Vì đúng nên ức, ức cành hông!
Rất nhiều quí ông Việt có được những người vợ thật đảm đang (tuy đôi lúc hơi nhiều lời một tí), rất dịu dàng, chung thủy, cần cù, chu đáo, mấy ổng cứ ngỡ cưới xong, có tờ hôn thú thì ‘bút sa . .vợ chết’ rồi, nên yên chí lớn. Vậy là ‘bỗng dưng muốn. .chảnh’, tự phong cho mình đẳng cấp ‘đàn ông 5 sao’: “khéo tu lắm mới được làm vợ tui, nên phải biết điều”. Ga-lăng, tôn trọng, dịu dàng hả? Hổng dám đâu, mệt! Có những gã còn tuyên bố tỉnh bơ rằng: “Giữa bánh mì và hoa hồng, tui chỉ đem về một thứ thôi” (ý là: tui đã đem tiền về thì cả nhà phải phục tùng và phục vụ tui, sẽ không có mấy cái vụ bình đẳng, nhẹ nhàng, chia sẻ, ga lăng hay tôn trọng nữa đâu à!). ‘Chời’ ơi, ‘bánh mì’ của mấy gã đó, nuốt vào mà vợ con nghẹn lên nghẹn xuống!
‘Có tật giật mình’, thường những gã ‘5 sao tự phong’ này hay ‘canh me’ vợ rất kỹ: vợ trang điểm tươm tất một chút là gã lồng lộn lên; cằn nhằn mà vợ không khóc là gã chì chiết “mải nghĩ tới ai nên không thèm để ý lời tui nói”. Để trấn áp và dập tắt ‘nguy cơ binh biến từ trứng nước’, mấy gã luôn thẳng tay siết chặt vòng kim cô ‘gái chính chuyên một chồng’ trên đầu các chị. Tội nghiệp, trăm dâu đổ đầu.. vợ, lúc nào cũng nơm nớp u ẩn, không khí gia đình luôn ở đẳng cấp. . . chẳng có sao nào!
Có áp bức đương nhiên là có đấu tranh, mới xuất hiện câu vè: “vợ là cơm nguội của ta, nhưng là đặc sản của cha láng giềng”!
Các bà vợ luôn cần ông xã yêu thương và tôn trọng.Ảnh minh họa- nguồn: Internet
Vậy đấy, bên cạnh số lượng không nhiều thành phẩm quí hiếm ‘chồng
Việt Nam chất lượng cao’, vẫn còn không ít quí ông Việt đang ‘ngủ quên
trên chiến thắng’, mà chẳng chịu nhớ kỹ cho rằng mấy 'cha láng giềng’
lúc nào cũng lăm le sưu tầm 'đặc sản’. 'Cha láng giềng’ ấy, thời nay, đa
phần là những anh chàng đến từ Bắc Mỹ, Úc, châu Âu. . hầu hết đều có
trình độ chuyên môn, tài chính ổn định, đặc biệt là ‘phông’ văn hóa đậm
chất ga-lăng. Những 'cha' ấy, tuy chưa hiểu rõ văn hóa Việt,nhưng
lại muốn biết lý do vì sao phụ nữ Việt đẹp như thế, giỏi giang như thế,
tuyệt vời như thế mà lại cam chịu như thế?”.
Choáng! Người viết đành chống chế: “Họ... quen rồi bạn ạ, vả lại điều đó cũng có cái tốt là luyện cho phụ nữ sự dẻo dai”. ‘Láng giềng’ lập tức phản công: “Các bạn có biết rằng các bạn xứng đáng được tôn trọng, xứng đáng được hưởng những cuộc hôn nhân hạnh phúc hơn rất nhiều không?”. Đành khẽ khàng trong bụng: “Chúng tôi biết chứ! Nhưng mà, bình đẳng còn ít, tôn trọng làm sao nhiều?”
Ngày nay, hôn nhân xuyên quốc gia không còn bị cản trở khốc liệt bởi rào cản văn hóa nữa. Đó là lý do chính đáng để khi tận mắt thấy nhiều chị em - các bạn gái Việt ngày càng được mấy ‘cha láng giềng’ rước về dinh. Chung nhà với ‘cha láng giềng’ này, tuy khác biệt về ngôn ngữ, nét văn hóa vùng miền, lối sống, và đôi khi cả cách nghĩ nữa, nhưng không hề gì, vì đây là những điều cả đôi bên có thể học hỏi và tự điều chỉnh để ‘so cho bằng’ (chỉ có khác biệt về dáng vẻ là không điều chỉnh được, cũng chả sao!). Tất nhiên, làm sao tránh khỏi vài ‘con sâu’ ngoại làm rầu ‘nồi canh’ hôn nhân, nhưng cũng không ít những bạn gái Việt khi trở thành ‘đặc sản của cha láng giềng’, họ nhận được những giá trị cơ bản cần thiết của cuộc hôn nhân hạnh phúc: tôn trọng, bình đẳng, cùng chăm lo hết lòng cho con cái với những kiến thức khoa học nhân bản, chung tay vun xới cho hạnh phúc gia đình.
Không có gì ngạc nhiên khi rất nhiều người mẫu - diễn viên - ca sĩ hàng diva đã “cặp kè” với những ‘cha láng giềng’ và định cư ở nước ngoài. Có phải họ ham lạ, hay cần tiền. Chưa hẳn, nhiều người trong họ đã phát biểu:"Chúng cần bạn đời đúng nghĩa: một người chồng biết chia sẻ, biết yêu thương vợ chân thành". Vậy thì,đàn ông Việt chắc cần phải phấn đấu thêm.
Theo Phụ nữ Online