Xung đột Nagorno-Karabakh: Thổ Nhĩ Kỳ quyết làm tới, Nga khó “khoanh tay đứng nhìn”

Hồng Anh |

Quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang ở giai đoạn thử thách hơn bao giờ hết trong bối cảnh xung đột giữa Armenia và Azerbaijan tại khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh ngày càng dữ dội hơn.

Thổ Nhĩ Kỳ đang thử thách sự kiên nhẫn của Nga

Quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ từng có thời gian nồng ấm. Kể từ khi Thổ Nhĩ Kỳ xin lỗi về vụ bắn hạ máy bay chiến đấu của Nga ở khu vực biên giới giữa nước này với Syria cách đây 5 năm, Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayip Erdogan dường như thân thiện hơn và liên tục có các cuộc tiếp xúc cũng như điện đàm.

Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định mua hệ thống phòng không S-400 của Nga dù điều này khiến Ankara bị loại ra khỏi chương trình F-35 của Mỹ. Ở thời điểm đó, có nhiều ý kiến cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ dường như thân thiết với Nga hơn là các đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Thế nhưng tình hình đã thay đổi. Sau khi hai bên đụng độ tại Syria, ủng hộ các phe phái đối lập tại Libya và cùng có tham vọng mở rộng ảnh hưởng khi Mỹ rút quân khỏi Syria, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã không còn sự tương tác thân thiết nữa.

Trong bối cảnh các cuộc giao tranh giữa Armenia và Azerbaijan tại khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh ngày càng dữ dội hơn, quan hệ giữa Moscow và Ankara đang ở giai đoạn khó khăn hơn bao giờ hết. Sự ủng hộ nhiệt tình của Thổ Nhĩ Kỳ dành cho chiến dịch của Azerbaijan đã đặt quan hệ giữa nước này với Nga vào một phép thử.

Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh thân thiết của Azerbaijan, còn Nga đã ký kết hiệp ước quốc phòng tương hỗ với Armenia và có căn cứ quân sự tại quốc gia này. Một số nguồn tin cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ cung cấp hàng tấn vũ khí cho đồng minh, mà có thể đã điều động lính đánh thuê từ Syria đến khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh để tiếp sức cho các lực lượng Azerbaijan.

Giới phân tích cho rằng cách tiếp cận của Tổng thống Erdogan đối với cuộc xung đột ở khu vực Nagorno-Karabakh sẽ giúp ông có được sự ủng hộ rộng rãi ở trong nước và cũng có thể phá vỡ thế bế tắc kéo dài trong khoảng 3 thập kỷ qua tại khu vực Caucasus, khiến ông có tiếng nói quan trọng hơn tại khu vực này.

Nhưng nếu hành động quá mức, Ankara dễ đối mặt với phản ứng mạnh mẽ từ Nga - quốc gia sở hữu tiềm năng quân sự vững mạnh, có thể tấn công các lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ trên nhiều lĩnh vực.

Ông Alexander Dynkin – chủ tịch Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế thuộc Học viện Khoa học Nga, kiêm cố vấn của điện Kremlin nhận xét: “Tổng thống Erdogan đang thử thách sự kiên nhẫn của Tổng thống Putin. Ông ấy khiến ông Putin ngày càng khó chịu hơn”.

Quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã trở nên căng thẳng trước khi giao tranh tại khu vực Nagorno-Karabakh nổ ra vào ngày 27/9, bất chấp những dấu hiệu khiến phương Tây tưởng rằng Ankara đang từ bỏ Mỹ và các đồng minh khác trong NATO để hợp tác với Moscow.

Nga và Thổ Nhĩ Kỳ được cho là đã triển khai các cố vấn quân sự, lính đánh thuê và quân đội đến hỗ trợ các phe phái đối lập tại Syria và Libya. Hiện giờ có nhiều lo ngại tại Moscow về việc các bên có thể vượt qua giới hạn đỏ tại vùng Caucasus.

Ankara đã chạm đến giới hạn đỏ?

Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng vướng vào nhiều cuộc xung đột và tranh chấp. Nga cho rằng Ankara đang “bóp nghẹt” Gazprom PJSC- tập đoàn dầu khí khổng lồ của nước này. Sản lượng khi đốt mà Thổ Nhĩ Kỳ nhập khẩu của Nga trong tháng 7 đã giảm 28% so với cùng kỳ năm 2019, trong khi nhập khẩu từ Azerbaijan tăng 22%.

Ankara dự tính sẽ lắp đặt một đường ống dẫn mới cho phép các công ty năng lượng của Azerbaijan cạnh tranh trực tiếp với tập đoàn Gazprom tại thị trường châu Âu.

Phát biểu trước Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ hôm 1/10, Tổng thống Erdogan đã chỉ trích việc Nga, Mỹ, Pháp ra tuyên bố chung kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức ở Nagorno-Karabakh là điều “không thể chấp nhận được”. Nga, Mỹ, Pháp là đồng chủ tịch của Nhóm Minsk thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu có vai trò giải quyết vấn đề tranh chấp giữa Armenia và Azerbaijan.

Trong tuyên bố đưa ra, ông Erdogan nhấn mạnh, Nhóm Minsk không còn phù hợp với mục đích đưa ra. Ông cũng liên hệ tình hình tại Nagorno-Karabakh với sự kiện Bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga vào năm 2014. Cuối tuần qua, các nhà lãnh đạo của Armenia và Azerbaijan thông báo, họ sẽ xem xét một lệnh ngừng bắn nhưng chỉ với điều kiện phía bên kia rút lui trước.

Đài quan sát nhân quyền Syria có trụ sở tại Anh hôm 3/10 cho biết, đã có 36 tay súng Syria bỏ mạng trong cuộc giao tranh tại Nagorno-Karabakh trong 48 giờ qua, nâng tổng số con số tử vong lên 64 người.

Cơ quan này cho biết, tính đến thời điểm hiện tại Thổ Nhĩ Kỳ đã điều 1.200 tay súng Syria tới Azerbaijan. Nga và Pháp cũng cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ điều động phiến quân từ Syria tới tham chiến cùng với Azerbaijan. Tuy nhiên, Ankara và Baku đã bác bỏ cáo buộc này.

“Nếu thông tin về việc Thổ Nhĩ Kỳ điều động quân đội hoặc các tay súng từ Syria tham chiến tại Nagorno-Karabakh là đúng sự thật thì đây sẽ là giới hạn đỏ. Và đó không phải là kiểu chủ nghĩa đa cực mà ông Putin theo đuổi”, nhà phân tích Alexander Dynkin nói.

Tổng thống Putin từ lâu muốn thúc đẩy một trật tự thế giới đa cực mới, nơi các cường quốc trong khu vực theo đuổi những lợi ích của họ mà không lo về ảnh hưởng của Mỹ.

Theo một quan chức cấp cao tại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ không hề từ bỏ NATO để xích lại gần Nga, mà là một nhân tố “đơn thương độc mã” đương đầu với sức ép của Nga trong khu vực. Thế nhưng quan điểm này không được chia sẻ rộng rãi tại phương Tây.

Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ không bao giờ nuôi ảo tưởng về việc đánh đổi quan hệ với Mỹ và phương Tây để xích lại gần Nga, nhưng họ đã tự đặt mình vào tình thế khó xử khi xa lánh các đồng minh NATO vốn có thể hậu thuẫn họ, ông Sinan Ulgen – học giả thuộc viện nghiên cứu Carnegie Europe nhận xét.

Mục tiêu của ông Erdogan là gạt Nhóm Minsk ra lề và cố gắng tiến tới một vị trí mới trên bàn đàm phán nhằm tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột Nagorno-Karabakh, ông Ulgen nhận định. Đây cũng chính là chiến lược xây dựng đòn bẩy mà Tổng thống Erdogan đã áp dụng thành công trong các cuộc xung đột tại Libya, Syria và phía Đông Địa Trung Hải.

Nhưng chiến lược này cũng ẩn chứa nguy cơ rủi ro bởi Tổng thống Putin có thể tấn công Ankara trên mọi mặt trận trong trường hợp những diễn biến trên thực địa vượt quá giới hạn kiên nhẫn của nhà lãnh đạo này.

“Thổ Nhĩ Kỳ đang ở một tình thế bất lợi hơn nhiều so với mức cần thiết bởi nước này và các đồng minh truyền thống đang bị xói mòn lòng tin, một phần do việc ông Erdogan quyết định mua hệ thống phòng không S-400 của Nga”, chuyên gia Ulgen nói.

Từ trước đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ luôn đứng về phía Azerbaijan trong cuộc xung đột tại Nagorno-Karabakh nhưng mức độ ủng hộ mạnh mẽ như ở thời điểm hiện tại là chưa từng có tiền lệ.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết, nước này sẽ hành động nhiều hơn nếu đồng minh yêu cầu. Quân đội của Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan đã hoàn thành cuộc tập trận chung quy mô lớn vào tháng 8 vừa qua.

Moscow không thể “khoanh tay đứng nhìn”

Trước những diễn biến như vậy, Nga khó có thể “khoanh tay đứng nhìn”. Nga đã ký hiệp ước quốc phòng tương hỗ với Armenia và bán vũ khí cho cả hai bên. Điện Kremlin đã công bố ít nhất hai cuộc trò chuyện giữa Tổng thống Putin và và Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan kể từ ngày 27/9 vừa qua trong khi không có một cuộc trò chuyện nào giữa ông Putin với Tổng thống Erdogan và Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev.

Vấn đề đối với Nga là, không giống như các cuộc xung đột tại Syria và Libya, Moscow không có căn cứ quân sự tại Nagorno-Karabakh để kiểm soát tình hình, và khác với Thổ Nhĩ Kỳ, Nga cần cân bằng quan hệ với cả hai phía.

De Waal - tác giả của cuốn sách “Khu vườn đen” nói về Nagorno-Karabakh cho biết. Ông De Waal nhấn mạnh: “Nga có đòn bẩy nhưng nước này không thể lựa chọn đứng về phía bên nào”.

“Nga và Thổ Nhĩ Kỳ giống như hai con gấu lớn đang cố gắng cạnh tranh sức mạnh nhưng ông Erdogan cần thận trọng để không vượt quá giới hạn. Thổ Nhĩ Kỳ là một cường quốc trong khu vực nhưng họ không nên quên rằng Nga cũng là bên có ảnh hưởng khá lớn”, chuyên gia Dubnov cho biết.

Giới quan sát cho rằng, nguy cơ xảy ra một cuộc chiến toàn diện giữa Moscow và Ankara liên quan đến tình hình xung đột tại Nagorno-Karabakh là rất xa vời. Bất chấp sự ủng hộ ngày càng mạnh mẽ hơn của Thổ Nhĩ Kỳ đối với Azerbaijan, cả Moscow và Ankara đều không sẵn sàng chơi một canh bạc lớn.

Tuy nhiên, giới phân tích đang lo ngại về một cuộc chiến tổng lực giữa Azerbaijan và Armenia. Azerbaijan cảnh báo sẽ tiến hành chiến dịch quân sự nhằm vào thủ phủ Stepanakert của vùng Nagorno-Karabakh còn Armenia đe dọa tấn công Ganja, thành phố lớn thứ hai của Azerbaijan, sau thủ đô Baku.

Theo một số nhà phân tích, Nga dù vẫn đứng ngoài lặng lẽ quan sát tình hình chiến sự, nhưng nếu giao tranh giữa các bên gây thương vong nghiêm trọng cho người dân và lan ra ngoài khu vực Nagorno-Karabakh, Moscow có thể can thiệp trực tiếp để thiết lập một lệnh ngừng bắn lâu dài./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại