Boghdan giải thích với phóng viên New York Times rằng, vị trí số 0 là để nói đến điểm xa nhất của chiến tuyến – nơi quân đội Ukraine cách lực lượng Nga chỉ chừng 270 m.
Đơn vị của Boghdan - Lữ đoàn đổ bộ đường không 79 là một trong những lữ đoàn được quân đội Ukraine triển khai đến phòng tuyến gần thành phố Marinka, vùng Donetsk, miền Đông Ukraine (Donbass).
Đào công sự trước khi chiến đấu
Binh sĩ Ukraine cũng chia sẻ, việc đầu tiên khi họ đến đây là đào công sự - thứ giúp họ sống sót. Để chứng minh những gì mình nói, Boghdan đứng trong chiến hào dùng súng chống tăng vác vai RPG-7 bắn về phía các binh sĩ Nga đang đào chiến hào ở phía đối diện.
Binh sĩ Ukraine di chuyển bên trong một chiến hào ở gần Marinka. (Ảnh: New York Times)
Phía Nga không thể xác định được vị trí của Boghdan nhưng vẫn bắn trả lại bằng súng máy. Các binh sĩ Nga cũng dừng việc đào hào lại.
Sau cuộc chạm trán ngắn với người Nga, Boghdan đưa phóng viên New York Times vào sâu bên trong boong-ke nơi binh sĩ này cùng đồng đội nghỉ ngơi, cũng là nơi để tránh các cuộc pháo kích.
Theo mô tả của phóng viên New York Times, bên trong chiến hào của Ukraine ngập bùn và sình lầy khi băng bắt đầu tan, phía Nga cũng trong tình trạng tương tự. Các binh sĩ Ukraine cho rằng điều kiện sinh hoạt hiện tại bên trong các chiến hào có thể khiến họ gặp nguy hiểm khi giao tranh diễn ra.
Ngồi bên trong boong-ke, Boghdan nói rằng Nga thường xuyên oanh tạc phòng tuyến của họ bằng không quân lẫn pháo binh. Sau mỗi đợt oanh kích bộ binh Nga với những nhóm nhỏ cố gắng xâm nhập vào chiến hào Ukraine trong đêm.
"Nga cũng sử dụng các máy bay không người lái cỡ nhỏ để quan sát phòng tuyến của chúng tôi, đôi khi chúng mang theo cả lựu đạn. Bạn sẽ không bao giờ biết trước khi nào đối phương tập kích", Boghdan nói thêm.
Về chiến thuật tấn công của Nga, Boghdan cho biết các mũi tiến công đối phương thường bao gồm xe chiến đấu bộ binh hoặc xe tăng, đôi khi là kết hợp giữa các phương tiện này và bộ binh.
Giữ vững phòng tuyến ở Marinka
Theo New York Times, quân đội Ukraine dù thiệt hại nặng ở Marinka nhưng vẫn giữ được một phần đáng kể thành phố này sau một năm xung đột. Phòng tuyến của họ đã cầm chân được Nga ở Marinka suốt nhiều tháng, kể cả trong mùa đông năm ngoái.
Bất chấp giao tranh ác liệt, kể từ tháng 9/2022 cho đến nay, lực lượng Nga chỉ mới kiểm soát được khoảng 1.000 km2 trên toàn bộ mặt trận phía Đông Ukraine.
Khi tham quan chiến hào của Ukraine ở Marinka, phóng viên New York Times hiểu tại sao phòng tuyến này khó bị công phá và việc vượt qua nó là nhiệm vụ nguy hiểm đối với binh sĩ Nga. Tuy nhiên để giữ được thành quả như hiện tại, quân đội Ukraine cũng phải chịu thiệt hại không kém đối phương.
Boghdan chia sẻ, trước khi phóng viên New York Times đến Marinka, lữ đoàn 79 chịu thiệt hại nặng nề trước các đợt tấn công của Nga dù vậy họ vẫn giữ được phòng tuyến.
Lữ đoàn đổ bộ đường không 79 là một trong những đơn vị tác chiến tinh nhuệ nhất của quân đội Ukraine. Đơn vị này đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ phòng tuyến nằm giữa Marinka và Vuhledar nằm cách thành phố Donetsk chưa đến 39 km.
Những người lính Ukraine luôn trong tâm thế sẵn sàng khi ở "vị trí số 0". (Ảnh: New York Times)
Để nói về vai trò của Lữ đoàn 79, New York Times đã lấy dẫn chứng từ những gì còn sót lại của thành phố Marinka – nơi từng có gần 10.000 người sinh sống. Giờ đây Marinka đã bị san phẳng thành bình địa sau một xung đột.
Không chọc thủng được phòng tuyến của Ukraine ở Marinka, quân đội Nga bắt đầu thay đổi chiến thuật của họ. Các mũi tiến công của Nga được phân thành các nhóm nhỏ đánh vào các vị trí phòng ngự yếu sau mỗi đợt pháo kích.
Boghdan cho biết, mỗi nhóm tác chiến kiểu này của Nga thường từ 12 đến 15 người, mỗi nhóm được chia tiếp thành tổ 3 người. Nhóm này trong lúc tác chiến vẫn được hỗ trợ hỏa lực tầm xa.
Các binh sĩ Ukraine từng chứng kiến cách đánh này của Nga cho biết, đối phương thường gửi một đợt bộ binh đầu tiên xông vào chiến hào. Từ sở chỉ huy, người Nga sẽ biết các vị trí hỏa lực của Ukraine thông qua UAV, sau đó là những đợt pháo kích. Trong đợt tấn công thứ 2, bộ binh Nga sẽ dọn sạch những gì còn sót lại trong chiến hào.
Chuyên gia quân sự người Pháp, cựu Đại úy André Laffargue khi nhận xét về chiến thuật này cho rằng nó không khác gì cách các bên sử dụng trong Thế chiến thứ 1. Để phá vỡ hay giữ tuyến phòng thủ với những chiến hào chằng chịt phải trả bằng rất nhiều sinh mạng.
"Các đơn vị bộ binh biến mất trong lò lửa như những nắm rơm khô", ông Laffargue nói.
Với chiến tuyến trải dài hơn 1.500 km, cả Nga và Ukraine đã và đang đào hàng ngàn km chiến hào — chúng được bố trí theo cấp bậc để nếu một nhánh chiến tuyến thất thủ, binh lính có thể rút lui đến các vị trí an toàn hơn.