Xung đột Armenia-Azerbaijan: Thổ Nhĩ Kỳ "hùng hổ", Nga "nén cơn giận"

Mạnh Kiên |

Xung đột Armenia và Azerbaijan một lần nữa bùng nổ. Nga-Thổ Nhĩ Kỳ liệu có bước vào cuộc chiến để phân định một lần cuối cùng?

Căng thẳng âm ỉ nhiều thập kỷ giữa Armenia và Azerbaijan liên quan đến vùng lãnh thổ Nagorno-Karabakh đã bùng phát thành xung đột vũ trang hôm 27/9.

Nagorno-Karabakh nằm trong khu vực lãnh thổ phía tây nam Azerbaijan nhưng phần lớn người dân nơi đây là người Armenia và luôn tìm cách ly khai khỏi Azerbaijan để sáp nhập vào Armenia.

Cuối tháng 9, quân đội Armenia và Azerbaijan bất ngờ nổ ra đụng độ dữ dội, cáo buộc nhau tấn công vào các mục tiêu ở vùng Nagorno-Karabakh.

Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên NATO đã cam kết sẽ hỗ trợ đồng minh lâu năm Azerbaijan trên chiến trường hoặc trên bàn đàm phán trong trường hợp cần thiết. Trong khi đó Nga vẫn đang thể hiện sự trung lập, kêu gọi hai bên ngừng leo thang.

Xung đột Armenia-Azerbaijan: Thổ Nhĩ Kỳ hùng hổ, Nga nén cơn giận - Ảnh 1.

Tại sao Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ Azerbaijan?

Theo AP, Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan bị ràng buộc bởi mối quan hệ dân tộc, văn hóa và lịch sử mạnh mẽ, đồng thời coi mối quan hệ của cả hai giống như thể "hai nhà nước, một quốc gia".

Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia đầu tiên công nhận nền độc lập của Azerbaijan vào năm 1991 sau khi Liên Xô tan rã và cả hai đã có mối quan hệ kinh tế bền chặt. Thổ Nhĩ Kỳ là đầu mối chính cho xuất khẩu dầu và khí đốt của Azerbaijan, và nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ đã trở thành một nhà đầu tư lớn ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Mặt khác, Thổ Nhĩ Kỳ không có quan hệ ngoại giao với Armenia và đã phong tỏa biên giới với quốc gia này vào năm 1993 để thể hiện tình đoàn kết với Azerbaijan về vấn đề Nagorno-Karabakh.

Quan hệ giữa Armenia và Thổ Nhĩ Kỳ cũng vốn đầy sóng gió với những tranh cãi liên quan đến bi kịch mà người Armenia phải chịu đựng trước đế chế Ottoman một thế kỷ trước.

Các học giả coi những sự kiện đó với người Armenia là vụ diệt chủng đầu tiên của thế kỷ 20, điều mà Thổ Nhĩ Kỳ luôn phủ nhận.

Năm 2009, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã có các nỗ lực hòa giải với Armenia, khiến cho Azerbaijan tức giận. Ông Erdogan tuyên bố sẽ thiết lập quan hệ chính thức với Armenia với điều kiện lực lượng nước này phải rút khỏi Nagorno-Karabakh.

Thổ Nhĩ Kỳ đã làm gì?

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã đào tạo các sĩ quan Azerbaijan trong nhiều thập kỷ. Vào tháng 8, lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn ở Azerbaijan. Thổ Nhĩ Kỳ cũng là nhà cung cấp thiết bị quân sự lớn thứ ba cho Azerbaijan sau Nga và Israel.

Theo chuyên gia Ozgur Unluhisarcikli, Giám đốc Quỹ Marshall của Đức, Ankara đã bán máy bay không người lái và bệ phóng tên lửa, đồng thời có thể đã cử các đội vận hành máy bay không người lái quân sự đến giúp Azerbaijan trong cuộc giao tranh hiện tại.

Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần tuyên bố sẽ hỗ trợ Azerbaijan nếu được yêu cầu nhưng cho đến nay không có bằng chứng nào cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ đang tích cực tham gia vào cuộc xung đột. Ankara khẳng định rằng Azerbaijan có đủ năng lực để chiến đấu mà không cần sự hỗ trợ của Thổ Nhĩ Kỳ.

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã phủ nhận việc cử lính đánh thuê Syria đến giúp Azerbaijan trong trận chiến mặc dù Đài quan sát Nhân quyền Syria báo cáo rằng có tới 850 chiến binh Syria đã đến Azerbaijan.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng bác bỏ tuyên bố của Armenia cho rằng một máy bay chiến đấu F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn hạ một máy bay Su-25 của Armenia.

Chuyên gia Unluhisarcikli nói rằng sự can dự của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ vào cuộc xung đột lúc này là "lời nói nhiều hơn hành động".

Lập trường của Nga là gì?

Xung đột Armenia-Azerbaijan: Thổ Nhĩ Kỳ hùng hổ, Nga nén cơn giận - Ảnh 4.

Khu vực Nagorno-Karabakh nằm trong lãnh thổ phía tây nam Azerbaijan.

Mặc dù Nga và Armenia không có chung đường biên giới nhưng Armenia là đồng minh thân cận của Nga tại khu vực Kavkaz giữa Biển Đen và Biển Caspi, bao gồm cả việc sở hữu một căn cứ quân sự lớn của Nga.

Căn cứ này có một đơn vị đồn trú khoảng 3.000 binh sĩ nằm ở Gyumri, cách khoảng 200 km về phía Tây Nagorno-Karabakh và chỉ cách 10 km từ biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.

Thủ tướng Armenia Nikol Pashinian coi căn cứ này là một thành lũy quan trọng chống lại khả năng Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành chiến dịch quân sự.

Armenia và Nga là thành viên của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể, một liên minh quân sự với sự tham gia của một số nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, không bao gồm Azerbaijan, làm dấy lên khả năng Armenia có thể kêu gọi sự trợ giúp quân sự từ liên minh.

Tuần này, Thủ tướng Pashinian cho biết ông thấy không cần thiết phải kêu gọi các lực lượng Nga hành động.

Tổng thống Nga Vladimir Putin từng bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về leo thang xung đột tại Nagorno-Karabakh, đồng thời kêu gọi Armenia và Azerbaijan "làm mọi điều có thể để ngăn xung đột tiếp tục leo thang và chấm dứt thái độ thù địch".

Nga vốn có quan hệ chặt chẽ với cả Azerbaijan và Armenia. Điều này khiến giới quan sát tin rằng Moscow không muốn xung đột giữa Azerbaijan và Armenia nổ ra sẽ gây mất ổn định khu vực phía Nam đất nước.

Diễn biến tiếp theo

Các chuyên gia coi luận điệu cứng rắn của Thổ Nhĩ Kỳ chống lại Armenia là một phần trong tham vọng của nước này đối với vị trí lãnh đạo toàn cầu và khu vực cũng như nỗ lực ngày càng tăng của Ankara trong giải quyết các tranh chấp thông qua "ngoại giao pháo hạm".

Nước này đã sử dụng linh hoạt sức mạnh quân sự của mình ở Syria trong một nỗ lực ngăn chặn các chiến binh người Kurd cố thủ ở biên giới.

Tại Libya, Ankara đã đứng về phía Chính phủ Hiệp định Quốc gia (GNA) để bảo vệ thỏa thuận phân định ranh giới trên biển. Cũng như ở phía Đông Địa Trung Hải, Thổ Nhĩ Kỳ đã gửi tàu thăm dò cùng tàu chiến đi khám phá nguồn năng lượng trong vùng biển tranh chấp với Hy Lạp.

"Bất cứ nơi nào có vấn đề, Thổ Nhĩ Kỳ có xu hướng quân sự hóa", chuyên gia Unluhisarcikli nói với AP. Nhưng với cuộc xung đột có nguy cơ lôi kéo Nga vào cuộc, các chuyên gia cho rằng Azerbaijan sẽ hành động thận trọng và hạn chế bất kỳ sự can thiệp nào của Thổ Nhĩ Kỳ.

"Sự hỗ trợ mà Azerbaijan sẽ yêu cầu từ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ giảm xuống dưới ngưỡng có thể khiến Nga tức giận", Unluhisarcikli nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại