Xe tăng 'đĩa bay' thời Liên Xô chịu được vụ nổ hạt nhân hoạt động trở lại

Thu Hằng |

Với bốn bánh xích và hệ thống nhắm mục tiêu tiên tiến, Object 279 có lẽ là thiết kế xe tăng hạng nặng cuối cùng của Chiến tranh Lạnh. "Siêu phẩm" này vừa vận hành trở lại.

Xe tăng đĩa bay thời Liên Xô chịu được vụ nổ hạt nhân hoạt động trở lại  - Ảnh 1.

Object-279, chiếc xe tăng hạng nặng trang bị 4 bánh xích, thân hình đĩa bay, được thiết kế có thể chịu được một vụ nổ hạt nhân. Ảnh: Military Review

Cuộc chạy đua chế tạo loại xe tăng nặng nhất, lớn nhất để nghiền nát phòng tuyến địch đã sản sinh ra một số thiết kế ấn tượng nhất. Trong số những chiếc tăng hạng nặng của kỷ nguyên này, Object 279 được phát triển bởi Liên Xô có lẽ là chiếc đáng kinh ngạc nhất.

Chiếc tăng được mệnh danh là “quái vật” này nặng 66 tấn, có hình dạng thân xe kỳ lạ, với 4 bộ bánh xích, nhưng chưa bao giờ được đưa vào sản xuất hàng loạt. Tuy vậy, nguyên mẫu của chiếc Object 279 mới đây đã vận hành trở lại tại Nga.

Một đoạn video từ Bảo tàng Xe tăng Kubinka, ở ngoại ô Moskva cho thấy việc đưa Object 279 trở lại trạng thái hoạt động đã thành công. Trong tiếng gầm rú của động cơ diesel và khói, chiếc xe tăng lớn chuyển động, rời vị trí và tiến về phía trước trong một thử nghiệm ngắn ngủi nhưng ồn ào tại khuôn viên bảo tàng. Tháp pháo của chiếc tăng hướng ra sau.

Hiện tại thông tin chi tiết về công tác khôi phục chiếc Object 279 vẫn chưa rõ, nhưng nỗ lực này rõ ràng đã thành công trong việc tái vận hành được động cơ, thân xe và tháp pháo.

Hầu hết các nguồn tin cho thấy đây là chiếc xe tăng Object 279 duy nhất còn sót lại trên thế giới.

Object 279 là thiết kế mở rộng của loạt xe tăng hạng nặng Iosef Stalin rất thành công, do Liên Xô phát triển trong Thế chiến thứ hai. Serie này đạt đỉnh cao là chiếc IS-3 trước khi kết thúc cuộc chiến và công tác hoàn thiện thiết kế tiếp tục diễn ra sau chiến tranh, mang đến sản phẩm là chiếc xe tăng T-10 được đưa vào phục vụ năm 1953.

Với trọng lượng 57 tấn, T-10 được trang bị một khẩu pháo cỡ nòng 122 ly, nhằm thách thức các loại xe tăng như M103 của Mỹ và Conqueror của Anh.

Xe tăng đĩa bay thời Liên Xô chịu được vụ nổ hạt nhân hoạt động trở lại  - Ảnh 2.

Một chiếc xe tăng T-10 tại Công viên Chiến thắng, Nizhny Novgorod, Nga. Ảnh: Wikimedia Commons


Object 279, được bắt đầu phát triển tại Nhà máy Kirov ở Leningrad vào năm 1957, trang bị vũ khí chính là khẩu M-65 cỡ nòng 130 ly và loạt đạn 24 viên. Hệ thống nạp đạn bán tự động có tốc độ bắn từ 5-7 phát mỗi phút.

Khẩu pháo được trang bị hệ thống ổn định, cho phép bắn chính xác khi tăng đang di chuyển, và được liên kết với máy đo xa quang học, hệ thống dẫn đường tự động và tầm ngắm ban đêm với đèn soi hồng ngoại. Các tính năng như vậy là rất tối tân trong thời kỳ này.

Bên cạnh khẩu pháo chính, Object 279 còn trang bị súng máy hạng nặng 14,5 ly đồng trục.

Xe tăng hạng nặng vốn là phương tiện cồng kềnh, phù hợp nhất với địa hình bằng phẳng, đi loanh quanh và hỗ trợ hỏa lực tầm xa cho xe tăng hạng trung. Tuy nhiên, Object 279 được tối ưu hóa để di chuyển nhanh hơn trên địa hình gồ ghề, được hỗ trợ bởi bốn bộ bánh xích, cách đều nhau dưới thân xe và được kết hợp để hoạt động như từng cặp ở mỗi bên.

Bánh xích tạo áp lực lên mặt đất là khoảng 8,5 pound/inch vuông (PSI). Trong khi đó, chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực của Mỹ, M48 Patton có áp suất mặt đất khoảng 12 PSI.

Kết quả, áp suất mặt đất thấp rõ ràng đã cho phép phương tiện của Liên Xô di chuyển không khó khăn qua các khu vực đầm lầy, nền đất yếu, thậm chí băng qua các gốc cây. Nó cũng được cho là có thể vượt qua một loạt chướng ngại vật chống tăng, trong đó có nhím chống tăng.

Được trang bị động cơ diesel 16 xi-lanh, 1.000 mã lực, Object 279 có thể đạt tốc độ tối đa 54km / giờ và phạm vi hoạt động chỉ với một lần tiếp nhiên liệu là 300km. Trong khi đó, chiếc T-10 chỉ có tốc độ 41km/ giờ và phạm vi hoạt động 240km.

Xe tăng đĩa bay thời Liên Xô chịu được vụ nổ hạt nhân hoạt động trở lại  - Ảnh 3.

Hệ thống chuyển động 4 bánh xích của chiếc xe tăng Object 279. Ảnh: Wikimedia Commons

 

Object 279 được bảo vệ tốt, với độ dày lớp giáp tối đa khoảng 32cm, so với tối đa 27cm trên T-10. Về tổng thể, thiết kế vỏ giáp của Object 270 mang tính cách mạng hơn, bao gồm sự sắp xếp của các cấu trúc đúc nguyên khối, nhiều cấu trúc dốc giúp làm chệch hướng đạn xuyên giáp và đạn định hình.

Bên ngoài các cấu trúc bọc thép này là một lá chắn hình elip bổ sung bao quanh thân xe, nhằm mục đích kích hoạt các loại đạn chống tăng sức công phá lớn (HEAT), vốn không dựa chủ yếu vào lực động học để xuyên thủng. Tháp pháo cũng được đúc nguyên khối và có tấm chắn chống nhiệt bảo vệ.

Hình dạng thân xe độc đáo cũng được cho là sẽ khiến xe tăng ít có khả năng bị lật trong một vụ nổ hạt nhân hơn. Do được thiết kế để có thể chiến đấu trên chiến trường hạt nhân, các pháo thủ cũng được cung cấp các hệ thống bảo vệ hạt nhân, sinh học và hóa học (NBC).

Kíp lái của xe tăng gồm bốn người, với chỉ huy, pháo thủ, người nạp đạn ở tháp pháo và người lái ở phía trước thân xe.

Đến năm 1959, một mẫu thử nghiệm Object 279 đã có sẵn, nhưng dấu ấn về xe tăng hạng nặng nói chung đã mờ nhạt. Từ đầu những năm 1960 trở đi, Liên Xô bắt đầu hạ cấp các xe tăng hạng nặng của mình xuống lực lượng dự bị hoặc ngừng hoạt động hoàn toàn. Thay vào đó họ ngày càng ưu tiên các xe tăng hạng trung nhanh nhẹn, linh hoạt hơn như T-54/55 và T-62, và cuối cùng là xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) bắt đầu với chiếc T-64, vẫn còn trong biên chế đến tận ngày nay.

Mang đến sự cân bằng về hỏa lực, khả năng bảo vệ và khả năng cơ động, MBT mở đầu cho một cuộc cải cách của các đơn vị liên hợp, di chuyển nhanh, với xe tăng hộ tống bộ binh trong các xe thiết giáp trang bị rocket và tên lửa.

Xe tăng đĩa bay thời Liên Xô chịu được vụ nổ hạt nhân hoạt động trở lại  - Ảnh 4.

Ảnh chụp Object 279 trước khi khôi phục cho thấy thân tăng có hình đĩa bay khác thường. Ảnh: Wikimedia Commons

 

Trong khi đó, những chiếc xe tăng hạng nặng chỉ còn gợi lên ký ức về thời kỳ chiến tranh bọc thép trước đó.

Bên cạnh đó, sự phát triển của các tên lửa cũng góp phần đẩy nhanh sự sụp đổ của Object 279. Từng là người ủng hộ vũ khí dẫn đường, vào cuối những năm 1950, lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev là người đề xuất phát triển xe tăng trang bị tên lửa, được cho là có thể sánh ngang với hỏa lực của xe trang bị súng, nhưng sẽ chính xác hơn, nhẹ hơn và linh hoạt hơn.

Xe tăng đĩa bay thời Liên Xô chịu được vụ nổ hạt nhân hoạt động trở lại  - Ảnh 5.

Một loại xe tăng bắn tên lửa IT-1 mà nhà lãnh đạo Liên Xô Khrushchev từng giới thiệu. Ảnh: Wikimedia Commons

 

Tuy nhiên, giấc mơ về xe tăng tên lửa không bao giờ thành hiện thực, do bị cản trở bởi các tên lửa dẫn đường chống tăng thô sơ đã xuất hiện vào thời điểm đó.

Nhà lãnh đạo Khrushchev đã ký lệnh khai tử loại xe tăng hạng nặng này khi ông yêu cầu rằng bất kỳ loại xe tăng mới nào được bổ sung vào kho vũ khí Liên Xô đều không được vượt quá trọng lượng 41 tấn.

Những thiết kế như vậy không chỉ có chi phí sản xuất rẻ hơn mà còn đảm bảo rằng chúng có thể phù hợp hơn khi vượt những con đường và cây cầu nhỏ trong một cuộc tấn công bọc thép xuyên Trung Âu.

Cả thảy chỉ có ba chiếc Object 279 được chế tạo và gặp phải một số trục trặc trong quá trình phát triển. Nguyên mẫu xe tăng này có khả năng vận hành kém hơn mong đợi, độ phức tạp cao khiến việc sửa chữa tại hiện trường khó khăn.

Tuy nhiên, đến tận ngày nay, Object 279 vẫn là một thiết kế ấn tượng và là một đỉnh cao sáng tạo của ngành công nghiệp chế tạo xe tăng thời Liên Xô.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại