"Xôi hỏng bỏng không", NATO sợ viễn cảnh Thổ Nhĩ Kỳ vừa có S-400 đã theo Nga bỏ liên minh?

Quốc Vinh |

Đã có các ý kiến kêu gọi Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ nên có cách giải quyết sáng tạo hơn trong tranh cãi S-400, thay vì đẩy Ankara vào bước đường cùng đến mức phải rời bỏ NATO.

Rạn nứt khó cứu vãn

Sau vài năm tranh cãi nảy lửa với Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ tuần trước đã chính thức nhận các bộ phận đầu tiên của hệ thống phòng không tối tân S-400 đến từ Nga. Thứ vũ khí này đang gây ra sự chia rẽ giữa các đồng minh NATO, mang đến khả năng Thổ Nhĩ Kỳ rút khỏi liên minh 70 năm tuổi.

Viễn cảnh như vậy được coi là một "món quà" không thể tốt hơn đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin, cây bút bình luận James Stavridis viết trên Bloomberg.

Mỹ và các đối tác NATO có ba lý do phản đối chính đáng đối với việc mua S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ. Đầu tiên và rõ ràng nhất là rủi ro tiềm năng đối với an ninh NATO nếu S-400 được tích hợp vào các hệ thống phòng không chung của liên minh.

Xôi hỏng bỏng không, NATO sợ viễn cảnh Thổ Nhĩ Kỳ vừa có S-400 đã theo Nga bỏ liên minh? - Ảnh 1.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.

Điều này xuất phát từ việc chính bản thân liên minh quân sự phương Tây không thể biết được cơ chế thu thập thông tin tình báo nào được tích hợp vào hệ thống của Nga.

Thứ hai, liên minh quan tâm sâu sắc đến việc máy bay chiến đấu tàng hình F-35 do Mỹ sản xuất sẽ thường xuyên hoạt động dưới sự giám sát của hệ thống do Nga chế tạo. Việc S-400 nắm thóp được khả năng tàng hình của F-35 sẽ là một lợi thế tình báo khổng lồ cho Moscow.

Cuối cùng, thương vụ mang đến một thông điệp địa chính trị tồi tệ nhất khi một thành viên chủ chốt của NATO mua vũ khí từ một quốc gia được coi là đối nghịch của liên minh.

Trong khi Tổng thống Donald Trump có phần không hài lòng khi chỉ trích việc mua hàng của Thổ Nhĩ Kỳ - nói rằng hiện tại không có các lệnh trừng phạt nào được đưa ra - ông đã chấp nhận tạm dừng bán F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Lầu Năm Góc rất ủng hộ việc loại bỏ Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chương trình F-35 một cách hoàn toàn, với tư cách là người mua và là nhà cung cấp phụ tùng. Quốc hội Mỹ cũng đang tức giận và có khả năng sẽ yêu cầu lệnh trừng phạt.

Tất cả những điều này diễn ra trong bối cảnh những bất đồng giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ và Liên minh châu Âu đang ngày càng lan rộng.

Thổ Nhĩ Kỳ không đồng ý với sự hỗ trợ của Mỹ cho các chiến binh người Kurd ở đông bắc Syria, những người mà Ankara nói có liên kết với các nhóm ly khai khủng bố người Kurd hoạt động ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Chính quyền Tổng thống Erdogan cũng đang đẩy mạnh việc thăm dò dầu khí dưới đáy biển gây tranh cãi ở Đông Địa Trung Hải.

Và cuối cùng, việc Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đưa ra các biện pháp cứng rắn đối với truyền thông và tiến hành hàng loạt các vụ bắt giữ sau đảo chính năm 2016 là điều khiến phương Tây không hài lòng.

Rạn nứt này nghiêm trọng đến mức nào? Và điều gì có thể được thực hiện để cứu vãn mối quan hệ?

Xôi hỏng bỏng không, NATO sợ viễn cảnh Thổ Nhĩ Kỳ vừa có S-400 đã theo Nga bỏ liên minh? - Ảnh 3.

NATO không muốn S-400 sẽ dẫn đến sự rút lui của Thổ Nhĩ Kỳ khỏi liên minh.

Buông tay để Thổ Nhĩ Kỳ rời đi?

Đầu tiên, chính quyền Trump và người châu Âu cần nhận ra những rủi ro cao trong tranh chấp này.

Theo cây bút James Stavridis – cựu đô đốc hải quân Mỹ từng tham gia nhiệm vụ trong liên minh NATO, Tổng thống Erdogan được coi là một nhà lãnh đạo không hứng thú với liên minh quân sự của phương Tây.

Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã là một thành viên hoạt động có giá trị của liên minh - các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ được đánh giá là rất chuyên nghiệp và là một phần trong những nỗ lực của NATO ở Afghanistan, Libya và Balkan, cũng như chống nạn cướp biển.

Việc đánh mất quốc gia có quân đội lớn thứ hai trong liên minh sẽ là một sai lầm địa chính trị nghiêm trọng. Nó cũng sẽ thiết lập một tiền lệ khủng khiếp với việc một quốc gia có thể phản ứng như thế nào khi bị áp đặt lệnh trừng phạt.

Vì vậy, phương Tây cần nỗ lực hướng tới một kết quả - dù là ở mức tối thiểu - giữ cho Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục hoạt động, đóng góp với tư cách thành viên của NATO.

Chìa khóa thứ hai là chuyển cuộc tranh luận ra khỏi bối cảnh hiện tại giữa Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ về Brussels, trụ sở của NATO.

Có 29 quốc gia trong NATO và một thành viên thứ 30 - Bắc Macedonia - có thể sẽ tham gia vào cuối năm nay hoặc đầu năm tới. Một tiếng nói liên minh thống nhất là cần thiết để giúp thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ rằng việc mua S-400 là một sai lầm, nhưng không phải là kết thúc sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ trong NATO.

Điều quan trọng là phải thay đổi đường đi của Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi quỹ đạo của Nga mà không làm hỏng mọi thứ.

Thứ ba, các đồng minh NATO nên suy nghĩ sáng tạo hơn về cách giải quyết các mối lo ngại cụ thể liên quan đến hệ thống S-400.

Ví dụ, có thể đưa ra các giải pháp kỹ thuật để "cách ly" S-400 với phần còn lại của hệ thống phòng không của NATO, được vận hành từ căn cứ không quân Ramstein ở Đức.

Hay NATO nên xem xét khuyến khích người Thổ Nhĩ Kỳ không nên cho S-400 hoạt động, sau đó bán cho họ một hệ thống phòng không cao cấp khác, với mức giá chiết khấu, để đáp ứng nhu cầu phòng thủ chính đáng của Ankara.

Cuối cùng, NATO cần tăng mức độ tham gia trên các mặt trận quan trọng khác - từ các phái đoàn cấp cao đến khuyến khích đóng góp lớn hơn của Thổ Nhĩ Kỳ và các cuộc trò chuyện cá nhân giữa các quan chức.

Tuy nhiên, cuộc sống luôn có những lựa chọn trái ngược nhau. Nếu Thổ Nhĩ Kỳ quyết định chọn S-400, cả hai bên trong tranh chấp này cần phải làm việc để tạo ra một kết quả có thể chấp nhận, không chỉ tránh phá vỡ sự thống nhất liên minh mà còn duy trì tính toàn vẹn của phòng không NATO và công nghệ tàng hình của F- 35.

Điều này có thể được thực hiện, nhưng nó sẽ đòi hỏi hai bên phải cùng thỏa hiệp, cây bút James Stavridis nhấn mạnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại