Một ngôi làng ở tỉnh Phúc Kiến, miền Đông Nam Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa xã.
Minh chứng cho sự thành công
Kỷ niệm 100 năm ngày thành lập, Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể tự hào về thành tích xóa đói giảm nghèo đạt được thời gian qua. Đây là một công cuộc quan trọng, có tính biểu tượng và ý nghĩa quyết định trong việc hoàn thành xây dựng toàn diện xã hội khá giả - mục tiêu 100 năm lần thứ nhất mà đảng này đề ra và phải hoàn thành vào dịp sinh nhật lần thứ 100 của mình.
Mặc dù đến cuối tháng 2/2021, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới chính thức tuyên bố giành “thắng lợi toàn diện” trong cuộc chiến chống đói nghèo, song Trung Quốc đã thông báo việc xóa bỏ được tình trạng nghèo cùng cực từ cuối tháng 12/2020, theo kế hoạch đề ra.
Trong tuyên bố của mình, lãnh đạo Trung Quốc cho biết, 98,99 triệu người nghèo theo tiêu chuẩn hiện hành ở nông thôn nước này đã thoát nghèo, 832 huyện và 128.000 làng nghèo đã được xóa khỏi danh sách đói nghèo.
Năm ngoái, Trung Quốc đã nâng chuẩn nghèo lên 4.000 nhân dân tệ/năm, tăng so với mức 2.536 Nhân dân tệ vào năm 2011. Chuẩn nghèo của Trung Quốc cao hơn mức 1,9 USD/ngày, nhưng dưới mức 3,2 USD/ngày của Ngân hàng Thế giới.
Như vậy, đã có tới 770 triệu người nghèo ở khu vực nông thôn Trung Quốc thoát nghèo kể từ khi nước này cải cách mở cửa, chiếm hơn 70% số dân thoát nghèo trên toàn cầu. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Trung Quốc đã hoàn thành trước 10 năm mục tiêu xóa nghèo trong Chương trình Nghị sự về phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc đến năm 2030.
Theo số liệu đưa ra trong Sách Trắng về thành tựu xóa đói giảm nghèo của Trung Quốc công bố hồi tháng 4, thu nhập khả dụng bình quân đầu người của cư dân nông thôn các vùng nghèo ở nước này đã tăng từ 6.079 nhân dân tệ (khoảng 900 USD) vào năm 2013 lên 12.588 nhân dân tệ (hơn 1.800 USD) vào năm ngoái, mức tăng trung bình hàng năm là 11,6%. Tỷ lệ phổ cập giáo dục bắt buộc 9 năm ở các huyện nghèo đạt 94,8%, 99,9% người nghèo được tham gia bảo hiểm y tế cơ bản.
Phát triển ngành nghề truyền thống cũng là một cách xóa đói giảm nghèo hiệu quả ở Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa xã.
Kinh nghiệm của Trung Quốc
Trong Sách Trắng về thành tựu xóa đói giảm nghèo của mình, Trung Quốc đã liệt kê nhiều cách làm mà nước này áp dụng trong 8 năm triển khai cuộc chiến chống đói nghèo.
Bên cạnh quyết tâm và ý chí chính trị, công cuộc xóa đói giảm nghèo ở Trung Quốc không chỉ được thực hiện thông qua các biện pháp tài khóa, mà còn là một chương trình có định hướng, có hệ thống, có kế hoạch, có tổ chức và trên quy mô lớn, tức vừa dựa vào sự can dự và đầu tư quy mô lớn của chính phủ về nhân lực, vật lực, giúp các khu vực nghèo xây dựng cơ sở hạ tầng, như đường sá, nước sạch, điện, thông tin liên lạc..., vừa thu hút sự đầu tư, hỗ trợ từ xã hội, địa phương và các cơ quan, doanh nghiệp, tạo sinh kế bền vững cho nông dân; với các làng nghèo không phù hợp cho con người sinh sống, người dân sẽ được di dời và xây dựng một làng quê mới tái định cư.
Đáng chú ý nhất là chiến lược “xóa nghèo chuẩn xác”. Sự chuẩn xác ở đây thể hiện ở cả việc xác định đối tượng được hỗ trợ thoát nghèo, đối tượng được chọn để hỗ trợ, cách thức hỗ trợ, cách thức đưa các đối tượng ra khỏi diện nghèo và cách giám sát để tránh tái nghèo...
Theo đó, kể từ năm 2012, Trung Quốc đã đầu tư gần 1.600 tỷ nhân dân tệ để xóa đói giảm nghèo, trong đó đầu tư của trung ương là hơn 660 tỷ nhân dân tệ. 14 thành phố giàu có ở miền Đông phải nhận hỗ trợ 14 tỉnh, khu tự trị và thành phố nghèo ở miền Tây; 307 cơ quan trung ương được chỉ định hỗ trợ 592 huyện nghèo; bộ đội đóng quân tại địa bàn hỗ trợ 4.100 làng nghèo lân cận. Trong 8 năm, 20 triệu lượt người đã được cử đến các hộ gia đình ở các làng nghèo để thu thập dữ liệu và thông tin về người nghèo; hơn 250.000 tổ (đội) công tác với hơn 3 triệu cán bộ do các cơ quan từ cấp huyện trở lên cử đến làm việc thường trực tại các làng nghèo, để mỗi hộ gia đình đều có người chịu trách nhiệm, mỗi làng đều có tổ hỗ trợ.
Chiến lược này được Sách Trắng của Trung Quốc khẳng định là “phép màu” để nước này giành chiến thắng trong cuộc chiến chống đói nghèo. Về cách làm cụ thể, việc kết hợp giữa xóa đói giảm nghèo với bảo vệ môi trường và giám sát theo dõi ngăn ngừa tái nghèo là những kinh nghiệm đáng tham khảo.
Theo đó, xóa đói giảm nghèo kết hợp với bảo vệ môi trường được thực hiện ở những nơi có các khu rừng và dải thực vật trọng điểm cần được bảo vệ. Tại đây, đất nông nghiệp sẽ được trả lại để trồng rừng, trồng cỏ, những cá nhân có đủ năng lực lao động ở các hộ nghèo sẽ được nhận làm nhân viên bảo vệ rừng, tức kiểm lâm và có thu nhập. Bên cạnh đó, việc kết hợp với phát triển cây công nghiệp và du lịch cũng giúp tăng thu nhập cho người dân.
Được biết, kể từ năm 2013, 74,5 triệu mẫu đất canh tác đã được chuyển đổi thành rừng và đồng cỏ ở các vùng nghèo, hơn 1,1 triệu người nghèo đã được chọn làm kiểm lâm, 23.000 hợp tác xã (tổ) trồng rừng (trồng cỏ) xóa đói giảm nghèo đã được thành lập ở Trung Quốc.
Về giám sát chống tái nghèo, một giai đoạn quá độ 5 năm sẽ được thiết lập kể từ ngày các huyện được tuyên bố thoát nghèo. Trong giai đoạn này, các chính sách hỗ trợ chính vẫn sẽ được duy trì, nhưng sẽ phải phân loại, tối ưu hóa và điều chỉnh cho phù hợp, để từng bước chuyển đổi từ tập trung nguồn lực hỗ trợ xóa đói giảm nghèo sang quá trình chấn hưng phát triển.
Việc kiểm tra định kỳ và quản lý linh hoạt sẽ được thực hiện đối với những hộ thoát nghèo không ổn định, những đối tượng dễ nghèo và những đối tượng gặp khó khăn do đau ốm, thiên tai, tai nạn..., nhằm sớm phát hiện và có biện pháp can thiệp, hỗ trợ kịp thời, ngăn chặn tình trạng tái nghèo và xuất hiện các hộ nghèo mới.
Việc đánh giá sau khi áp dụng các biện pháp củng cố kết quả giảm nghèo cũng được thực hiện, trong khi trách nhiệm của cấp ủy và các cấp chính quyền đối với công tác này được siết chặt và tăng cường.
Mục tiêu tiếp theo: Chấn hưng nông thôn
Nhận thức được việc thành công xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực mới chỉ là bước đầu, quan trọng hơn là phải duy trì được thành quả, tránh để xảy ra tình trạng tái nghèo và nhanh chóng thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, Văn kiện số 1 năm 2021 của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đề cập đến vấn đề “chấn hưng nông thôn”. Ngay sau đó, Cục chấn hưng nông thôn Quốc gia đã được nước này thành lập và đi vào hoạt động.
Văn kiện này đã vạch ra chiến lược củng cố thành quả giảm nghèo, thiết lập thời kỳ quá độ nhằm củng cố và mở rộng kết quả này, đồng thời gắn với quá trình chấn hưng nông thôn. Theo đó, trong năm 2021, Trung Quốc sẽ chính thức khởi động kế hoạch hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.
Cũng theo văn kiện này, đến năm 2025, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn ở Trung Quốc phải đạt tiến bộ quan trọng, hiện đại hóa hạ tầng nông nghiệp phải đạt trình độ mới, mức độ bình đẳng trong thụ hưởng dịch vụ công cơ bản ở đô thị và nông thôn phải được cải thiện đáng kể. Kết quả giảm nghèo được củng cố và mở rộng, chênh lệch thu nhập giữa cư dân thành thị và nông thôn tiếp tục được thu hẹp. Chuyển đổi xanh trong sản xuất và đời sống ở nông thôn có nhiều tiến bộ tích cực, việc sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật tiếp tục giảm, môi trường sinh thái nông thôn được cải thiện rõ rệt. Diện mạo nông thôn phải có nhiều thay đổi đáng kể, cảm nhận được thụ hưởng, hạnh phúc và an toàn của người nông dân phải được nâng cao rõ rệt.
Ngày 10/6 mới đây, Trung Quốc vừa công bố việc xây dựng khu thí điểm thịnh vượng chung hay cùng giàu ở tỉnh Chiết Giang, miền Đông Nam nước này. Việc thí điểm này là nhằm hướng tới mục tiêu cao hơn và cũng hết sức khó khăn, đó là thu hẹp khoảng cách giàu nghèo đang khá lớn ở Trung Quốc và khiến tất cả người dân nước này đều được thụ hưởng các thành quả phát triển của đất nước. Đây cũng là mục tiêu lâu dài và nhiệm vụ vô cùng gian nan mà Đảng Cộng sản Trung Quốc phải thực hiện trong tương lai để hướng tới mục tiêu 100 năm lần thứ hai – xây dựng Trung Quốc thành “cường quốc xã hội chủ nghĩa hiện đại, giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa, tươi đẹp” vào dịp 100 năm thành lập nước Trung Quốc mới năm 2049./.