Vụ CSGT bắn nhau: “Đừng để hành xử như xã hội đen"

Lý Minh Sơn |

(Soha.vn) - “Quy định về việc trong trường hợp nào thì được nổ súng và quy định về việc uống rượu đã có nhưng tại sao lại để vụ nổ súng xảy ra ở Trạm CSGT Suối Tre?”.

Liên quan đến vụ CSGT bắn nhau khiến 1 người tử vong  tại Trạm CSGT Suối Tre, thuộc Phòng CSGT đường bộ, đường sắt- Công an tỉnh Đồng Nai, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Luật sư Lê Đức Tiết - Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn dân chủ và pháp luật, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về vấn đề này.

Luật sư Lê Đức Tiết (Ảnh: báo Quảng Ninh)
Luật sư Lê Đức Tiết (Ảnh: báo Quảng Ninh)

Luật sư Lê Đức Tiết nói: “Điều cần thiết nhất là từ vụ việc phải rút ra cho được những bài học về quản lý con người, đặc biệt là đối với những đại diện của Nhà nước, những người cầm cân nảy mực để phục vụ dân. Quy tắc sử dụng súng trong khi thi hành công vụ đã được quy định khá rõ và khá đầy đủ trong các văn bản pháp luật hiện hành của Nhà nước rồi, không cần phải tốn thì giờ đi tìm khe hở trong luật pháp để sửa đổi, bổ sung luật nữa”.

LS Tiết cho rằng có hai vấn đề cần phải được làm rõ: “Thứ nhất là việc xây dựng quan hệ đồng chí, đồng đội, cấp trên cấp dưới ở trạm CSGT Suối Tre đã được tiến hành như thế nào mà để xảy ra việc thiếu tá Trần Ngọc Sơn (Trạm phó Trạm CSGT Suối Tre, Dầu Giây, thuộc Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an tỉnh Đồng Nai) đập đầu cấp dưới một cách thô bạo rồi cấp dưới rút súng bắn vào đầu cấp trên như đã xảy ra trong các băng đảng xã hội đen?

Thứ hai là trưởng công an tỉnh, huyện đã có những chủ trương biện pháp cụ thể gì để nâng cao phẩm chất, đạo đức, tư cách người cán bộ công an của đơn vị mình? Cuộc vận động học tập và làm theo gương Bác Hồ ở các đơn vị thuộc quyền có đi vào cuộc sống không?

“Tôi tin rằng ngành công an đặt ra hai câu hỏi đó và yêu cầu các đơn vị nghiêm túc kiểm điểm thì có thể nâng cao tình đoàn kết, tinh thần trách nhiệm và tính gương mẫu trong lối sống của cán bộ ngành công an. Thi hành kỷ luật nghiêm cũng là vấn đề mà ngành công an cần chú ý để làm tăng thêm lòng tin của dân đối với cán bộ ngành công an”, ông Tiết nói.

Theo ông Tiết, ngành công an đã có nhiều cố gắng. Điều này được Nhà nước và nhân dân ghi nhận. Nhưng có một bộ phận nhỏ trong ngành bị tha hóa cũng rất đáng tiếc.

Dân phản ánh nhiều về sự tha hoá trong ngành công an nhưng cơ quan quản lý có phần nương nhẹ. Việc xử lý lại không công khai, không minh bạch, thiếu kiên quyết. Có trường hợp đại biểu dân cử chất vấn hoặc dân tố cáo thì cán bộ công an yêu cầu cung cấp chứng cứ mới có thể xử lý.

LS Tiết đề nghị, ngành công an nên có hòm thư để dân phản ánh về những sự việc tha hóa của cán bộ ngành công an, và tốt hơn là đối với mọi viên chức nhà nước. Hòm thư cần đặt cạnh hòm thư của bưu điện để người có thư tố cáo không sợ bị ai theo dõi. Việc mở hòm thư và tổng hợp tin tố cáo phải được đảm bảo mọi tin tố cáo đều được xem xét và không lộ danh tính của người tố cáo cho người bị tố cáo biết.

Theo ông Tiết, đối với cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, an ninh, kỷ luật là sức mạnh nhưng trong vụ việc nổ súng ở Đồng Nai cho thấy kỷ luật không nghiêm. Nhân viên vô kỷ luật là do thủ trưởng. Trong vụ việc này, trách nhiệm trước hết thuộc về người Trạm trưởng, phải quản lý cấp dưới của mình như thế nào, có kiểm tra, giám sát không. Tiếp đó là trách nhiệm thuộc về Trưởng Phòng CSGT tỉnh và lãnh đạo công an tỉnh.

“Qua vụ việc này, Bộ Công an cũng cần phải rút kinh nghiệm sâu sắc và rà soát lại toàn bộ việc thực hiện quy định về việc nổ súng cũng như uống rượu, bia để tránh những vụ việc tương tự”, LS Lê Đức Tiết nói.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại