Cây cầu có trọng tải 1,5 tấn, dài 54m thì phải chịu lực được 81 tấn mới đúng. Vì vậy, không thể đổ lỗi cho người dân.
Liên quan đến vụ đứt cầu treo tại huyện Tam Đường (Lai Châu) làm 8 người thiệt mạng và 37 người bị thương, PV đã có cuộc trao đổi với GS.TS Nguyễn Đình Cống (nguyên giảng viên khoa Xây dựng, trường Đại học Xây dựng Hà Nội) về những đặc tính kỹ thuật của một chiếc cầu treo và nguyên nhân dẫn đến sập cầu.
Ngày 24.2, một chiếc cầu treo tại huyện Tam Đường (Lai Châu) đã bị đứt làm 8 người thiệt mạng và hơn 30 người bị thương. Xét về mặt kỹ thuật, GS có đánh giá gì về nguyên nhân vụ việc?
Hôm rồi đọc báo, thấy một ông quan chức nói rằng vì người ta đi nhiều, quá nặng nên mới đứt cáp, tôi thấy vô lý vô cùng. Chiếc cầu chỉ chịu được 1,5 tấn là không đúng, phải là 1,5 tấn/m2. Nhân với chiều dài của cây cầu là 54m thì chiếc cầu này phải chịu được 81 tấn mới đúng.
1,5 tấn ở đây là biển cấm treo ở đầu cầu, có nghĩa là những xe tải hay xe bò nào trên 1,5 tấn thì không được đi qua. Còn nếu cả cây cầu chỉ chịu được 1,5 tấn thì trung bình mỗi m2 chỉ chịu được 28kg. 28kg thì mỗi mét không được một người, hóa ra là làm cầu cho chuột đi à?
Về nguyên nhân gây ra sập cầu thì rất rõ ràng. Về mặt kỹ thuật là do đứt vòng neo.
GS.TS Nguyễn Đình Cống, nguyên giảng viên khoa Xây dựng, trường ĐH Xây Dựng Hà Nội.
Thông thường, thiết kế một cây cầu treo bao gồm những phần nào, thưa GS?
Thiết kế của cầu treo như sau: sẽ có hai trụ được dựng ở hai bên bờ sông, và cạnh hai trụ này sẽ có hai cục sắt thép thật nặng, gọi là neo. Sau đó người ta sẽ căng hai dây ở hai bên trụ, gọi là cầu dây trụ. Tiếp nữa mới làm cầu vắt qua sông và treo cái cầu bằng dây đã căng qua, gọi là dây cầu treo. Khi có người hoặc vật đi trên cầu thì chiếc dây sẽ chịu lực và bị căng lên, vì thế phải đảm bảo neo phải thật chắc, thật nặng, nếu không chắc thì neo sẽ bị bật lên hoặc bị gãy neo.
Còn thiết kế neo thì có một tăng-đơ, để vặn cho dây thật căng ở hai đầu. Một đầu tăng đơ sẽ nối xuống đất và một đầu nối với dây treo. Cây cầu ở Lào Châu chính là bị gãy mất đoạn móc tăng-đơ nên mới dẫn đến bị sập cầu.
Trong một chiếc cầu dây treo thì chỗ hiểm yếu nhất chính là cái tăng-đơ. Đáng lẽ ra phải luôn đảm bảo tăng-đơ thật chắc chắn, để khi dây bị căng thì có thể đứt dây nhưng không thể đứt tăng-đơ. Tăng-đơ luôn phải khỏe hơn dây, nhưng đằng này tăng-đơ lại yếu hơn cả dây nên mới dẫn đến chiếc cầu bị lật nhào. Cho nên ở đây không phải lỗi của người dân mà lỗi ở kỹ thuật, ở người giám sát.
Tôi có thể lấy ví dụ đơn giản như thế này: bình thường tôi chỉ đeo một chiếc túi nặng 5kg thôi, tôi đi thoải mái, không sao cả. Nhưng bỗng một hôm tôi đeo một chiếc túi nặng 15kg và tôi quỵ xuống. Đáng lẽ ra tôi nặng 50kg thì tôi phải mang được vật nặng hơn 15kg chứ, tại sao có 15kg mà đã quỵ rồi? Nên vấn đề ở đây là xương cốt tôi yếu, tôi bị loãng xương. Tương tự, một đám tang đi ngang qua cầu không là gì cả, đối với một chiếc cầu bình thường. Nhưng phải chiếc cầu sắp sập, chất lượng kém thì thành ra có chuyện.
Tăng-đơ của chiếc neo cây cầu bị gãy tại Lai Châu.
Ngoài nguyên nhân kỹ thuật, theo GS liệu còn có nguyên nhân nào khác?
Bây giờ cần phải truy tiếp nguyên nhân là tại ai? Nguyên nhân kỹ thuật có thể nhìn thấy trước mắt rồi, không cần bàn cãi nữa. Nhưng ở đây còn do con người. Thứ nhất là người thiết kế. Đáng lẽ phải làm bằng thép tốt thì lại bảo làm bằng gang hay làm bằng gì đó. Đó là thiết kế không tính toán, thiết kế sai. Thứ hai là người thi công có đúng theo thiết kế không? Nếu thi công đúng theo bản thiết kế mà cầu vẫn đứt thì thi công vô tội, anh thiết kế phải chịu trách nhiệm, còn nếu thi công khác đi, ăn bớt thì là lỗi của thi công.
Nhiều người nói rằng cái tăng-đơ được bao nhiêu lắm mà ăn bớt? Thực ra cái tăng-đơ thì không được bao nhiêu nhưng ăn bớt mỗi thứ một ít, dây một ít, cầu một ít, trụ một ít... thì lại thành ra nhiều. Đáng lý ra cái không được ăn bớt là cái tăng-đơ thì lại ăn bớt nên mới xảy ra chuyện. Vậy tại sao thi công lại làm sai? Có thể là thi công tự ý làm mà thiết kế không biết, hoặc thiết kế bảo thi công làm như thế.
Và thứ ba là ngoài người thiết kế, người thi công thì còn người giám sát. Tại sao đảm nhiệm vai trò giám sát mà lại để thi công, thiết kế làm hỏng? Trách nhiệm giám sát ở đâu? Hay là giám sát ăn đút lót nên lờ đi, để làm kém chất lượng?
Vậy nên nguyên nhân làm đứt cầu, gây thương vong thì có hai nguyên nhân. Nguyên nhân về kỹ thuật đã rõ rồi, còn quy kết về trách nhiệm là nguyên nhân sâu xa cần phải làm rõ.
Xét riêng vụ việc này, theo tôi nghĩ phần lớn là do thói tham ô và vô trách nhiệm mới dẫn đến việc xây dựng chiếc cầu kém chất lượng, mới đưa vào sử dụng được hơn 1 năm đã xảy ra sự cố rồi.
Một chiếc cầu dây treo bình thường có thể tồn tại trong khoảng thời gian bao lâu, thưa GS?
Tùy yêu cầu của người thiết kế. Thông thường với những chiếc cầu dây treo dạng này thì người ta thiết kế 50 - 100 năm. Nhưng với những chiếc cầu tạm, và cứ xếp chiếc cầu này vào dạng cầu tạm đi, thì theo tôi nghĩ cũng phải được 20 năm. Chứ không thể có chuyện vừa làm xong tháng 12.2012 mà giờ được hơn 1 năm một tí đã đứt rồi.
Xin cảm ơn GS!