Nguyên nhân của sự uể oải vào buổi sáng sau khi thức giấc
Đôi khi vào mỗi sáng thức giấc, chúng ta vẫn thi thoảng cảm thấy mệt mỏi, uể oải, ngáp ngắn ngáp dài như chưa được nghỉ ngơi đủ độ và chỉ muốn quay về chiếc giường đánh thêm một giấc nữa.
Lý do ở đây không gì khác chính là ngủ chưa đủ giấc.
Hầu như chúng ta đều nghĩ ngủ 8 tiếng là vừa đủ. Nhưng thực chất, đây vẫn chưa phải là thời gian hợp lý cho một cơ thể khỏe mạnh. Vậy chính xác chúng ta nên ngủ nghỉ trong bao lâu là tốt nhất?
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, nhà khoa học nghiên cứu giấc ngủ con người Daniel Gartenberg giải thích rằng chúng ta nên có một giấc ngủ kéo dài 8 tiếng rưỡi thay vì 8 tiếng thông thường để cho cơ thể có thể được hồi phục và tràn đầy năng lượng nhất vào mỗi sáng thức giấc.
Gartenberg nói rằng biểu hiện mệt mỏi, ngái ngủ sau khi tỉnh giấc vào buổi sáng chính là do hiện tượng "quán tính của giấc ngủ" (Sleep inertia). Hiện tượng này xuất hiện khi bạn bỗng thức tỉnh bất chợt ở giai đoạn ngủ sâu.
Chính điều này đã dẫn đến sự mệt mỏi, lơ mơ vào buổi sáng hôm sau. Hoặc khi ngủ lại, bạn sẽ ngủ li bì hơn bình thường.
Theo Tổ chức nghiên cứu và chăm sóc giấc ngủ Hoa Kỳ (The National Sleep Foundation – NSF), triệu chứng "quán tính của giấc ngủ" thường sẽ chỉ kéo dài trong khoảng vài phút.
Nhưng nếu bạn di chuyển ngay khi bạn tỉnh giấc đột ngột như vậy, chắc chắn cơ thể sẽ bị ảnh hưởng bởi sự thiếu ngủ, cắt giấc và gây ra sự uể oải vào sáng hôm sau.
Thế nào là thời gian ngủ hợp lý?
Chúng ta cũng biết rằng giấc ngủ cũng thay đổi cùng với cơ thể theo sự vận động của thời gian. NSF cho biết người trưởng thành cần ngủ đủ 7-9 tiếng một ngày để giữ cho cơ thể được khỏe mạnh và hồi phục tốt nhất.
Nhưng chúng ta đều tự đặt ra rằng 8 tiếng là thời gian ngủ lí tưởng, trong khi Gartenberg đã chứng minh rằng chỉ cần thêm 30 phút nữa thôi cũng đủ đem lại nhiều lợi ích cho giấc ngủ hơn ta tưởng.
Trình bày về nghiên cứu của mình, Gartenberg đã cùng với đồng nghiệp là giáo sư Orfeu Buxton tại đại học bang Pennsylvania (Mỹ) phân tích tính khoa học của thời điểm 8 tiếng cho một giấc ngủ đủ.
Thay vì ngủ 8 tiếng như bình thường ta hay được nghe, thì chính xác chúng ta cần ngủ đủ 8 tiếng rưỡi một ngày.
Tiêu chuẩn cho một giấc ngủ tốt là phải dành ra hơn 90% thời lượng ngủ sâu trong tổng thời gian đi ngủ. Nghĩa là nếu bạn ngủ 8 tiếng, thì thời lượng ngủ thực chỉ là 7,2 tiếng thôi.
Về cơ bản, nhiều người không ngủ ngay lập tức sau khi lên giường. Vì thế, nếu như xác định là bản thân sẽ ngủ 8 tiếng thì thực chất bạn chỉ đạt được thời lượng ít hơn mốc thời gian đó. Còn khi đã xác định ngủ 8 tiếng rưỡi thì thời gian ngủ thực có thể đạt đến 8 tiếng như mong muốn.
Thay vì thay đổi thói quen đặt giờ ngủ của mình mỗi khi lại có nghiên cứu mới, quan trọng là bạn phải hiểu được thể trạng của mình, từ đó sắp xếp giờ ngủ và nâng cao chất lượng giấc ngủ sao cho phù hợp với sức khỏe cơ thể mình nhất.
NSF cũng cung cấp cho chúng ta một danh sách ngắn để bản thân có thể tự kiểm tra thời lượng ngủ của mình liệu đã đạt tiêu chuẩn hay chưa. Sau đây là những câu hỏi ngắn cho bạn lựa chọn:
□ Bạn có rơi vào giấc ngủ trong vòng khoảng 20 phút sau khi lên giường không?
□ Bạn có ngủ đủ từ 7-9 tiếng không?
□ Bạn có cảm thấy tỉnh táo hoàn toàn sau khi tỉnh giấc?
□ Bạn có ngủ say mà không bị thao thức hay tỉnh giấc đột ngột không?
Nếu tất cả câu trả lời là có, xin chúc mừng bạn đã có được một giấc ngủ khỏe mạnh đúng chuẩn. Nếu chỉ ngủ 7 tiếng nhưng vẫn thấy khỏe mạnh, bạn không cần phải thay đổi giờ ngủ thêm nữa bởi đó đã là thời lượng phù hợp với thể trạng sức khỏe của bạn.
Nhưng nếu luôn rơi vào trạng thái mệt mỏi, hãy cảnh giác bởi đó chính là dấu hiệu của việc thiếu ngủ. Lúc này hãy thay đổi giờ giấc ngủ nghỉ của mình, hãy bổ sung thêm 30 phút vàng vào giấc ngủ.
Dù không phải là quá nhiều, nhưng nó là vừa đủ giúp cho bạn có thể chào buổi sáng với tràn đầy năng lượng nhất.
*Theo Bustle
11 động tác yoga đánh bay chứng mất ngủ