Tướng Độ: "Bộ trưởng sắp nghỉ thì thanh tra Bộ đâu dám thanh tra"

Hoàng Đan |

Theo Trung tướng Trần Văn Độ, có một thực tế đang diễn ra hiện nay, đó là chưa có một cơ quan, địa phương nào tự mình phát hiện ra ở trong cơ quan, địa phương có tham nhũng.

Chưa cơ quan, địa phương nào tự phát hiện tham nhũng

Câu chuyện "hoàng hôn nhiệm kỳ" được đại biểu Lê Như Tiến đặt ra trước Quốc hội đã cho thấy những sự không êm ả vào thời điểm cuộc chạy đua nước rút để thực hiện những “chuyến tàu vét” cuối cùng trước khi “hạ cánh”.

Bên lề hành lang Quốc hội, trao đổi với chúng tôi, đại biểu QH, Trung tướng Trần Độ, nguyên Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương, nguyên Phó Chánh án TANDTC cho rằng, đúng là có thực trạng "hoàng hôn nhiệm kỳ" đã xảy ra trong bộ máy chúng ta.

"Có đại biểu nêu ra như vậy nhưng thực tế, chúng ta cũng chưa xử lý được ai cả. Suy luận, suy đoán đó là có cơ sở thực tiễn thôi nhưng là người làm công tác pháp luật về chuyện này, tôi rất khó nói", ông Độ bày tỏ.

Theo ông Độ, có một thực tế đang diễn ra hiện nay, đó là chưa có một cơ quan, địa phương nào tự mình phát hiện ra ở trong cơ quan, địa phương có tham nhũng.

"Trong khi đó, tham nhũng vẫn tràn lan còn phát hiện ra là nhờ vào báo chí, nhân dân, dư luận xã hội... lên tiếng đấu tranh.

Thực ra mà nói, có một số quan chức, cán bộ, khi thấy "hoàng hôn nhiệm kỳ" của mình sắp hết rồi thì thôi khỏi làm gì nữa, để cho những người ở nhiệm kỳ sau người ta làm.

Nhưng tệ hại hơn một số sắp nghỉ lại có những hành động vi phạm pháp luật, nào là bổ nhiệm một loạt cán bộ...

Ở đây, việc bổ nhiệm cán bộ có thể là vô tư nhưng nhiều như vậy thì người ta sẽ nhìn vào, người ta sẽ hỏi, tại sao khi anh làm cả quá trình thì không làm mà trước khi nghỉ lại ký một loạt bổ nhiệm. Chắc chắn phải có tiêu cực trong đó", ông Độ nêu ý kiến.

Ông Độ cũng nói thêm về thực trạng: "Rất nhiều trường hợp, lãnh đạo cấp cao nhất của một cơ quan sắp nghỉ nên muốn tổ chức thanh tra, kiểm tra nhưng cũng rất ngại ngùng. Chỉ có cấp trên dám thanh tra chứ còn trong nội bộ thì ai dám thanh tra, kiểm tra.

Một Bộ trưởng sắp nghỉ hưu mà bảo thanh tra Bộ thanh tra Bộ trưởng cái này, cái kia thì ai dám làm việc đấy. Các địa phương cũng thế thôi, cán bộ địa phương sắp nghỉ bảo thanh tra việc quản lý của lãnh đạo đấy thì rất khó.

Cho nên vai trò của báo chí, dư luận, nhân dân có tiếng nói cụ thể để tố cáo, phản ánh. Đó là cơ sở quan trọng".

Còn đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) cũng nhìn nhận, trong tất cả các ngành, các cấp, các địa phương đây đó có biểu hiện của tư duy nhiệm kỳ và cuối nhiệm kỳ.

Ông Lê Như Tiến.
Ông Lê Như Tiến.

"Không còn khí phách, không khí cường tráng, hăng hái, nhiệt huyết như thời kỳ đầu nhiệm kỳ, khi người ta có tuyên bố nhậm chức, với nhiều dự án, đề án lớn lao.

Cuối nhiệm kỳ có vẻ như người đã chạy con đường khá dài, khoảng 5 năm, uể oải, trễ nải và mệt mỏi hơn.

Tư duy ấy làm cho người ta không có ý chí để phấn đấu vào giai đoạn cuối, làm tốt hơn công việc để bàn giao cho người kế nhiệm thành quả tốt hơn...", ông Tiến bày tỏ.

Cần một Ủy ban chống tham nhũng

Trung tướng Độ cũng bày tỏ, những biện pháp điều tra đặc biệt trong dự thảo luật Hình sự sửa đổi sẽ là cơ sở pháp lý để tạo điều kiện cho hoạt động điều tra đối với tội phạm tham nhũng được tốt hơn.

"Tuy nhiên, muốn làm được tốt hơn đối với tội phạm tham nhũng là phải có quyết tâm chính trị, quyết tâm đấu tranh chống tham nhũng trên thực tế chứ không phải hô hào.

Có các thông tin về tham nhũng thì phải làm đến nơi, đến chốn chứ bây giờ, người dân, báo chí phản ánh đến mà cơ quan có thẩm quyền không tiến hành thanh tra, kiểm tra lại hỏi chứng cứ đâu thì người ta đâu còn niềm tin...

Tôi cho rằng cần sự quyết tâm của Đảng, đặc biệt, nếu cần thiết phải có một thiết chế Nhà nước đủ mạnh, đủ thẩm quyền phải làm điều đó", ông Độ nhấn mạnh.

Cũng theo ông Độ, sắp tới chúng ta sửa Luật phòng chống tham nhũng thì nên thành lập Ủy ban Quốc gia chống tham nhũng.

"Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng hiện nay mới chỉ là chỉ đạo còn cần một cơ quan đứng bên trên để có thể khởi tố, điều tra...

Nhiều nước đã làm rồi ví như Trung Quốc có Ủy ban kiểm tra, kỷ luật Trung ương, mặc dù là tổ chức Đảng nhưng có thiết chế giống với Nhà nước.

Nếu như hiện nay, một tỉnh có quan chức tham nhũng mà lại để tự tỉnh đó xử lý thì khó mà phải ở trung ương làm. Trước đây, chúng ta cũng có tự điều tra, Trung ương chỉ đạo xuống phải xử lý nhưng khó làm.

Ngoài thiết chế đủ mạnh thì cần có những con người có bàn tay sạch và sắc để quyết tâm đấu tranh, chống tham nhũng", ông Độ khẳng định.

Đại biểu Lê Như Tiến cũng cho hay, muốn "tư duy nhiệm kỳ", "hoàng hôn nhiệm kỳ" không còn đất tồn tại thì trước hết phải bỏ được tâm lý đó của người cán bộ, chọn được những người cán bộ có năng lực.

"Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm thì mới vượt qua được tâm lý thông thường. Dĩ nhiên thể chế, cơ chế, chính sách là quan trọng.

Ở Trung Quốc có một khái niệm là “nhốt quyền lực trong chiếc lồng chế độ”, tại sao là “chiếc lồng” mà không phải “chiếc hộp”, vì “chiếc lồng” thì người ngoài nhìn vào được.

Tuy nhiên, tôi cho rằng cái gốc vẫn là con người. Con người mà tư duy ngắn thì không giải quyết được việc lớn, chỉ lo mấy việc vụn vặt thôi đã hết ngày", ông Tiến nhấn mạnh thêm.

Ông Dương Trung Quốc
 
Lời cảnh báo của đại biểu Lê Như Tiến về "hoàng hôn nhiệm kỳ" là rất đúng, vì hiện tượng đó tồn tại rất lâu rồi, phải có biện pháp ngăn chặn và pháp luật phải có quy định. Ví dụ trước khi kết thúc nhiệm kỳ bao nhiêu thì không được ký bổ nhiệm nữa. Thứ hai, bổ nhiệm phải đúng luật. Bổ nhiệm một số lượng lớn hay đưa ra các biến thể của nó như là "hàm" cũng là một cách. Cuối cùng là để lại những gánh nặng cho Nhà nước, hậu quả rất khó giải quyết sau này về mặt tổ chức. Cái đó về mặt tổ chức người dân còn biết thì làm sao các nhà lãnh đạo, có trách nhiệm không biết. Nhưng tại sao lại cứ để dung túng, kéo dài?

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại