Tướng Giáp về chiến trường xưa qua hồi ức của nhà báo Mỹ

"Tôi hiểu thêm về con người mà Pháp từng gọi là “núi lửa phủ tuyết”. Đó là người anh hùng trung kiên có mái tóc bạc phơ", nhà báo ảnh Mỹ Catherine Karnow viết trên tờ Huffington Post.

Tướng Giáp về chiến trường xưa qua hồi ức của nhà báo Mỹ
Đại tướng Võ Nguyên giáp trò chuyện cùng nhà báo Catherine Karnow. Ảnh:Catherine Karnow.

Cha của tôi – nhà báo, nhà lịch sử về chiến tranh Việt Nam Stanley Karnow – từng phỏng vấn đại tướng cho tờ New York Times năm 1990. Vài tháng sau, tôi cũng đến Việt Nam để thăm gia đình đại tướng.

Năm 1994, tôi sang Việt Nam để thăm nhà Đại tướng lần thứ hai, chụp ảnh và ăn cơm với gia đình. Đại tướng ghé vào tai, mời tôi thăm Điện Biên Phủ cùng ông và dặn tôi không nói với ai. Chuyến thăm sẽ bắt đầu từ ngày 1/5.

Tại Hà Nội, phóng viên các cơ quan báo chí trong nước ngóng tin về việc liệu nhà chỉ huy quân sự tài ba có trở lại chiến trường xưa nhân dịp kỷ niệm 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ hay không.

Ngày 1/5/1994 đến thật nhanh. Tôi đáp chuyến bay thương mại từ Hà Nội đến Điện Biên Phủ... Tôi thấy một nhà khách lớn trên đỉnh đồi, các trợ lý của Đại tướng bên hiên nhà. Vì Đại tướng biết tôi nên ông không quá ngạc nhiên khi nhìn thấy tôi. Sau đó, tôi biết rằng, đoàn sẽ tới thăm chiến trường Điện Biên Phủ vào ngày hôm sau.

Tướng Giáp về chiến trường xưa qua hồi ức của nhà báo Mỹ
Máy bay chở Đại tướng hạ cánh. Ảnh Catherine Karnow.

Đại tướng sẽ đi bằng trực thăng còn tôi sẽ đi bằng xe jeep. Xe jeep sẽ chạy 6 tiếng qua đoạn đường ổ gà, đá gập ghềnh. Người ta nói với tôi rằng, sẽ đến chiến trường năm xưa vào buổi chiều sớm và tướng Giáp cũng sẽ đến khoảng đó.

Hàng trăm người tập trung tại chiến trường Điện Biên Phủ chờ Đại tướng xuất hiện. Tôi lắp phim cho máy ghi hình và chọn vị trí thuận lợi để chụp ảnh. Nắng nóng, khát nước khiến tôi muốn chui vào bụi cây tránh nắng. Tuy nhiên, tôi lại sợ khi ông đến mà tôi không sẵn sàng, tôi sẽ mất đi những khoảnh khắc đẹp. 

Tôi muốn chụp khung cảnh, con người nơi đây nhưng không mang đủ phim. Người dân địa phương ở đây rất thú vị. Nhiều người trong đám đông thuộc dân tộc Thái đen. Các em thiếu nhi mặc đồng phục của đội viên, với khăn quàng đỏ trên cổ, và cầm áp phích chào đón vị tướng tài.

Đúng lúc tôi cảm thấy choáng vì đói và mệt thì thì một con chim sắt lớn xuất hiện trên trời. Đó là trực thăng chở Đại tướng. Mọi người chạy về phía trực thăng khi nó hạ cánh. Đại tướng bước ra ngoài, vẫy tay chào đám đông.

Chúng tôi bắt đầu thăm nơi ẩn náu bí mật năm xưa trong rừng, đi trên những tấm gỗ hẹp bắc qua suối. Ở tuổi 83, đại tướng vẫn nhanh nhẹn. Tại đây, nhà chỉ huy quân sự thiên tài đã cùng quân, dân làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954. Sau 40 năm, ông trở lại nơi này.

Tướng Giáp về chiến trường xưa qua hồi ức của nhà báo Mỹ
Dân bản mừng vui đón đại tướng. Ảnh Catherine Karnow.

Chúng tôi vào trong căn lều nhỏ, nơi Đại tướng đã lập kế hoạch cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong khoảnh khắc đầy xúc động ấy, vị chỉ huy ngày nào chia sẻ: “Điều đáng tiếc duy nhất với tôi lúc này là các tướng đồng hành với tôi ngày ấy không còn nữa hoặc không ở đây”.

Với tôi, thời gian ở trong lều nhỏ giữa rừng miền bắc Việt Nam ngày ấy là trải nghiệm thú vị. Tôi vinh dự chứng kiến một huyền thoại sống chia sẻ những kỷ niệm góp phần làm nên lịch sử dân tộc. Tôi hiểu thêm về con người mà Pháp từng gọi là “núi lửa phủ tuyết”: Đó là người anh hùng trung kiên có mái tóc bạc phơ.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại