Chiều 23/5, phiên toà xét xử vụ gian lận điểm thi ở Hoà Bình tiếp tục với phần luật sư hỏi các bị cáo.
Luật sư Đoàn Văn Hải (bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga - nguyên chuyên viên phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục), hỏi: Bị cáo được phân công giữ chức vụ gì trong tổ chấm thi trắc ngiệm kỳ thi THPT Quốc gia 2018? Nga trả lời: Bị cáo không giữ chức vụ gì trong tổ chấm thi trắc nghiệm.
Theo lời khai của Nga, trong kì thi THPT Quốc gia 2018, bị cáo được phân công nhiệm vụ quét bài thi vào trong máy tính, xử lý lỗi kỹ thuật trong quá trình chấm, xử lý dữ liệu bài thi gốc.
Bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga tại phiên xét xử chiều 23/5.
Về số tiền 1 tỷ 040 triệu đồng Nga nhận của Trần Văn Điện (cựu cán bộ trường THCS Chiềng Cơi, TP. Sơn La), sau đó đã nộp lại cho cơ quan điều tra, nữ bị cáo nói rằng thấy đồng tiền này là bất chính nên đã giao nộp lại cho cơ quan điều tra khi sự việc vỡ nở.
Đứng trước bục khai báo trả lời câu hỏi của luật sư, bị cáo Trần Xuân Yến (cựu Phó Giám đốc sở GD - ĐT Sơn La) nói rằng, thời điểm đưa thông tin thí sinh cho Nga nhờ xem điểm hộ, ông ta là Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La.
Thời điểm này, bị cáo đang trực tiếp phụ trách chấm thi với tư cách là Tổ trưởng tổ chấm thi trắc nghiệm. Khi nhờ Nga xem điểm, Yến không có thảo thuận gì về vật chất.
Tiếp tục phiên xét xử, Luật sư Bùi Việt Anh (bào chữa cho bị cáo Cầm Thị Bun Sọn - nguyên Phó Trưởng phòng Chính trị, sở GD-ĐT Sơn La), đặt câu hỏi đối với thân chủ của mình.
Bị cáo Cầm Thị Bun Sọn.
Trả lời câu hỏi của LS Việt Anh về việc nhận số tiền 440.000.000 đồng của bị cáo Hoàng Thị Thành (nguyên Chủ tịch Hội Nông dân H.Quỳnh Nhai), do Sọn tự đề ra hay Thành tự đưa, bị cáo khai: Số tiền này do Thành đặt ra rồi tự đưa, bản thân không hề nhắc đến tiền để nâng điểm cho con trai của Thành.
Sau khi vụ việc nâng điểm thi bị vỡ nở, Sọn đã tự nộp số tiền 440 triệu cho cơ quan điều tra, trước khi bị khởi tố.
Kết thúc phần trả lời của Sọn, bị cáo Hoàng Thị Thành trả lời các câu hỏi của Luật sư Bùi Việt Anh.
Luật sư Bùi Việt Anh.
Vì sao bị cáo lại nhờ Cầm Thị Bun Sọn nâng điểm? - luật sư Bùi Việt Anh đặt câu hỏi.
Hoàng Thị Thành trả lời: Sau thời gian suy nghĩ rất nhiều lần về con trai, con đã thi 1 lần nhưng không được nên bị cáo mong muốn trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018, cháu đủ điểm để vào ngành công an. Thành nghĩ bị cáo Sọn có thể giúp được việc này.
Vì là chỗ bạn học quen biết nên Thành đã nhờ Sọn nâng điểm cho con nhưng không nói cụ thể nâng bao nhiêu điểm từng môn, Thành chỉ nói chuyện với Sọn về việc nâng đủ điểm để có thể vào ngành công an.
Căn cứ vào đâu bị cáo đưa cho Sọn 400 triệu đồng? - luật sư đặt câu hỏi.
Thành khai bản thân chỉ suy nghĩ để giúp nâng điểm không biết bao nhiêu tiền để đủ "cảm ơn".
Bị cáo không có căn cứ gì để nghĩ "cảm ơn 400 triệu" là đủ, trong suy nghĩ của Thành, 400 triệu tiền cảm ơn.
Sau phần trả lời của Thành, luật sư Việt Anh đề nghị HĐXX trích, công bố bút lục số 8706 để làm rõ về việc Hoàng Thị Thành là người chủ động đề xuất mức tiền để đưa cho Cầm Thị Bun Sọn, mà không phải Sọn đề ra mức tiền như vậy.
Sau đó, cơ quan điều tra công bố bút lục 8706.
Luật sư Việt Anh tiếp tục đặt câu hỏi với bị cáo Thành, có phải Sọn yêu cầu số tiền 400 triệu không?
Thành khai, bị cáo Sọn không yêu cầu Thành phải đưa tiền cụ thể để có thể nâng, sửa điểm thi.
Tiếp đó, bị cáo Đỗ Khắc Hưng (cựu cán bộ Phòng PA03, Công an tỉnh Sơn La) đứng trước bục khai báo để trả lời câu hỏi của luật sư.
Trước câu hỏi của luật sư về việc, bị cáo cảm nhận như thế nào về hành vi vi phạm của mình, Hưng nói, bản thân ăn năn, hối hận, đau đớn khi sa chân vào pháp luật như hiện nay. Chỉ vì nể nang đồng nghiệp mà có hành vi phạm tội.
Trước bục khai báo, Hưng nói rằng, giữa mình với ông Nguyễn Minh Khoa (cựu Phó trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ - Công an tỉnh Sơn La) là cấp trên và cấp dưới, không có mâu thuẫn gì. Việc nhờ xem điểm cho thí sinh là do Khoa cung cấp thông tin cho Hưng.