Binh lính Ukraine đi dọc một con hào ở Avdiivka, khu vực Donetsk. Ảnh: Reuters
Cơ hội cho ngoại giao
Một số quan chức Mỹ và phương Tây tin rằng cả Moscow và Kiev đều sẽ không thể đạt được tất cả mục tiêu trong cuộc xung đột ở Ukraine và nhận định, việc các cuộc giao tranh giảm dần khi mùa đông tới có thể là cơ hội để Nga và Ukraine bắt đầu tiến trình ngoại giao.
Các quan chức quốc phòng phương Tây đã đặt câu hỏi về khả năng của Ukraine để đẩy lùi hoàn toàn quân đội Nga khỏi các vùng lãnh thổ Moscow kiểm soát và việc liệu chiến dịch quân sự chững lại trong mùa đông có phải là dấu hiệu cho thấy hai bên khó có khả năng đạt được mục tiêu của mình hay không.
"Vào mùa đông, mọi thứ đều chậm lại. Về tiềm năng cho các cuộc đàm phán, chúng tôi muốn thấy điều đó xảy ra", một quan chức phương Tây giấu tên cho hay.
Quan chức này cũng chỉ ra rằng tuyên bố của Đại sứ Nga tại Anh vào tuần trước về tiềm năng đàm phán có thể là "thông điệp" hướng tới con đường ngoại giao.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã có chuyến thăm bất ngờ tới Kiev vào tuần trước để gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và các quan chức cấp cao Ukraine. Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng cho biết các cuộc trao đổi này đã "nhấn mạnh sự ủng hộ vững chắc của Mỹ cho Ukraine" và người dân nước này.
Tuy nhiên, hai nguồn tin thân cận với các cuộc trao đổi trên và một quan chức chính phủ Ukraine cho biết ông Sullivan đã nêu ý tưởng về việc cuộc xung đột này có thể kết thúc như thế nào và liệu có bao gồm giải pháp ngoại giao hay không.
"Ông ấy đang thăm dò tình hình", một nguồn tin thân cận với các cuộc trao đổi nói.
Quan chức này cũng cho biết, trong suốt cuộc trao đổi, ông Sullivan đã nêu ra rằng cần có giải pháp ngoại giao để chấm dứt xung đột và cho rằng vị thế của Ukraine sẽ được tăng cường chứ không phải yếu đi nếu nước này thể hiện thái độ sẵn sàng đàm phán với Nga. Quan chức Ukraine cho biết, ông Sullivan không cố gắng gây sức ép để Kiev bước vào đàm phán ngay lập tức hay thực hiện các bước đi cụ thể.
Thay vào đó, ông Sullivan bày tỏ quan điểm rằng, Ukraine có thể duy trì sự ủng hộ của phương Tây lâu dài hơn nếu nước này có thái độ sẵn sàng chấm dứt xung đột qua ngoại giao.
Trong một video đăng tải trên Twitter ngày 7/10, Tổng thống Zelensky đã nêu ra danh sách các điều kiện đàm phán với Nga, trong đó có việc khôi phục sự thống nhất lãnh thổ, bồi thường tổn thất chiến tranh và trừng phạt tội phạm chiến tranh.
Các quan chức Mỹ thừa nhận việc đưa hai bên vào bàn đàm phán sẽ là một việc đầy thách thức và cả Nga cũng như Ukraine đều giảm dần nhịp độ chiến đấu trong mùa đông để tổ chức lại lực lượng, sẵn sàng cho các cuộc tiến công vào mùa xuân.
Mỹ và phương Tây cũng thảo luận về khả năng liệu Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan có thể giúp làm trung gian hòa giải giữa 2 bên hay không và nhà lãnh đạo này đã thể hiện thái độ sẵn sàng cho nhiệm vụ đó. Ông Erdogan được cho là nhà lãnh đạo duy nhất vẫn trao đổi với cả Nga và Ukraine, một quan chức Ukraine cho hay, đồng thời nhận định, các quốc gia khác, trong đó có Israel và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất cũng cân nhắc ý tưởng trở thành bên trung gian hòa giải nhưng không có đề xuất nào của họ đặc biệt khả thi.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield nhận định với NBC News tuần này rằng: "Những gì chúng tôi muốn cho Ukraine là họ sẽ nhận được công lý, họ sẽ ở vị thế mạnh khi tham gia bất kỳ cuộc đàm phán nào có thể diễn ra với Nga".
3 chiến trường ác liệt nhất ở Ukraine
Hiện có 3 cuộc giao tranh lớn ở Ukraine gồm: cuộc giao tranh tại Kharkiv ở phía Đông Bắc, cuộc giao tranh tại Donetsk và Lugansk dọc biên giới phía Đông và cuộc giao tranh tại Kherson ở phía Nam Ukraine.
Kherson là mặt trận có thể chứng kiến sự thay đổi trước khi mùa đông tới, các quan chức Mỹ cho hay giữa bối cảnh hai bên khó có thể tạo ra những bước tiến lớn. Theo một quan chức phương Tây, giao tranh sẽ chậm dần và các lực lượng của Nga sẽ chuẩn bị các tuyến phòng thủ quanh Kherson.
Các quan chức Mỹ và phương Tây cũng cho rằng nếu Ukraine giành chiến thắng ở Kherson, điều đó sẽ khiến chính quyền Tổng thống Zelensky có vị thế đàm phán tốt hơn nhưng điều đó cũng sẽ ngăn cản Nga đàm phán bởi Moscow sẽ không đàm phán nếu không ở vị thế mạnh.
Ông Sullivan đã trao đổi với người đồng cấp Nga Nikolai Patrushev và phía Moscow cho rằng Ukraine đang lên kế hoạch sử dụng bom bẩn để đổ lỗi cho Nga. Cuộc trao đổi về cáo buộc sử dụng bom bẩn ở Ukraine cũng được thảo luận giữa các quan chức Mỹ như Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley với những người đồng cấp Nga. Theo đó, Ukraine và Mỹ đã bác bỏ các cáo buộc mà Nga đưa ra.
Các quan chức này cho biết, mối lo ngại sử dụng bom bẩn hoặc vũ khí hạt nhân chiến thuật đã tăng cao trong những ngày qua khi hai bên không ngừng cáo buộc nhau nhưng việc trao đổi giữa các quan chức cấp cao Mỹ và Nga đã làm dịu căng thẳng. Về nguy cơ Nga sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật, một quan chức quốc phòng cho biết "mối lo ngại này đã hạ nhiệt phần nào".
Ngày 7/11, khi được hỏi liệu Nga có sẵn sàng đàm phán với Ukraine hay không, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng: "Chúng tôi đã nhiều lần khẳng định phía Nga vẫn để ngỏ việc đạt được các mục tiêu thông qua đàm phán. Nhưng chúng tôi cũng muốn mọi người chú ý đến một thực tế ở thời điểm này, rằng chúng tôi không nhận thấy bất kỳ cơ hội nào cho điều đó bởi Kiev đã quy định trong luật pháp rằng họ sẽ không tiếp tục đàm phán với Nga".
Khả năng đàm phán giữa Nga và Ukraine nhằm chấm dứt xung đột được thảo luận giữa bối cảnh Ukraine đang cần thêm sự hỗ trợ quân sự từ phương Tây. Nhà Trắng và Quốc hội dự kiến sẽ cân nhắc các khoản hỗ trợ bổ sung cho Ukraine với giá trị từ 40 - 60 tỷ USD, NBC News đưa tin.
Một quan chức phương Tây cho rằng: "Dường như Nga đang lui về các vị trí phòng thủ dọc hầu hết tiền tuyến và tăng cường lực lượng dự bị động viên. Chúng tôi tin rằng Nga đang lên kế hoạch cho việc rút quân khỏi đầu cầu ở bờ Tây sông Dnipro".
Trước đó, Tướng Sergey Surovikin, người trở thành chỉ huy mới của quân đội Nga ở Ukraine hồi tháng 10, cho biết lực lượng nước này sẽ rút từ hữu ngạn về tả ngạn sông Dnieper.
"Quyết định lui về phòng thủ ở tả ngạn sông Dnieper không dễ dàng nhưng chúng ta phải bảo vệ tính mạng của các binh lính cũng như khả năng chiến đấu của quân đội".
Ông Sergey Surovikin cũng cho biết việc di chuyển lực lượng "sẽ được tiến hành trong tương lai gần". Động thái trên đã nhận được sự nhất trí từ Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu. Dù vậy, trong tuần qua, phía Ukraine bày tỏ thái độ hoài nghi về bước đi này của Nga khi cho rằng Moscow đang "gài bẫy" để đánh lạc hướng quân đội Ukraine và Nga sẽ không dễ dàng rời Kherson mà chưa chiến đấu.