Làm chủ công nghệ bảo đảm kỹ thuật xe ô tô quân sự

HƯƠNG HỒNG THU |

Viện Kỹ thuật cơ giới quân sự (KTCGQS) là một trong những đơn vị dẫn đầu về công tác khoa học-công nghệ (KHCN) và xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện của Tổng cục Kỹ thuật. Năm 2016, viện được tặng Cờ thi đua của Bộ Quốc phòng và giành nhiều giải thưởng "Tuổi trẻ sáng tạo trong quân đội".

Kết quả nổi bật trong công tác KHCN của Viện KTCGQS năm qua là chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị triển khai nghiên cứu tích hợp, tự động hóa điều khiển giàn phóng pháo phản lực BM-21.

Viện phối hợp với Xí nghiệp Liên hợp Z751 (Tổng cục Kỹ thuật) hoàn thiện công nghệ tích hợp pháo 105mm, súng máy phòng không 12,7mm lên xe CGQS; hoàn thiện thiết kế mô phỏng 2 nhãn xe vận tải quân sự và chỉ huy theo Đề án Phát triển phương tiện vận tải quân sự đến năm 2025 và những năm tiếp theo.

Đại tá Võ Trọng Tuấn, Viện trưởng Viện KTCGQS thông tin: Trong những năm qua, viện đã triển khai nhiều chương trình, dự án, nhiệm vụ KHCN cấp Bộ Quốc phòng, Tổng cục Kỹ thuật và các quân, binh chủng.

Các đề tài chuyển tiếp và mở mới năm 2016 đều được viện triển khai đúng tiến độ; số đề tài được đánh giá nghiệm thu có chất lượng tốt, sản phẩm ứng dụng thực tế.

Viện phối hợp với các cơ quan, đơn vị triển khai hơn 60 nhiệm vụ KHCN phục vụ bảo đảm kỹ thuật xe quân sự, đáp ứng yêu cầu huấn luyện, SSCĐ, diễn tập, cơ động hỏa lực trong tác chiến công nghệ cao.

Cụ thể, viện triển khai thiết kế các loại xe phát sóng hai cầu chủ động, xe chở ra-đa, hệ thống cảnh giới bảo vệ vùng trời quốc gia, thiết bị bay không người lái (UAV), xe chuyên dùng...

Một số loại xe được cải hoán, nâng cấp tính năng kỹ thuật, chiến thuật, bảo đảm tác chiến và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, như: Xe chỉ huy thông tin của Binh chủng Tăng-Thiết giáp; xe trinh sát thông tin cơ động cho Tổng cục 2; xe chuyên dùng cho Tổng cục Chính trị; đi-ê-den hóa xe thiết giáp BTR-152 cho Cục Kỹ thuật binh chủng (Tổng cục Kỹ thuật)...

Phục vụ công tác bảo đảm kỹ thuật cho vũ khí trang bị kỹ thuật và xe máy quân sự, viện tổ chức nghiên cứu sửa chữa đồng bộ xe cơ sở của hệ thống pháo phản lực BM-21, BM-14; các loại xe công trình cho Cục Tác chiến điện tử (Bộ Tổng tham mưu), Quân chủng Phòng không-Không quân và Cục Quân khí (Tổng cục Kỹ thuật).

Một số lượng lớn xe công trình sửa chữa tổng hợp cấp chiến thuật đã được viện thiết kế, chế tạo, bố trí trang bị trên thùng xe và hoàn thành đồng bộ, trang bị cho các quân khu, bảo đảm chủ động trong công tác bảo đảm kỹ thuật.

Đại tá Võ Trọng Tuấn cho biết, năm 2017, viện tập trung trên 6 định hướng: Nghiên cứu, làm chủ công nghệ xe ô tô thế hệ mới, xe hiện đại; thiết kế, chế tạo xe công trình phục vụ bảo đảm kỹ thuật cơ động cho các đơn vị toàn quân; hoàn thiện công nghệ tích hợp vũ khí lên các phương tiện CGQS; nghiên cứu khai thác hiệu quả các phương tiện CGQS, nhất là các phương tiện cơ giới đặc chủng của các quân chủng, binh chủng; đầu tư nâng cao tiềm lực KHCN và thiết kế, chế tạo các loại vật tư đặc chủng, chuyên ngành.

Để hoàn thành nhiệm vụ, viện tăng cường công tác đào tạo, tự đào tạo, nâng cao trình độ nghiên cứu thiết kế, chế tạo của cán bộ, nhân viên; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin như sử dụng phần mềm thiết kế, chế tạo CAD/CAM, thiết kế trên mô phỏng 3D và đầu tư, khai thác hiệu quả trang bị phòng thí nghiệm động lực-ma sát phục vụ nghiên cứu KHCN ngành xe máy quân sự.

Trên cơ sở triển khai thực hiện giai đoạn 1, trong thời gian tới, Viện KTCGQS hoàn thiện, nghiệm thu nhiệm vụ nghiên cứu công nghệ tích hợp điều khiển giàn phóng pháo phản lực BM-21 để triển khai giai đoạn 2.

Phát huy hiệu quả các xe công trình sửa chữa tổng hợp đã chuyển giao cho các đơn vị, viện hoàn thiện công nghệ chế tạo, đồng bộ xe công trình sửa chữa tổng hợp phục vụ bảo đảm kỹ thuật cơ động cho các quân, binh chủng và các chuyên ngành kỹ thuật toàn quân; làm chủ công nghệ bảo đảm kỹ thuật, bảo dưỡng, sửa chữa xe ô tô thế hệ mới và chuyển giao công nghệ cho các nhà máy, xưởng theo yêu cầu của Tổng cục Kỹ thuật.

Đặc biệt, viện huy động các nhà khoa học và đầu tư nghiên cứu thiết kế, tích hợp một số loại vũ khí, khí tài lên xe quân sự bánh lốp, như: Tích hợp cối 100mm lên xe UAZ, pháo 122mm lên xe KRAZ; nghiên cứu tự động điều khiển tầm, hướng tổ hợp pháo 23mm tích hợp lên xe KAMAZ; tích hợp pháo 105mm lên các hệ xe URAL... nhằm đáp ứng yêu cầu tác chiến của quân đội trong tình hình mới.

Hướng nghiên cứu phối hợp với các quân, binh chủng được viện ưu tiên triển khai nhằm cải tiến, hiện đại hóa, nâng cấp tính năng kỹ thuật, chiến thuật trang bị, phương tiện CGQS, đáp ứng yêu cầu cơ động tác chiến, vận tải, chuyên chở khí tài đặc chủng.

Các đề tài, dự án, nhiệm vụ KHCN phối hợp vừa phát huy được sức mạnh tổng hợp của đội ngũ nhà khoa học, kỹ thuật, vừa trực tiếp áp dụng hiệu quả vào thực tế, nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ, khả năng SSCĐ của đơn vị.

Theo hướng này, viện triển khai hàng trăm đề tài, nhiệm vụ KHCN và thiết kế, sản xuất vật tư kỹ thuật phục vụ bảo đảm kỹ thuật xe máy quân sự.

Điển hình như các đề tài: Chế tạo xích xe tăng PT-76 có lắp guốc cao su; nghiên cứu thiết kế, lắp đặt các hệ thống dẫn động tháp súng bằng điện và quan sát, ngắm bắn đêm trên xe thiết giáp chở quân BTR-60PB; thiết kế hệ thống nạp đạn bán tự động cho xe tăng T55; nghiên cứu khả năng phục hồi một số thiết bị trên tổ hợp tên lửa phòng không...

Bằng sự nỗ lực phấn đấu, phát huy trí tuệ của cán bộ khoa học, nhân viên kỹ thuật, Viện KTCGQS đã từng bước làm chủ công nghệ xe ô tô thế hệ mới, chuyển giao công nghệ bảo đảm kỹ thuật xe máy quân sự cho đơn vị, góp phần nâng cao khả năng cơ động và sức mạnh SSCĐ của quân đội.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại