Xe bọc thép cứu kéo T-16 Armata lộ thiết kế khủng

Hoàng Sơn |

Những hình ảnh của T-16 trên nền tảng Armata vừa xuất hiện cho thấy sức mạnh vượt trội của vũ khí này so với phiên bản T-14 và T-15.

Mới đây, trên tờ lịch năm mới của Cục thiết kế chế tạo máy Ural - nhà phát triển dự án Armata thuộc Công ty cổ phần Uralvagonzavod bất ngờ xuất hiện hình ảnh xe bọc thép sửa chữa – cứu kéo (BREM) T-16 trên nền tảng Armata.

So với xe tăng hạng nặng T-14 và xe chiến đấu bộ binh T-15 vốn thường xuyên xuất hiện trong các cuộc duyệt binh hay được quảng bá tích cực trên truyền thông, những thông tin cũng như hình ảnh của xe bọc thép cứu kéo T-16 khá ít ỏi.

Lần xuất hiện gần đây nhất của T-16 là vào năm 2015 trong chương trình "Truyền hình quân đội" được phát sóng trên kênh "Zvezda" (Ngôi sao) sau lễ kỷ niệm chiến thắng Phát-xít 9/5.

Xe bọc thép cứu kéo T-16 Armata lộ thiết kế khủng - Ảnh 1.

Xe bọc thép sửa chữa – cứu kéo (BREM) T-16 trên nền tảng Armata xuất hiện trên tờ lịch năm mới

Theo những hình ảnh xuất hiện trên tờ lịch năm mới của công ty Uralvagonzavod, các chuyên gia quân sự phỏng đoán thiết kế này dành cho 2 người: chỉ huy và thợ máy, lái xe.

Trong trường hợp cần thiết hoặc nguy cấp, người chỉ huy có thể khai hỏa modul súng máy điều khiển từ xa Kord cỡ 12,7 mm từ trong khoang lái, tương tự như các loại BTR Kurganets và Boomerang.

Một số nguồn tin còn đồn đoán, trong xe còn được bố trí thêm chỗ cho kíp lái xe tăng trong trường hợp cứu hộ và T-16 có thể chứa nhiều hơn 3 người.

Ngoài ra, khối lượng xe cũng như công suất động cơ và khả năng việt dã của T-16 được dự đoán về cơ bản cũng giống như 2 phiên bản trước đó là như T-14 và T-15.

Đặc biệt, xe được lắp đặt hệ thống bảo vệ động năng với giáp phản ứng nổ thế hệ mới, hệ thống phòng vệ điện từ, tổ hợp chế áp vô tuyến. Quanh xe được bố trí lưới sắt chống đạn nổ lõm.

Một điểm ưu việt khác, đó là T-16 Armata được trang bị bộ ghép tự động cho phép kíp lái không cần phải rời khỏi xe dưới làn hỏa lực quân địch.

Cũng như T-14 và T-15, xe bọc thép sửa chữa – cứu kéo T-16 Armata cũng được trang bị anten định vị vệ tinh để xử lý tại chỗ các tình huống có thể xảy ra. Đặc biệt, khung gầm Armata, do nhà máy Uralvagonzavod phát triển, là khung gầm thiết giáp đa năng có thể sử dụng giải quyết nhiều nhiệm vụ khác nhau.

Tăng Armata được trang bị đạn pháo nổ theo ý muốn

Trước đó, hồi tháng 9/2016, Nga cũng khiến giới quân sự phương Tây phát hoảng khi tuyên bố tăng Armata được trang bị đạn pháo nổ theo ý muốn.

Theo lời Tổng giám đốc của Uranvagonzvod, ông Oleg Siyenko, kết quả thử nghiệm Armata T-14 cho thấy, nó có những chỉ số vượt quá cả yêu cầu từ Bộ Quốc phòng Nga, ngoài ra, Nga còn đang phát triển loại đạn mới cho tháp pháo nòng trơn 125mm của chiến tăng này.

"Chúng tôi đã sản xuất đạn pháo 125mm kích nổ theo chỉ thị từ người điều khiển. Chúng tôi chưa bao giờ làm việc này trước đây. Hiện tại công ty đang hoàn thành các công đoạn phát triển, sản xuất và thử nghiệm để đưa nó vào sử dụng. Nga còn có ý định xuất khẩu loại đạn này", ông Sienko cho hay.

Không chỉ được trang bị loại đạn công nghệ cao, theo RIA Novosti, siêu xe tăng Armata đã sẵn sàng được Công ty Công nghệ Radio – Điên tử (KRET) trang bị hệ thống kiểm soát hoả lực của trực thăng chiến đấu.

Ông Vladimir Mikheyev, nhân viên cấp cao của KRET cho biết: "Chúng tôi đưa ra một loạt thiết bị điện tử mới từ hệ thống kiểm soát hoả lực đến các máy định vị, được phát triển dựa theo phiên bản dành cho máy bay trực thăng.

Ở KRET, chúng tôi phát triển các hệ thống kiểm soát hoả lực và nếu các kĩ sư giúp trực thăng điều khiển được súng cối và tên lửa, họ cũng có thể làm điều tương tự trên xe tăng Armata".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại