Xe tăng M1 Abrams liên tiếp dính đòn "sấp mặt": Thời oanh liệt nay còn đâu?

Trung tá Trịnh Ngọc Tiến - Trường Đại học Chính trị / Bộ Quốc phòng |

Trong chiến dịch "Tự do bền vững" của Mỹ tại Iraq (năm 2003), nhiều xe tăng M1 Abrams khi chiến đấu trong địa hình đô thị đã bị tiêu diệt.

LTS: Hiện nay, tất cả các cường quốc quân sự đều trang bị cho quân đội của mình một số loại xe tăng chiến đấu chủ lực. Vậy cơ sở nào sẽ được xem là tiêu chí để đánh giá đó là dòng tăng chủ lực tốt nhất trên những cơ sở những phân tích, lập luận khoa học, khiến ai cũng phải "tâm phục, khẩu phục"?

Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc loạt bài mang chủ đề "Xe tăng thế luận anh hùng" của Trung tá Trịnh Ngọc Tiến - Trường Đại học Chính trị (Bộ Quốc phòng) để cùng tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này.

Kỳ 1: Xe tăng T-14 Armata: Hàng "quốc bảo" từ những kinh nghiệm xương máu

---

Kỳ cuối: Xe tăng M1 Abrams liên tiếp dính đòn "sấp mặt": Thời oanh liệt nay còn đâu?

Xe tăng chiến đấu chủ lực M1 Abrams là trang bị vũ khí quan trọng nhất và cũng nổi tiếng nhất của Lục quân Mỹ, tổng số trang bị vào thời điểm cao nhất đạt trên 7.000 chiếc.

Quá khứ hào hùng

Trở lại thời điểm những năm 1990 trong Chiến tranh vùng Vịnh lần 1, khi Mỹ và liên quân mở chiến dịch "Bão táp sa mạc". Lần đầu tiên xe tăng M1 Abrams thực chiến đã thực sự gây sốc cho các nhà quân sự bởi khả năng của nó. Pháo 120mm của Abrams đã liên tiếp loại khỏi vòng chiến đấu những chiếc xe tăng T-72 của Iraq.

Trong khi tên lửa chống tăng của Liên Xô (cũ) và đạn pháo 125mm không thể xuyên qua bộ giáp Chobham của M1 Abrams. Trên thực tế, chỉ có một chiếc M1 Abrams bị tiêu diệt do trúng đạn chính từ một chiếc xe M1 Abrams khác.

Kể từ đó, M1 Abrams đã tham gia nhiều cuộc chiến hơn, và nó đã phải từ bỏ uy tín bất khả chiến bại của nó. Trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh lần 2 (năm 2003), lúc này quân đội Mỹ phải đối phó với một cuộc chiến trong môi trường đô thị và phi đối xứng.

Những chiếc M1 Abrams lúc này mới bộc lộ những điểm yếu chí tử, khi liên tiếp bị các phương tiện nổ tự chế (IED) hoặc các loại súng chống tăng cầm tay RPGs tiêu diệt.

Phần dễ bị tổn thương của M1 Abrams đó chính là vùng phía sau. Một số khác bị các tên lửa chống tăng của Nga sản xuất như AT-14 Kornet tiêu diệt; và gần đây, trong các cuộc xung đột đang diễn ra tại Yemen và Irac, hàng trăm chiếc M1 Abrams của Arab Saudi và Iraq đã bị loại khỏi cuộc chiến bởi tên lửa như vậy.

Xe tăng M1 Abrams liên tiếp dính đòn sấp mặt: Thời oanh liệt nay còn đâu? - Ảnh 1.

Một chiếc xe tăng M1 Abrams bị tiêu diệt.

Quá trình tham chiến của các MBT M1A2 Abrams của quân đội Arab Saudi vào Yemen mới thật sự là đáng thất vọng. Những xe tăng do Mỹ thiết kế thường xảy ra các sự cố về hệ thống bánh xích khi đi vào những khu vực cát dày. Cơ cấu truyền động thường quá nhiệt sau khi vượt qua các địa hình phức tạp dưới thời tiết nắng nóng.

Điểm yếu nhất của MBT M1 Abrams đó là động cơ tăng áp ATG-1500 rất hay trục trặc và xảy ra hỏng hóc nặng.

Lượng nhiên liệu tiêu thụ vẫn là vấn đề gây ra nhiều lo lắng nhất, thậm chí đối với quốc gia dẫn đầu thế giới về sản lượng dầu mỏ như Arab Saudi, vì chúng đòi hỏi năng lực chi viện, bảo đảm hậu cần - kỹ thuật rất lớn. Hệ thống lọc gió của M1 Abrams cũng là vấn đề khi hoạt động trong môi trường cát bụi.

Hiện nay, M1 Abrams không thể đạt được hoạt động tác chiến hiệu quả với quân đội khác ngoài Lục quân Mỹ. Lục quân Mỹ là lực lượng duy nhất có khả năng cung cấp năng lực sửa chữa cơ động trên mọi địa hình, khả năng chi viện từ các lực lượng hộ tống.

Uy lực chính của M1 Abrams đó là các thiết bị quan sát nhiệt và sử dụng đạn xuyên guốc dưới cỡ (APFSDS). Nhưng chúng rất ít khi được sử dụng hoặc không đạt được hiệu quả như mong muốn trong cuộc xung đột tại Iraq, Yemen hoặc trong các cuộc xung đột phi đối xứng.

Mặc dù tham gia thực chiến nhiều, những chiếc M1 Abrams chưa bao giờ đối mặt với những dòng MBT chủ lực có cùng mức độ bảo vệ và hỏa lực để có cơ hội so sánh như Leopard 2 của Đức, Challenger 2 của Anh, Leclerc của Pháp và Merkava 4 của Israel.

Xe tăng M1 Abrams liên tiếp dính đòn sấp mặt: Thời oanh liệt nay còn đâu? - Ảnh 2.

Một chiếc xe tăng M1 Abrams bị tiêu diệt.

Lẽ tất nhiên mỗi kiểu tăng đều có những ưu, nhược điểm riêng. Mà ngược lại, trong nhiều thập kỷ tới, đối thủ tiềm ẩn nguy hiểm và có nhiều cơ hội nhất có cơ hội đối kháng với những chiếc M1 Abrams chính là những chiếc T-90s của Nga.

Thiết kế mới T-14 Armata của Nga có trọng lượng còn kém xa M1 Abrams. Trong khi Abrams vẫn giữ những thiết kế truyền thống với vỏ giáp nặng nề, còn ngược lại Armata sẽ bù đắp cho lớp giáp mỏng của mình bằng sự bảo vệ kết hợp giữa lớp giáp chính của xe, cộng với giáp phản ứng nổ và một hệ thống bảo vệ chủ động Afganit. Điều này sẽ nâng cấp độ bảo vệ của Armata lên một tầm cấp mới mà không mất đi sự cơ động của xe.

Khẩu pháo 125mm 2A82 mới của T-14 Armata được trang bị đạn xuyên giáp mới, có nghĩa là vỏ giáp của Abrams có thể dễ bị tổn thương trong tầm bắn hiệu quả của Amatar (từ 2000 mét trở xuống).

Mặc dù vẫn còn nhiều tranh cãi, nhưng khách quan đánh giá, cả hai dòng xe tăng này đều có thể tiêu diệt lẫn nhau nếu có cơ hội đối đầu. Tuy nhiên lợi thế sẽ nghiêng về chiếc T-14 Amatar nhiều hơn.

Phiên bản nâng cấp SEP V3 Abrams

Khi mới đưa vào thực chiến, M1 Abrams phần lớn chiến đấu trên khu vực địa hình sa mạc, ít có cơ hội chiến đấu trong địa hình thành phố nên M1 Abrams phát huy được hết tính năng của mình; đồng thời ít bị thiệt hại.

Sau này, khi chiến đấu ở khu vực đô thị, nơi có những thực thể kiến trúc kiên cố, những con đường nhỏ hẹp, khó khăn cho việc cơ động. Nhiều khi xe tăng phải chiến đấu trong những con phố hẹp mà hai bên là những nhà cao tầng, rất tiện lợi trong việc bố trí hỏa lực diệt tăng.

Trong khi đó khi chiến đấu ở những khu vực này, hỏa lực trên tăng không phát huy được, nhất là những mục tiêu ở trên cao.

Trong chiến dịch "Tự do bền vững" của Mỹ tại Iraq (năm 2003), nhiều xe tăng M1 Abrams khi chiến đấu trong địa hình đô thị đã bị tiêu diệt. Trước tình hình này, Mỹ phải khẩn trương nâng cấp M1 Abrams để đối phó với những mối nguy hiểm tiềm năng từ bất kỳ hướng nào.

Nhiều trong số những nâng cấp này đã được chuẩn hóa ở phiên bản Abrams sau này, bao gồm tăng dày phần giáp bụng; súng máy hạng nặng được điều khiển từ trong xe, tránh cho pháo thủ phải phơi mình trước hỏa lực của đối phương. Lắp thêm giáp phản ứng nổ ở hai bên diềm xích và những nơi dễ bị tổn thương của tháp pháo.

Các nhà thiết kế của quân đội Mỹ không muốn dùng giáp phản ứng nổ (ERA) để sử dụng trong những thiết kế của mình. Họ cho rằng khi bị kích nổ, giáp ERA có thể làm thương vong những binh lính gần xe.

Do vậy họ thiên về tăng độ dày lớp giáp xe, dẫn đến tăng trọng lượng xe quá nhiều. Nếu chỉ so sánh về mặt trọng lượng giữa M1 Abrams và T-14 Amatar thì M1 Abrams nặng hơn T-14 Amatar gần 30%.

Phiên bản nâng cấp mới nhất của Abrams là M1A2 SEP V3 với một máy tính nâng cấp, lắp thêm một máy phát điện phụ trợ (APU) cho phép xe hoạt động ngay cả khi máy chính không hoạt động, nhằm tiết kiệm nhiên liệu.

Xe tăng M1 Abrams liên tiếp dính đòn sấp mặt: Thời oanh liệt nay còn đâu? - Ảnh 3.

Phiên bản nâng cấp mới nhất của Abrams là M1A2 SEP V3.

Một số nâng cấp đáng chú ý khác đó là sử dụng phần mềm chuyên dụng mới Advanced Multi-Purpose. Điều này sẽ cho phép pháo chính của Abrams bắn được đạn nổ thông minh. Một bộ cảm biến hồng ngoại mới (FLIR) sẽ giúp nâng cao khả năng phát hiện mục tiêu của Abrams cũng như độ chính xác của pháo chính.

Nâng cấp quan trọng nhất của vỏ giáp là dùng giáp urani nghèo, đây là một giải pháp để chống lại những loại đạn chống tăng có thanh xuyên dưới cỡ. Tuy nhiên những tấm giáp phản ứng nổ cũng có thể được lắp đặt nếu được yêu cầu. Đồng thời có lắp đặt các thiết bị để làm vô hiệu hóa các IED được điều khiển từ xa.

Những nâng cấp về đạn pháo và hệ thống bảo vệ

Để đối phó với giáp của T-14 Armata, M1 Abrams mới đưa vào sử dụng loại đạn M829A4 Sabot Shell. Đạn này sử dụng lõi bằng urani nghèo, được thiết kế đặc biệt để đánh bại bộ giáp phản ứng nổ Relikt, đồng thời cũng làm vô hiệu hóa các hệ thống phòng hộ chủ động được trang bị trên những chiếc xe tăng Nga mới nhất, bao gồm cả T-14 Armata.

Một sự đổi mới khác, đó là lắp các hệ thống phòng hộ chủ động (APS) như của xe tăng Nga nhằm đánh lạc hướng các tên lửa dẫn đường bằng laser và hồng ngoại. Đây là một biện pháp phòng vệ cho xe hiệu quả, mà không làm tăng quá nhiều trọng lượng của xe.

Tương lai

Sau 36 năm ra đời, xe tăng chủ lực M1 đã trải qua nhiều lần nâng cấp cải tiến lớn. Từ xe tăng chủ lực M1 →M1A1 →M1A2→M1A2 SEP, thông qua liên tục cải tiến, nó vẫn có thể xung trận ra tuyến đầu trên chiến trường mặt đất.

Tuy nó không còn giữ được danh hiệu "bất khả chiến bại" trên chiến trường nhưng nó vẫn chưa lỗi thời. Nếu tiếp tục cải tiến nâng cấp, nó sẽ có đủ năng lực phục vụ đến năm 2030, thậm chí đến năm 2050; thời gian phục vụ kéo dài từ 50 đến 70 năm.

Quân đội Mỹ hiện đang có kế hoạch phát triển một phiên bản Abrams nâng cấp hơn vào năm 2020, đó là phiên bản M1A3. Chưa có chi tiết cụ thể về phiên bản nâng cấp này, nhưng việc giảm trọng lượng dường như là một trong những ưu tiên.

Các tính năng được đề cập cụ thể bao gồm trang bị một khẩu pháo nhẹ hơn, thay thế dây dẫn điện thường bằng cáp quang, cải thiện hệ thống treo và thêm các cảm biến.

Niềm tin trọn vẹn của Lục quân Mỹ vào xe tăng chủ lực M1 còn thể hiện ở chỗ: Trước việc T-14 Armata của Nga ra đời, các nước lớn ở châu Âu như Đức, Pháp ngay lập tức đưa ra câu trả lời đó là họ đã bắt đầu nghiên cứu chế tạo Hệ thống chiến đấu mặt đất chủ lực kiểu mới (MGCS), còn đối với Mỹ thì dường như vẫn chưa có động tĩnh gì.

Ở đây ngoài việc họ đang đánh giá tổng thể về tình hình quốc tế ra, thì một nguyên nhân quan khác đó là họ vẫn đặt niềm tin vào xe tăng M1 Abrams.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại