“Phá sóng” chỉ cần “đèn nháy”?
Vừa bước vào khu chợ Việt - Trung cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), chúng tôi được một người đàn ông tên Cường chào bán những mặt hàng “siêu hiện đại” như:
Ổ cắm làm công tơ điện chạy chậm, thuốc kích dục, máy nghe lén siêu vi, thiết bị “phá sóng” máy bắn tốc độ…
Chúng tôi ngỏ ý muốn mua thiết bị “phá sóng” máy bắn tốc độ, Cường cảnh giác: “Có mua ngay không? Nếu “OK” thì mới lấy hàng ra. Các chú áo xanh (cán bộ quản lý thị trường - PV) mà thấy là chết cả nút”.
Lấy lý do nhà có nhiều xe khách chạy tuyến đường dài và cần mua số lượng lớn, Cường mới gật đầu đồng ý cho xem hàng và dặn: “Các anh đứng yên ở đây, em đi lấy rồi về ngay. Ai hỏi thì đừng bảo là mua máy phá sóng nhé!”.
Dứt lời, Cường chạy xuyên qua mấy cửa hàng bán đồ công nghệ rồi rẽ vào đằng sau khu bán quần áo, lấy ra một đồ vật màu đen nhỏ bằng bao thuốc lá.
Chìa món đồ cho chúng tôi xem, Cường quảng cáo: “Bộ máy phá sóng máy bắn tốc độ gồm một hộp điều khiển và bốn cục cảm biến cùng các thiết bị phụ trợ đơn giản khác.
Phải lắp vào chỗ sạc điện thoại của xe thì mới hoạt động và vô hiệu hóa sóng phát ra từ máy bắn tốc độ của lực lượng CSGT.
Chỉ cần bật nút mở là máy hiện lên đèn đỏ kèm theo vận tốc đang chạy của xe. Nó có thể phát hiện máy bắn tốc độ của CSGT trong bán kính 1 km khi phát ra tiếng rè rè như sóng điện thoại gọi đến.
Càng đến gần khu vực có CSGT bắn tốc độ thì nhịp nháy đèn sẽ dồn dập và sẽ phát ra tiếng “bíp” nếu có sóng mạnh”.
Cường tư vấn thêm, ngoài ra, còn loại giống như con chuột máy vi tính kèm theo sợi dây điện lò xo. Một đầu cắm vào máy, đầu kia cắm vào bộ nạp điện xe ô tô, ngoài việc “phá sóng” còn có chức năng nghe radio, nhạc.
“Lắp máy này, xe cứ chạy vô tư mà không lo “dính đạn”, nếu bị kiểm tra thì cũng khó phát hiện vì đã được “ngụy trang”, Cường nói.
Cũng theo nhân viên bán hàng này, máy được xách từ Trung Quốc theo đường tiểu ngạch nên giá rẻ hơn nhiều so với thị trường ngoài.
“Loại máy 11 băng tần phá được sóng và làm cho màn hình của máy bắn tốc độ không hiện tốc độ của xe giá 3,2 triệu đồng.
Nếu lấy nhiều thì sẽ giảm giá mỗi chiếc còn 2,8 triệu đồng. Đặt bao nhiêu chiếc cũng có, cứ gọi điện là chuyển hàng khắp các tỉnh luôn”, Cường ra giá.
Anh Tùng, một lái xe tại cửa khẩu Tân Thanh cho biết: Trong giới lái xe ai cũng biết có thiết bị phá sóng máy bắn tốc độ của CSGT nhưng không phải loại nào cũng có tác dụng.
Nghe nói, loại máy dò phá sóng “xịn” của châu Âu thì phải mất 600 USD và khả năng “qua mặt” CSGT rất cao. Còn máy phá sóng rao bán tại chợ cửa khẩu Tân Thanh được nhập lậu từ Trung Quốc, chất lượng khó kiểm chứng.
Bán nhưng chưa ai mua dùng?
Trao đổi PV Báo Giao thông, đại diện lãnh đạo đội CSGT tại Lạng Sơn, Bắc Giang cho biết, mỗi ngày các đơn vị vẫn xử lý từ 10 thậm chí 20 trường hợp xe ô tô vi phạm về tốc độ.
Tuy nhiên, trong quá trình tuần tra kiểm soát và xử lý chưa từng phát hiện phương tiện nào sử dụng cái gọi là “máy phá sóng” máy bắn tốc độ của CSGT nói trên.
Trong tháng 10, Phòng CSGT tỉnh Lạng Sơn đã xử lý 345 trường hợp vi phạm tốc độ. Trong đó, 21 trường hợp là xe khách; 158 xe tải; 28 xe con; 158 xe mô tô, đều trên cơ sở dữ liệu từ máy bắn tốc độ của CSGT. “Không có trường hợp vi phạm nào mà máy không thu nhận được dữ liệu”, đại diện Phòng CSGT Lạng Sơn khẳng định.
Trung tá Phạm Văn Sự (Phó phòng CSGT tỉnh Lạng Sơn) cho biết, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn chưa xuất hiện trường hợp nào sử dụng thiết bị “phá sóng” máy bắn tốc độ của CSGT. Nếu có thì sẽ rất nguy hiểm, nhất là trong thời điểm cả nước đang tập trung kéo giảm tỷ lệ TNGT.
“Hầu hết các thiết bị này không được phép lưu hành và có thể làm tăng lỗi vi phạm khi bị xử lý”, ông Sự nói và cho biết thêm, camera bắn tốc độ là thiết bị hiện đại không dễ gì “qua mặt” được, chưa kể đến lực lượng CSGT thường xuyên chốt trực trên các tuyến đường.
Tuy nhiên, Phòng CSGT Lạng Sơn cũng sẽ rà soát lại, nếu có dấu hiệu nhiều phương tiện liên tục vi phạm về tốc độ mà vẫn lọt qua sự kiểm soát của lực lượng CSGT, cơ quan này sẽ có biện pháp ngăn ngừa và xử lý kịp thời.
“Trong trường hợp nếu phát hiện xe có lắp thiết bị “phá sóng” thì sẽ có hướng giải quyết nghiêm khắc hơn”, Trung tá Sự nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa (Chi cục trưởng Chi cục QLTT Lạng Sơn) cũng cho hay, cơ quan này cũng sẽ kiểm tra và xử lý nghiêm khắc trường hợp lén lút bán “máy phá sóng” máy bắn tốc độ vì đây là loại hàng cấm bán.
“Khách du lịch đến cửa khẩu không nên mua những loại sản phẩm vi phạm pháp luật, không rõ nguồn gốc và không bảo đảm chất lượng”, ông Nghĩa khuyến cáo.