Vụ diều cuốn chết bé trai: Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự?

Thiên Di |

“Nếu người quản lý diều, thực hiện hành vi sử dụng con diều này chịu trách nhiệm hình sự trước pháp luật thì rất có thể xem xét ở tội danh vô ý làm chết người”.

Người quản lý diều có phải chịu trách nhiệm?

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với luật sư Vũ Gia Trưởng (Văn phòng Luật sư Phạm Hồng Hải và cộng sự) về sự việc cháu bé 5 tuổi ở Hóc Môn (T.p HCM) bị con diều khổng lồ cuốn gây ra cái chết thảm.

Luật sư Trưởng cho biết, đương nhiên những người quản lý con diều và thực hiện hành vi sử dụng con diều này phải chịu trách nhiệm về việc để xảy ra sự cố trên.

VP Luật sư Phạm Hồng Hải và cộng sự
Luật sư Vũ Gia Trưởng
   Tôi cho rằng, đây là một trường hợp hy hữu đáng tiếc xảy ra. Cho đến thời điểm này, trong quá trình hành nghề chúng tôi chưa gặp trường hợp nào tương tự như vậy.

Tuy nhiên, những người này có phải chịu trách nhiệm hình sự trước pháp luật hay không thì còn phải đợi xác minh của các cơ quan chức năng về lỗi của những người quản lý và sử dụng con diều gây ra cái chết của bé trai.

Trong trường hợp phải chịu trách nhiệm hình sự thì cơ quan chức năng có thể xem xét ở tội danh vô ý làm chết người theo các quy định của Bộ luật Hình sự.

“Bởi, những người quản lý và sử dụng con diều to lớn thế này tại nơi đông người thì phải hiểu được hành vi của mình có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người khác.

Họ chưa tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc để đảm bảo an toàn khi sử dụng nên mới dẫn đến hậu quả chết người” - luật sư Vũ Gia Trưởng giải thích.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, luật sư Chu Mạnh Cường cho rằng, để xác định trách nhiệm của những người liên quan cần phải căn cứ vào kết quả điều tra, xác minh sự việc một cách đầy đủ, toàn diện, khách quan của cơ quan chức năng.

Sau đó, tùy theo việc đánh giá tính chất nguy hiểm cho xã hội của sự việc, nguyên nhân, hành vi, hậu quả, mức độ lỗi của các đối tượng liên quan... , cơ quan chức năng có thể quyết định xử lý hành chính hay thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tai nạn không mong muốn

Còn theo luật sư Trương Quốc Hòe (Trưởng văn phòng luật sư Interla, Đoàn luật sư T.p Hà Nội): “Pháp luật nghiêm cấm thả diều tại các khu vực như sân bay, khu vực cấm, thả diều gần công trình lưới điện cao áp có khả năng gây sự cố điện”.

Cụ thể, căn cứ theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP thì hành vi thả diều chỉ bị xử phạt hành chính khi: “Hành vi thả diều, bóng bay, chơi máy bay, đĩa bay có điều khiển từ xa hoặc các vật bay khác ở khu vực sân bay, khu vực cấm; đốt và thả đèn trời...”.

Bên cạnh đó, tại Điều 4 Nghị định số 14/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện cũng quy định nghiêm cấm hành vi: “Thả diều, vật bay gần công trình lưới điện cao áp có khả năng gây sự cố lưới điện”.

Ở trường hợp này, “cánh đồng diều” (nơi xảy ra sự việc đáng tiếc) không được Nhà nước quy hoạch làm khu vui chơi thả diều và câu lạc bộ diều Sài Gòn cũng không được cơ quan chức năng cấp phép thả diều tại đây.

Chủ nhiệm CLB diều Sài Gòn
Ông Đỗ Văn Lựu
Các thành viên cùng nhau kéo con diều xuống nhưng không kịp. Thay mặt anh em trong câu lạc bộ, tôi cũng đã gửi lời xin lỗi tới gia đình.

“Như vậy, có thể thấy, đây không phải là khu vực không được phép thả diều. Và đến thời điểm này, chưa có kết luật diều được thả gần công trình lưới điện cao áp có khả năng gây sự cố lưới điện.

Do đó, chỉ trong trường hợp việc thả diều vi phạm quy định này thì người quản lý diều mới phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi của mình.

Việc thành viên câu lạc bộ diều thả diều không may làm cháu bé bị cuốn lên theo là tai nạn không mong muốn.

Đây là bài học cảnh tỉnh cho các cơ quan có thẩm quyền trong việc quản lý hoạt động thả diều tại các khu vực chưa được sự cho phép và có thể gây nguy hiểm cho những người xung quanh” - luật sư Trương Quốc Hòe nhấn mạnh.

Cũng theo luật sư Hòe thì đây được coi là một tai nạn hy hữu, chưa từng xảy ra. Và hiện, pháp luật chưa có quy định cụ thể trong việc quản lý, kiểm soát việc thả diều cũng như trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức tham gia thả diều.

Ở khía cạnh khác, theo luật sư Chu Mạnh Cường thì sự việc xảy ra tại địa điểm chưa xin phép thả diều và chưa được cấp giấy phép thả diều không phải là sai phạm.

Bởi từ xưa đến nay, chúng ta chưa nghe thấy việc thả diều phải xin phép và phải được cấp phép. Và thêm nữa, nếu đã là tai nạn thì giả sử đã xin phép, đã cấp phép cũng có ngăn được tai nạn không (?).

Qua đó thấy rằng, vấn đề xin phép hay cấp phép (nếu có) cũng không phải là nguyên nhân chính trong sự việc này.

Vấn đề là những người liên quan khi tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí cũng cần thận trọng, chấp hành đúng các quy tắc liên quan để hạn chế các tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra” - vị luật sư này nói.

Luật sư Cường cũng khẳng định, trong khi chờ kết luận của cơ quan chức năng, những người liên quan đến việc quản lý con diều đó có trách nhiệm hỗ trợ, bồi thường các thiệt hại, tổn thất về vật chất, tinh thần cho gia đình cháu bé.

Như đã đưa tin, bé Văn Minh Đạt (SN 2010, ngụ huyện Hóc Môn, TP.HCM) bị con diều khổng lồ dài hơn 20m của CLB diều Sài Gòn cuốn lên rồi rơi xuống tử vong.

Chiều qua (16/3), lãnh đạo UBND huyện Hóc Môn đã đến chia sẻ và hỗ trợ 17 triệu cho gia đình bé Đạt để lo hậu sự.

Vị lãnh đạo này khẳng định, CLB diều Sài Gòn đưa con diều khổng lồ đến thả trên địa bàn là hoàn toàn tự phát, không xin phép và đây khu đất dự án của một đơn vị tư nhân suốt nhiều năm qua chưa triển khai xây dựng.

 

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại