Từ vụ cháy Zone 9: Những sai lầm “chết người” khi thoát hiểm

Yến Dương |

(Soha.vn) - Nhiều vụ cháy dù không lớn nhưng thiệt hại nặng nề do nạn nhân thiếu kỹ năng thoát hiểm.

Đang cháy lại chạy vào trong

Vụ hỏa hoạn xảy ra tại khu giải trí Zone 9 ở số 9 Trần Thánh Tông (phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) vào chiều 19/11 đã làm 6 người (4 nam, 2 nữ). 10 cảnh sát chữa cháy bị thương phải nhập viện. Nguyên nhân ban đầu của vụ cháy xuất phát từ việc công nhân hàn cắt kim loại khi sửa chữa công trình làm tia lửa hàn bắn vào các vật liệu dễ bắt lửa gây cháy lớn. Hai tiếng sau đó, đám cháy mới được dập tắt.

Ở đây, mức độ đám cháy không quá lớn nhưng thiệt hại về người lại khiến nhiều người giật mình. Thêm vào đó, do Zone 9 ở gần Phòng cảnh sát Phòng cháy - Chữa cháy (PCCC) quận Hoàn Kiếm nên đội cứu hộ đã có mặt sau 7 phút thế nhưng những thương vong xảy ra là vô cùng đáng tiếc.

Ngoài lỗi về bất cẩn của công nhân trong quá trình hàn cắt kim loại, không thể không nói đến những phản ứng chưa kịp thời của người bị nạn trong đám cháy.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Nghi, Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội cũng đã chia sẻ trên Vietnamnet: “Tai nạn và thương vong xảy ra là do thiếu hiểu biết. Đám cháy này không lớn, khi đó, nếu những người công nhân chạy thoát thân ra ngoài thì có thể họ chỉ bị bỏng chứ không thiệt mạng. Đằng này họ lại chạy ngược vào bên trong".

Còn nhớ, đầu năm 2013, một vụ cháy xảy ra tại căn nhà 4 tầng trên đường Nguyễn Cư Trinh (Q1, TP.HCM). Khi ngọn lửa bùng lên tầng 3, cả gia đình đang ăn cơm tại tầng trệt. Bà Hồ Mộng Điệp (55 tuổi) chạy lên tầng 2 lấy giấy tờ thì bị ngạt khỏi và tử vong.

Như vậy, khi có cháy, cần nhận định “gốc lửa” đang bùng cháy từ dưới lên hay từ trên xuống, rồi tìm cách thoát theo hướng ngược lại.


	Hiện trường vụ cháy Zone 9

Hiện trường vụ cháy Zone 9

Lửa bén vào người vẫn cố khóa van xăng

17 giờ ngày 16/9, tại  cây xăng của doanh nghiệp tư nhân Trần Quang Tuyến thuộc công ty cổ phần nhiên liệu Sài Gòn ở địa chỉ B1/7 Nguyễn Hữa Trí, (thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, TP.HCM) xảy ra vụ cháy cây xăng bất ngờ khiến người tài xế Trần Thanh Long bén lửa. Có thể do mất bình tĩnh, không kịp suy xét nên dù thay vì dập tắt ngọn lửa trên người mình đầu tiên để ngăn ngừa lửa bén sang khu vực cấp nhiên liệu thì tài xế vẫn cố gắng dùng tay khóa van xăng trên xe bồn. Việc này khiến ngọn lửa bén sang xe bồn và cũng bốc cháy dữ dội.

Theo hướng dẫn của Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và đào tạo huấn luyện phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ (Sở Cảnh sát PCCC TP.Hà Nội), khi cháy, nếu phải băng qua lửa để tới điểm an toàn hơn hoặc phải ứng cứu người thân mắc kẹt, hãy làm ướt quần áo, dùng chăn, áo chất liệu cotton nhúng nước trùm lên đầu. Khi di chuyển trong phòng, hành lang có nhiều khói, hãy bò thấp hoặc đi khom người vì nồng độ oxy phía dưới nhiều hơn.

Tìm đến thang máy để thoát hiểm

Trong các vụ cháy nhà cao tầng, một sai lầm mà nhiều người mắc phải đó là tìm đến thang máy để thoát hiểm. Điều này hoàn toàn sai lầm bởi khi có hỏa hoạn, điện ngắt, thang máy ngừng vận hành, nạn nhân sẽ bị mắc kẹt trong đó.

Nên thoát nạn theo đường thang bộ, nơi có đèn tín hiệu ghi “Exit - Lối ra”. Trước khi mở cửa thoát khỏi căn hộ, hãy kiểm tra nhiệt độ bằng cách huơ lòng bàn tay (sau đó là sờ tay) lên bề mặt cửa hoặc tay nắm. Nếu thấy an toàn, không có nguồn nhiệt mới mở cửa thoát. Khi mở nên tránh mặt, người sang một bên đề phòng lửa táp gây bỏng hô hấp. Nhiệt độ bên ngoài quá cao, tuyệt đối không nên mở cửa.

Không biết hạn chết hít khói ngạt

Những người bị nạn thường chạy tán loạn tìm đường và không biết tránh luồng khói dày đặc từ đám cháy. Việc hít quá nhiều khói gây ngạt nhanh hơn.

Người bị nạn phải cố gắng hít khói càng ít càng tốt. Dùng miếng vải, mền, bất cứ thứ gì có thể, làm ướt nó và đặt nó trên mũi và miệng bạn để bảo vệ chúng khi bạn trườn qua đám lửa.

Một số cách thoát hiểm chung

Suốt thời gian vừa qua, liên tiếp các vụ cháy xảy ra với thiệt hại nặng nề cả người và của. Theo hướng dẫn của Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và đào tạo huấn luyện phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ (sở Cảnh sát PCCC TP.Hà Nội), khi phát hiện có hỏa hoạn, người dân sử dụng phương tiện sẵn có để dập lửa, gọi 114 báo cháy.

Trường hợp không thể thoát ra ngoài bằng cửa chính, hãy đóng chặt lại. Nếu khói lùa vào phòng qua khe cửa, hãy dùng giẻ ướt chèn chặt và di chuyển sang phòng khác hoặc ban công, cửa sổ thoáng khí và gọi to, dùng quần áo sáng màu vẫy ra hiệu cho người bên dưới biết để ứng cứu.

Nếu có dây cứu nạn hay thang dây hãy dùng nó để thoát thân; trường hợp không có hãy tận dụng các sợi dây đủ chắc có sẵn trong nhà để tụt xuống phía dưới. Lưu ý, đôi khi tấm rèm ga xé dọc hay quần áo gió buộc lại cũng là “sợi dây” thoát nạn lý tưởng. Người dân cần chú ý, mặc nhiều áo và cuốn nhiều giẻ vào tay trước khi tụt dây.

Trong mọi tình huống, người dân không thoát nạn bằng cách nhảy xuống từ tầng cao. Trường hợp khẩn cấp, chỉ nhảy khi có đệm không khí và lưới cứu nạn của lực lượng PCCC căng phía dưới, và được lực lượng chức năng chỉ dẫn thoát nạn.

Ngoài ra, khi có dấu hiệu hỏa hoạn khói, mùi khét, hoặc chuông báo cháy, nếu có, lập tức lấy một cái chăn trùm người để dễ dàng di chuyển tránh ngọn lửa. Khi bị kẹt, cố gắng đến được chỗ mà lực lượng cứu hỏa và cấp cứu có thể nghe hoặc thấy bạn sau đó lấy vật dụng nào màu trắng đặt ở vị trí dễ thu hút sự chú ý.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags

zone9

Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại