất ngày 18/8/1960.
Chỉ vài tháng sau, vệ tinh gián điệp Corona đã làm tiêu tan nỗi ám ảnh trong suốt một thập kỷ của Mỹ đối với tiềm lực hạt nhân của Liên Xô. Những hình ảnh Corona cung cấp còn cho thấy, Liên Xô thậm chí đi sau Mỹ trong việc phát triển hệ thống tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) khả thi; và rằng địch thủ của mình chỉ đang chế tạo máy bay ném bom chiến lược; trên hết là dồn toàn lực để sản xuất tên lửa.
Thế nhưng...
Thứ mà người Mỹ không thể ngờ đó là, cũng vào tháng 8/1960, OKB-586 - trung tâm thiết kế các vệ tinh và tên lửa (gồm cả tên lửa đạn đạo xuyên lục địa) của Liên Xô - nhận sứ mệnh phát triển tàu vũ trụ DS-K8 với mục tiêu thử nghiệm các phương pháp triển khai hệ thống radar quân sự từ không gian.
Vốn là người tiên phong trong các cuộc phát kiến vũ trụ, Liên Xô hẳn nhiên không thể không nghĩ đến việc sử dụng vệ tinh công nghệ cao để trinh sát địch thủ của mình.
Nếu như người Mỹ chính thức mở ra kỷ nguyên vệ tinh gián điệp đầu tiên trên thế giới vào tháng 8/1960 thì cũng trong thời gian đó, Liên Xô ngấm ngầm bước chân vào cuộc chiến mang tên "do thám không gian" với địch thủ thời Chiến tranh Lạnh của mình... Và rồi, họ cũng phải “ngậm trái đắng” suốt nhiều năm từ chính cuộc đua tàn khốc ấy...
Cuộc đua vào không gian (trong cả lĩnh vực khám phá vũ trụ và phát triển công nghệ không gian) chưa bao là bằng phẳng với cả Mỹ và Liên Xô. Để có được những thành tựu lưu danh muôn đời, cả hai đều phải đánh đổi ít nhiều đau thương.
Quay trở lại sứ mệnh mà OKB-586 được giới lãnh đạo Liên Xô giao năm 1960. Sau khi nhận lệnh, OKB-586 triển khai kế hoạch theo hai giai đoạn: Giai đoạn thứ nhất, OKB-586 cho phát triển hai con tàu vũ trụ mang tên Dneprovskiy Sputnik-K40; Giai đoạn thứ hai, vào năm 1964, trung tâm này dồn toàn lực thiết kế hệ thống vệ tinh gián điệp thông minh mang tên Tselina.
3 năm sau khi OKB-586 hoàn thành hai gia đoạn của sứ mệnh, Liên Xô bắt đầu cho phóng vệ tinh do thám đầu tiên có tên Tselina O vào không gian ngày 30/10/1967. Lúc này, vệ tinh Tselina O mới chỉ hoạt động ở độ cao 550km so với mặt đất.
Các biến thể của vệ tinh do thám Tselina được cải tiến liên tục nhiều năm sau đó. Không chỉ tăng trọng lượng cho vệ tinh, giới khoa học Liên Xô còn tăng thời gian hoạt động cũng như tầm cao có thể đạt được trong vùng quỹ đạo Trái Đất.
Trong đó, vệ tinh Tselina D - có trọng lượng 1.750kg; tải trọng là 630kg; hoạt động ở độ cao 600-700km so với mặt đất; tổng thời gian hoạt động ngoài không gian là 6 tháng - chính là "chủ nhân" của thảm kịch không thể quên trong lịch sử hàng không của Liên Xô.
Sân bay vũ trụ Plesetsk - Ngày 18/3/1980...
Liên Xô lên kế hoạch phóng vệ tinh do thám Tselina D lên quỹ đạo Trái Đất, tầm hoạt động ở độ cao 600-700km. Thời gian phóng sẽ diễn ra vào lúc 21:16 phút.
Trước đó 1 ngày, giới kỹ sư Liên Xô đã hoàn tất việc lắp đặt tên lửa Vostok-2M (8A92) vào bệ phóng tại bãi phóng Site 43 của sân bay vũ trụ Plesetsk (thuộc tỉnh Arkhangelsk, cách Moskva 800km về phía bắc).
Các công đoạn thử nghiệm sơ bộ khác nhau đều được tiến hành cẩn thận trước khi quá trình tiếp nhiên liệu diễn ra. Vào 19:00 ngày 18/3, các thùng chứa nhiên liệu là dầu hỏa đã được bơm đầy. Ngay sau đó, người ta bơm bổ dung oxy lỏng và nitơ lỏng vào thùng chứa bên cạnh.
Một phút sau...
300 tấn nhiên liệu bỗng dưng phát nổ tạo thành một biển lửa khổng lồ. Ngay lập tức phá hủy vệ tinh Tselina D nặng hơn 1,7 tấn, cùng bệ phóng.
Thảm kịch đen tối năm 1980 diễn ra trong nháy mắt khiến cho hàng trăm người chứng kiến sự kiện phóng vệ tinh Tselina D thương vong: 44 người bị ngọt lửa nóng rẫy giết chết ngay lập tức; 43 người khác phải nhập viện vì bị bỏng nặng, 4 trong số đó chết trong bệnh viện; Số còn lại mặc dù sống sót nhưng đều bị bỏng nặng và tổn thương phổi.
300 tấn nhiên liệu bỗng dưng phát nổ tạo thành một biển lửa khổng lồ, giết chết 44 người ngay lập tức. Ảnh minh họa.
Hơn 80% nhân chứng còn sống sót lúc đó đã nói rằng, vụ nổ nhỏ đầu tiên bắt nguồn từ một khu vực trên thân tên lửa Vostok-2M (8A92) rồi nhanh chóng lan xuống các thùng chứa nhiên liệu khổng lồ.
Tuy nhiên, báo cáo từ ủy ban điều tra về sau cho biết, nguyên nhân gây nổ bắt nguồn từ chính các vật liệu được sử dụng trong bộ lọc nhiên liệu.
Sau thảm kịch hàng không khiến gần 100 người thương vong này, chính phủ Liên Xô quyết định bưng bít thông tin và xem đó là "bí mật quốc gia". Vụ nổ 300 tấn nhiên liệu vào lúc 19:01 phút ngày 18/3/1980 bị đưa ra ánh sáng vào năm 1989, khi cuộc Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô đã tàn canh.
Gần 40 năm sau thảm kịch diễn ra tại sân bay vũ trụ Plesetsk, vụ nổ khiến 48 người thiệt mạng trở thành một trong 3 tấn bi kịch hàng không bị giấu nhẹm lâu nhất trong lịch sử Liên Xô (hai tấn bi kịch còn lại là cái chết của "tài năng vũ trụ" Vladimir Komarov - đọc tại đây; và số phận nghiệt ngã của 3 phi hành gia tàu Soyuz 11 - đọc tại đây).
Đọc chùm bài về Liên Xô - Mỹ, Chiến tranh Lạnh - Tại đây.
Bài viết sử dụng các nguồn: CIA, New York Times, Space Safety Magazine, RBTH