Xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) Challenger-II hiện là dòng xe tăng nổi tiếng về trọng lượng khủng trong thế giới MBT hiện đại. Với tổng trọng lượng chiến đấu đầy đủ lên tới gần 80 tấn, Challenger-II không có đối thủ xứng tầm trong phân khúc MBT nhưng bù lại nó lại có khả năng sống sót tuyệt vời nhờ hệ thống giáp Chobham thế hệ 2 - Dorchester.
Tính tới thời điểm hiện tại, mới chỉ ghi nhận có 3 trường hợp MBT Challenger-II bị thiệt hại, trong đó có một trường hợp bị bắn nhầm. Trong cuộc chiến tại Iraq năm 2006, Challenger-II đã bị bắn bởi súng phản lực chống tăng RPG-29, trúng bộc phá tự tạo (IED) nhưng vẫn sống sót và kíp lái chỉ bị thương nhẹ.
Ra đời từ tư duy đặc biệt của người Anh
BAE Systems Land and Armaments phát triển xe tăng Challenger-II theo đơn đặt hàng của Quân đội Anh từ năm 1989. Tới năm 1998, dòng MBT siêu nặng này chính thức được biên chế cho Quân đội Anh.
Challenger-II có thể coi là sự kết hợp giữa tư duy thiết kế xe tăng truyền thống của Anh và trang bị hỏa lực, điện tử hiện đại đương thời. Điều này có thể thấy rõ qua sự kết hợp giữa lớp vỏ giáp dày, pháo nòng xoắn với trang thiết bị điện tử trên khoang hiện đại của Challenger-II.
Điểm nhấn chính của MBT Challenger-II chính là lớp giáp thụ động Chobham thế hệ 2 hay Dorchester. Về bản chất giáp Dorchester hay Chobham là vật liệu composite, bao gồm các lớp thép, gốm chịu nhiệt và hợp kim ghép lại với nhau.
Giáp Chobham có khả năng vô hiệu hóa các loại đạn lõm, tên lửa chống tăng bằng kết cấu "tổ ong" làm luồng xuyên bị phát tán, mất năng lượng và tự triệt tiêu.
Đối với các loại đạn xuyên dưới cỡ, lợi dụng tính vô định hình của gốm và sự phân kỳ giữa các lớp vật liệu trong kết cấu giáp Chobham khiến thanh xuyên bị đổi hướng, thậm chí là gãy và mất khả năng xuyên phá động năng.
Thông tin về khả năng bảo vệ của giáp Dorchester không được phía Anh công bố, nhưng thực tế chiến trường đã chứng minh loại giáp composite này có tính năng ưu việt hơn giáp thép truyền thống, kể cả khi được gia cường thêm bằng lớp giáp phản ứng nổ ERA.
Challenger-II vẫn được kế thừa theo tư duy thiết kế xe tăng của Anh từ Thế chiến 2 đó là hy sinh khả năng cơ động để đổi lấy khả năng bảo vệ.
Về nhiều mặt, xe tăng Anh có nhiều nét giống với phương tiện chống tăng tự hành hơn là xe tăng thực thụ. Điều này có thể thấy rõ trên Challenger-II với phần tháp pháo được bọc giáp cực kỳ kiên cố, góc nâng và hạ tháp pháo lớn…
Người Anh cho rằng, trong chiến đấu, chỉ có phần tháp pháo của Challenger-II được bộc lộ, còn toàn bộ phần thân xe được giấu mình nhờ địa hình, địa vật.
Pháo chính của MBT Challenger-II cũng giống như tinh thần "bảo thủ" của Anh. Trong khi hầu hết các dòng MBT hiện đại đều sử dụng kiểu nòng trơn phù hợp với đạn xuyên dưới cỡ có cánh và khả năng bắn tên lửa qua nòng pháo thì Challenger-II vẫn trung thành với pháo nòng xoắn được gia cường 120mm L30A1 với 52 cơ số đạn.
Xe tăng Challenger-II với pháo chính nòng xoắn đặc trưng
Ngoài các loại đạn tiêu chuẩn thông thường, pháo L30A1 còn được trang bị đạn chống tăng đặc biệt HESH có tầm bắn đạt tới 8km. Loại đạn này sử dụng khả năng công phá bằng sức ép để xé nát mặt trong kết cấu giáp và gây sát thương chính bằng các mảnh văng đó trong xe đối phương.
Theo nhiều nguồn tin, từ năm 2004, Anh đã phát triển pháo 120 mm nòng trơn dựa trên cơ sở pháo L55 trên MBT Leopard 2A6 để thay thế pháo L30 trên Challenger-II. Tuy nhiên, có thể việc trang bị pháo chính mới được tiến hành trong các gói nâng cấp tổng thể dành cho Challenger-II trong tương lai.
Ngay trong quá trình phát triển, các nhà thiết kế Anh đã cân nhắc trang bị hệ thống nạp đạn tự động trên xe tăng Challenger-II để giảm thành viên kíp lái, cũng như đơn giản hóa kết cấu bảo vệ của xe. Tuy nhiên, do sự nguy hiểm khi xe tăng trúng đạn và hỏng hóc trong chiến đấu, ý định này đã bị loại bỏ và xe tăng Anh tiếp tục duy trì kíp lái 4 người.
Đảm bảo khả năng dẫn bắn và quan sát của Challenger-II là hệ thống máy tính đạn đạo chuẩn kỹ thuật số MIL STD1553B 32 bit và thiết bị quản lý chiến trường. Trưởng xe sử dụng hệ thống quan sát được tự ổn định quán tính SAGEM VS 580-10 cho phép bao quát 360 độ xung quanh xe với góc nhìn +/- 35 độ.
Trong khi đó, xạ thủ được trang bị kính ngắm TOGS II tích hợp khả năng hỗ trợ nhìn đêm cho phép quan sát từ khoảng cách 200 m tới 10 km. Cơ cấu ổn định 3 trục cho phép xe tăng Anh có thể khai hỏa trong trạng thái hành tiến.
Người khổng lồ chậm chạp
Cũng giống như nhiều quốc gia phương Tây khác, sau khi chiến tranh Lạnh kết thúc, nhiều chương trình vũ khí mới bị đóng băng do không còn mối đe dọa từ Liên Xô, hầu hết các loại vũ khí hiện có, trong đó có cả xe tăng đều là thiết kế cũ của thập niên 1980 và chúng đã tỏ ra lạc hậu với chiến tranh bất đối xứng hiện đại.
Những khối giáp bổ sung tăng cường khả năng sống sót cho Challenger-II đã khiến trọng lượng toàn xe tăng vọt
Phương Tây đã cố gắng tăng cường khả năng chiến đấu của các loại xe tăng hiện có, trong đó có MBT Challenger-II bằng việc lắp thêm các khối giáp bổ sung và hệ thống cảm biến hiện đại.
Tuy nhiên, việc tăng cường quá nhiều trang bị mới vốn không có trong thiết kế ban đầu của xe tăng đã khiến trọng lượng của chúng tăng lên đáng kể. Trên Challenger-II, chính việc tăng cường thêm các khối giáp composite bổ sung đã khiến trọng lượng xe tăng lên tới gần 80 tấn.
Cùng với đó, động cơ diesel Perkins 12 xi lanh cung cấp 1.200 mã lực chỉ đủ giúp Challenger-II khả năng cơ động với tốc độ hơn 40 km/giờ trên đường, 30 km/giờ ở điều kiện dã chiến và dự trữ hành trình đạt 450 km.
Giới chuyên gia đánh giá, thiệt hại không đáng kể của Challenger-II trong chiến đấu là do đối thủ chỉ là phiến quân được trang bị nghèo nàn. Nếu gặp đối thủ được trang bị hiện đại, xe tăng Challenger-II đã trở nên quá lạc hậu và chậm chạp.
Tăng chiến đấu chủ lực Challenger 2 trình diễn tại Lễ hội Tankfest năm 2013