Trong một lần gặp mặt các CCB Bộ đội Tên lửa A72, Trung tướng - Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Phiệt, nguyên Phó Tư lệnh về chính trị Quân chủng Phòng không - Không quân, hiện là Trưởng Ban liên lạc Bạn chiến đấu Bộ đội Tên lửa phòng không đã đánh giá:
"Bộ đội Tên lửa A72 là một bộ phận độc đáo của Bộ đội Tên lửa Việt Nam, chỉ hoạt động trong một thời gian ngắn nhưng hiệu quả chiến đấu rất cao, lập nên những kỷ lục mang tầm cỡ thế giới mà hiếm có quân đội nào sử dụng loại tên lửa này đạt được hiệu suất cao như vậy.
So với nhiều đơn vị khác phải đầu tư phục vụ chiến đấu hàng nghìn người, thương vong tổn thất rất lớn mới hạ được máy bay địch thì một đơn vị A72 với vài trăm quân, một chiến sĩ cũng có thể tiêu diệt được máy bay địch, cao nhất là 16 chiếc, thì có thể nói là hiệu suất chiến đấu cực kỳ cao.
Những kinh nghiệm, cách đánh, bài học về Bộ đội Tên lửa A72 cần sớm được nghiên cứu, tổng kết, ghi thành sử sách và tôn vinh xứng đáng những chiến sĩ A72".
Một trong những xạ thủ kỳ tài của Bộ đội tên lửa A72 Việt Nam là Nguyễn Văn Thoa, người bắn rơi 13 chiếc máy bay địch, nhiều thứ hai chỉ sau xạ thủ Hoàng Văn Quyết bắn rơi 16 chiếc.
Một xạ thủ giỏi từ lúc ở thao trường đến khi ra chiến trường
Sinh ra và lớn lên trên quê hương có truyền thống cách mạng - thôn Cao Bình, xã Cao Đại, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc - lại thường xuyên được chứng kiến cảnh bom đạn Mỹ cày xới, bắn phá nên ngay từ khi còn nhỏ, cậu bé Nguyễn Văn Thoa đã ước mơ sau này trưởng thành sẽ được đi bộ đội để bắn rơi những chiếc máy bay Mỹ suốt ngày gây tội ác.
Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Thoa
Ao ước ấy được nung nấu mãi, cho đến tháng 8/1971, khi vừa tốt nghiệp Trường cấp 3 Lê Xoay, Nguyễn Văn Thoa đã viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Cho dù khi ấy Thoa chưa đủ cân nặng theo quy định, nhưng với khí thế hừng hực của tuổi trẻ nên không một cơ quan, đơn vị nào nỡ từ chối.
Ngày đầu nhập ngũ, Thoa được điều động về Đại đội 3, Tiểu đoàn 172 tên lửa A72 thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân để tham gia một khóa huấn luyện đặc biệt chuyên sử dụng tên lửa phòng không vác vai A72.
Trong quá trình huấn luyện, Thoa tích cực học hỏi, nghiên cứu thêm những tính năng, cấu tạo từng bộ phận của tên lửa A72. Nhờ nắm chắc nguyên lý, cơ chế hoạt động của tên lửa, cùng với sở thích, nên Thoa nhanh chóng am hiểu kỹ thuật, hình thái chiến thuật khi chiến đấu. Vì vậy, quá trình luyện tập anh rất say mê, chẳng bao giờ để lãng phí thời gian.
Trong thời gian huấn luyện, Nguyễn Văn Thoa luôn được đồng đội và thủ trưởng đơn vị đánh giá là người rất giỏi về ước lượng cự ly, ngắm bắn đón, chọn vị trí, lấy tham số nhanh và phóng đạn kịp thời.
Sau 4 tháng huấn luyện, đầu năm 1972, Tiểu đoàn 172 được lệnh hành quân bộ vượt Trường Sơn vào bổ sung cho chiến trường B2 - Miền Đông Nam Bộ lúc bấy giờ đang chiến đấu rất ác liệt.
Rồi từ đó, Nguyễn Văn Thoa đã cùng các đồng đội trong đơn vị tham gia đánh địch ở chiến trường này cho đến ngày 30/4/1975, giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong một lần gặp mặt các cựu chiến binh A72, chúng tôi đã được nghe ông kể lại những ký ức đánh địch ở chiến trường năm xưa.
Đó là trận chiến đấu ngày đầu ra quân 5/4/1972. Khi một tốp máy bay địch kéo tới bắn phá, gây tội ác, nhận lệnh chiến đấu, ông cùng đồng đội nhanh chóng tổ chức trận địa đánh địch. Là xạ thủ lần đầu chiến đấu, ông rất hồi hộp vì theo lý thuyết từ lúc đạn lên nòng tới khi phóng chỉ cho phép thời gian khoảng 40 giây.
Quá thời gian đó mà chưa bắn thì coi như hỏng do vũ khí sử dụng loại pin đặc biệt. Hồi hộp vậy nhưng ông vẫn bình tĩnh vận dụng những kiến thức được huấn luyện vào thực tiễn chiến đấu như ước lượng cự ly, tốc độ di chuyển của máy bay địch, điều kiện thời tiết… để tính toán tham số và thời điểm phóng đạn.
Rồi chỉ sau 37 giây ngắm, ông đã quyết định phóng. Quả đạn tên lửa A72 bay vút lên trúng mục tiêu là chiếc trực thăng UH-1A khiến nó bùng cháy nổ tung trên bầu trời trong niềm sung sướng tột cùng của ông và các đồng đội.
Xác một chiếc trực thăng UH-1A bị bắn hạ ở chiến trường Việt Nam.
Tại mặt trận này, tháng 5/1972, chỉ với 5 quả đạn, Nguyễn Văn Thoa tiếp tục bắn rơi tại chỗ 3 máy bay địch gồm 2 chiếc trực thăng HU-1A và 1 máy bay trinh sát L19.
Những trận thắng liên tiếp của ông và các đồng đội tên lửa A72 trong mùa hè năm 1972 tại mặt trận này đã khiến cho không quân Mỹ và quân đội Sài Gòn khiếp vía, góp phần cùng Sư đoàn 7 bộ binh ngăn chặn được quân địch định giải tỏa thị xã Bình Long.
Sau chiến thắng ấy, ông được Sư đoàn 7 bộ binh đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và được tặng thưởng Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Ba.
Qua các trận chiến đấu những ngày đầu ở chiến trường của Nguyễn Văn Thoa, thủ trưởng cấp trên nhận định: Thoa là người rất giỏi sử dụng tên lửa A72, nên hễ có trận chiến đấu nào quan trọng là ông được điều động đi tăng cường, phối thuộc cho các đơn vị bạn chiến đấu.
Đến đơn vị nào ông cũng lập được thành tích bắn rơi máy bay địch và được cấp trên tuyên dương, khen thưởng.
Mỗi trận đánh là mỗi lần ông và các đồng đội rút ra được những bài học kinh nghiệm quý báu, thiết thực. Đó là tinh thần đoàn kết, đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi trong chiến đấu; phát huy sự mưu trí, thông minh, lòng gan dạ, tư tưởng vững vàng, ý chí kiên cường, không ngại hy sinh gian khổ để tiêu diệt địch.
Với những kinh nghiệm và phẩm chất ấy, ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khi được cấp trên điều động đi phối thuộc chiến đấu với các đơn vị bộ binh trên khắp các mặt trận miền Đông Nam bộ.
Một số Giấy chứng nhận "Dũng sỹ diệt máy diệt máy bay Mỹ" trong chiến tranh của xạ thủ Anh hùng Nguyễn Văn Thoa.
Một huyền thoại chiến đấu quả cảm, anh hùng bắn rơi 13 máy bay địch
Cho đến hôm nay, các đồng đội A72 của ông Nguyễn Văn Thoa vẫn nhớ như in các trận đánh tiêu biểu của ông trong thời gian chiến đấu ở chiến trường miền Đông Nam bộ.
Đó là trận tháng 1/1973, với tinh thần mưu trí, dũng cảm, ông Nguyễn Văn Thoa đã phóng 2 quả đạn bắn rơi 2 máy bay (UH-1A và L19), bắt sống 1 phi công địch, góp phần vào việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ không cho địch giành dân, chiếm đất tại chốt Tống Lê Chân (tỉnh Bình Phước).
Trận chiến đấu tháng 3/1973, tại khu vực suối Đá và núi Bà Đen, tỉnh Tây Ninh. Bằng 3 quả đạn, ông đã bắn rơi tại chỗ 2 chiếc CH-54 "cần cẩu bay" của Mỹ vận chuyển vũ khí trang bị cho quân đội Sài Gòn hòng thực hiện âm mưu "tràn ngập lãnh thổ" sau Hiệp định Paris.
Ghi nhận thành tích và chiến công của Nguyễn Văn Thoa, ngày 30/9/1973, ông đã được kết nạp vào Đảng. Đây là một vinh dự và động lực lớn để người chiến sỹ trẻ tiếp tục phấn đấu, rèn luyện và khẳng định mình trong chiến đấu.
Ngay sau sự kiện có ý nghĩa lịch sử ấy của mình, trong trận đánh tại chốt Đức Hòa - Đức Huệ (tỉnh Long An) cuối năm 1973, để yểm trợ các đơn vị bộ binh tấn công chốt, Nguyễn Văn Thoa đã bắn 3 quả đạn tiêu diệt 2 máy bay AD6 đang điên cuồng ném bom vào trận địa bộ binh ta.
Anh hùng Nguyễn Văn Thoa (ngoài cùng bên trái) trong lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND của Xạ thủ Nguyễn Ngọc Chiến. Ảnh: Hữu Mão.
Tiếp đó trong các trận chiến đấu tại chốt Mộc Hóa và thị xã Mộc Hóa (nay thuộc tỉnh Long An) năm 1974, ông Nguyễn Văn Thoa đã hạ thêm 2 máy bay địch (1 chiếc C-130 và 1 chiếc UH-1A) bằng 3 quả đạn.
Bị tổn thất nặng nề, quân địch điên cuồng mở các cuộc tấn công trả đũa. Ngày 15/1/1975, trong trận chiến đấu ở thị xã Mộc Hóa, bên bờ sông Vàm Cỏ Tây, Nguyễn Văn Thoa bị thương do mảnh đạn nhỏ bắn vào đầu gây chấn thương sọ não và được đồng đội đưa về tuyến sau cấp cứu.
Sau một thời gian điều trị, mặc dù vết thương chưa ổn định, mảnh đạn còn trong đầu nhưng ông xin trở về đơn vị để được tiếp tục tham gia chiến đấu trong cuộc tổng tấn công mùa xuân 1975.
Vào những ngày cuối tháng 4/1975, Nguyễn Văn Thoa được điều động tăng cường phối thuộc với Đoàn Pháo binh Biên Hòa tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ông Thoa cùng các đồng đội được giao nhiệm vụ án ngữ, kìm chế máy bay lên xuống phía Bắc sân bay Tân Sơn Nhất.
Trải qua 3 năm chiến đấu ở chiến trường (từ 4/1972 đến 4/1975), trên khắp các mặt trận, xạ thủ A72 Nguyễn Văn Thoa đã phóng 18 quả đạn, bắn rơi 13 máy bay địch các loại như UH-1A, L19, CH-54, AD6, C-130.
Tên ông được nhắc đến như một huyền thoại chiến đấu quả cảm, anh hùng và trở thành nỗi khiếp sợ của không quân địch ngày ấy.
Với thành tích chiến đấu quả cảm, mưu trí và đặc biệt xuất sắc đó, ông Nguyễn Văn Thoa được tặng thưởng 3 Huân chương Chiến công Giải phóng; 13 lần được tặng Danh hiệu "Dũng sĩ diệt máy bay Mỹ - ngụy".
Đặc biệt, ngày 8/11/2000, Nguyễn Văn Thoa đã được Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
Về với đời thường: Điển hình nhà nông làm kinh tế giỏi
Kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, Nguyễn Văn Thoa được đơn vị cho ra Bắc để điểu trị thương tật tại Đoàn An dưỡng 222 rồi sau đó xuất ngũ. Từ đây, ông tiếp tục theo đuổi ước mơ dang dở, thi đỗ Đại học Nông nghiệp 3 Bắc Thái.
Ra trường, ông công tác trong ngành Nông nghiệp, trải qua nhiều vị trí công tác từ Trưởng Phòng đến Phó Giám đốc Xí nghiệp cho tới năm 1991 thì nghỉ "một cục" theo chế độ 176.
Anh hùng Nguyễn Văn Thoa trong cuộc sống đời thường.
Về quê, ông nhận thấy vùng đất bãi quê hương mình có nhiều thuận lợi để phát triển chăn nuôi, trồng trọt. Được sự quan tâm của chính quyền địa phương, ông nhận thầu một khu đất bãi để làm trang trại.
Ngày đầu mới triển khai làm trang trại, quả thật gặp không ít khó khăn nhưng với ý chí, nghị lực của một người đã được tôi rèn trong bom đạn nên ông đã dần vượt qua, trang trại ngày càng phát triển tốt và ông được tuyên dương là điển hình nhà nông làm kinh tế giỏi của địa phương.
Vừa chăm lo sản xuất, ông Thoa vừa tích cực tham gia các hoạt động của Hội Cựu chiến binh ở quê nhà với cương vị Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Cao Đại hai nhiệm kỳ liền.
Nay do tuổi đã cao và sức khỏe cũng giảm, ông Nguyễn Văn Thoa đã xin nghỉ công tác ở Hội Cựu chiến binh. Tuy nhiên, vào các dịp những ngày lễ và kỷ niệm lịch sử, nhiều cơ quan, trường học, Đoàn Thanh niên vẫn mời ông đến gặp gỡ, giao lưu, tọa đàm, kể chuyện truyền thống.
Mỗi lần như vậy, ông như được sống lại những năm tháng quân ngũ đầy gian khổ mà rất đỗi tự hào, nên hễ có đơn vị mời là ông đều cố gắng thu xếp thời gian đến tham dự.
Qua những lần như thế, ông bảo "chỉ muốn giúp cho thế hệ trẻ hôm nay hứng thú hơn với lịch sử dân tộc, biết thêm về truyền thống quê hương, từ đó nhân lên niềm tự hào, lòng yêu nước và quyết tâm phấn đấu học tập, rèn luyện để mai này góp phần thiết thực xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".