Vụ sập cầu treo Chu Va 6 khiến 9 người chết, 41 người bị thương tại bản Chu Va 6 (xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) được xem là vụ vụ sập cầu treo đầu tiên trong lịch sử ngành giao thông Việt Nam gây hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt.
Theo báo cáo ban đầu của Tổ công tác kỹ thuật, nguyên nhân trực tiếp gây sự cố sập cầu ở Lai Châu là do đứt ắc neo tăng đơ tại đầu neo cáp ở đầu cầu hướng bản Chu Va 8, phía thượng lưu cầu, dẫn đến mất khả năng chịu lực của cáp chủ thượng lưu gây lật mặt cầu, hất người trên cầu xuống sông.
Tuy nhiên, đây là vụ việc nghiêm trọng khiến nhiều người thương vong. Khi phóng viên hỏi cơ quan công an có đủ căn cứ để khởi tố vụ án điều tra nguyên nhân vụ việc không, thì phía cơ quan công an cho rằng, chưa đủ căn cứ, chưa phát hiện dấu hiệu vi phạm. Nếu khởi tố phải có con người cụ thể, đơn vụ cụ thể mới ra quyết định khởi tố được.
Đưa ra quan điểm của mình về việc có hay không việc khởi tố, điều tra vụ án này, luật sư Lê Vinh (đoàn luật sư Thành phố Hà Nội, Trưởng văn phòng luật sư Chương Dương) phân tích: Khi sự việc sập cầu treo xảy ra dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng cả về người và vật là đã có thể khởi tố vụ án được rồi. Khởi tố vụ án chứ chưa phải khởi tố bị can nên chưa thể kết luận đó là một vụ phạm tội. Đây mới chỉ là mở ra quá trình điều tra vụ việc theo đúng quy định của pháp luật. Và cũng có thời hạn, khống chế việc xem xét sự việc trong khoảng thời hạn nhất định nào đó bằng một loạt các hành vi nào đó. Đây là tác dụng của khởi tố vụ án.
Kết cấu neo tăng đơ không đồng bộ với cáp là nguyên nhân khiến cầu Chu Va 6 bị sập.
Luật sư Vinh nói thêm, quá trình tố tụng bao giờ cũng có khởi tố vụ án sau đó là khởi tố bị can. Theo những thông tin đã được các phương tiện đại chúng thông tin trong những ngày qua thì, chứng cứ đó đã đủ để khởi tố vụ án này và cơ quan điều tra cũng cần vào cuộc để xem có hay không dấu hiệu phạm tội ở đây.
Nếu không có “tội phạm” thì cũng phải đưa ra một kết luận “quang minh chính đại” chứ không thể là chưa đủ căn cứ, chưa phát hiện dấu hiệu vi phạm.
Đưa ra quan điểm về ý kiến cho rằng: “nếu khởi tố phải có con người cụ thể, đơn vụ cụ thể mới ra quyết định khởi tố được”, luật sư nói: Con người cụ thể, cơ quan tổ chức cá nhân cụ thể thì chỉ có thể cụ thể khi vụ án kết thúc. Ở thời điểm này, theo tôi, cơ quan điều tra với vụ án như vậy họ cũng đã hình dung được những “đối tượng” cần phải xem xét để tìm hiểu thêm sự việc, chứ không thể nói là chưa có con người cụ thể. Ví dụ: Ai xây cầu, cầu này được xây dựng từ nguồn vốn nào… Theo tôi, hoàn toàn có những đầu mối để cơ quan điều tra điều tra xem có phải một vụ phạm tội hay không.
Theo ông Vinh, việc chưa khởi tố vụ án là chưa đúng. Cơ quan điều tra có thể khởi tố vụ án sau đó điều tra, đưa ra kết luận xem vụ án này có dấu hiệu hình sự hay không.
Phía cơ quan điều tra độc lập của Bộ GTVT – Vụ Khoa học – Công nghệ (đơn vị phối hợp với cơ quan công an để điều tra) mới thông tin sau điều tra, xác minh ban đầu thì thiết kế và thực tế hiện trường có một số điểm không hoàn toàn trùng khớp. Điều này phải chờ kết quả giám định ốc neo tăng đơ bị đứt của cơ quan công an dẫn đến sập cầu mới biết chính xác được. Bày tỏ quan điểm trước ý kiến này, luật sư Vinh bàn thêm: "Đó chính là căn cứ để xem lại trách nhiệm này là của ai. Sập cầu như thế có một phần nguyên nhân là do người đi cầu quá tải nhưng có một phần nguyên nhân nào của việc thiết kế sai, thi công không chuẩn, nguyên vật liệu ko chuẩn. Tất cả cái đó có thể trả lời sau khi cơ quan điều tra khởi tố vụ án.
Chưa cần căn cứ vào những thông tin của cơ quan điều tra độc lập của Bộ GTVT – Vụ Khoa học – Công nghệ (đơn vị phối hợp với cơ quan công an để điều tra) mà chỉ cần khi sập cầu cơ quan điều tra hoàn toàn có thể khởi tố vụ án.
Tối 26/2, trao đổi với PV, Thiếu tướng Trần Duân - Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu cho biết, trong chiều cùng ngày, đoàn công tác của công an tỉnh đã phối hợp với các đơn vị chuyên môn của Bộ Giao thông Vận tải rà soát lại toàn bộ thiết kế, quá trình thi công công trình, vật liệu làm cầu treo Chu Va 6 để xác định nguyên nhân vụ sập cầu treo ngày 24/2. Trong buổi chiều cùng ngày, cơ quan Công an tỉnh Lai Châu đã lấy mẫu ốc neo tăng đơ và thép đứt gãy để đưa đi giám định để tìm ra nguyên nhân gây sập cầu.
Theo luật sư Vinh thì đây là sự bất hợp lý, bởi: “Tất cả hoạt động niêm phong tang vật, đi giám định chỉ được tiến hành khi đã khởi tố vụ án. Cơ quan điều tra phân công một điều tra viên cụ thể làm những việc đó. Còn chưa khởi tố mà đi niêm phong tang vật giám định là không hợp lý”.
Câu hỏi mà luật sư Vinh đặt ra ở đây là: Niêm phong tang vật thì liệu các cơ quan khách quan của Bộ Giao thông Vận tải, các cơ quan dân sự khác có can thiệp được vào tang vật đó hay không? Điều này là bất cập thậm chí cản trở việc vén lên bức màn bí mật của vụ việc.
Cũng theo ông Vinh, chỉ cần nghe thông tin có tai nạn như vậy là đủ điều kiện để khởi tố vụ án. Còn trong quá trình khởi tố vụ án, kết luận có dấu hiệu phạm tội không lại là một bước về sau, một cấp khác của tiến trình tố tụng.