Nhiều nạn nhân chết vì khói độc trong đám cháy
Trong một số vụ cháy nổ khiến dư luận bàng hoàng trong thời gian gần đây như vụ nổ xảy ra lúc hơn 7h00 sáng ngày 12/10/2013 tại nhà máy Z4 thuộc Công ty Z121 của Bộ Quốc Phòng trên địa bàn 2 xã Khải Xuân và Võ Lao, huyện Thanh Ba, Phú Thọ khiến nhiều người thương vong. Trong số đó cũng đã có hàng chục người thiệt mạng được xác định do bị ngạt khói độc khi đang làm việc tại nơi xảy ra vụ cháy nổ thậm chí nạn nhân là những nông dân làm đồng gần nhà máy này.
Rất nhiều xe cứu thương đã được huy động trong vụ cháy nổ khủng khiếp tại Phú Thọ. (Ảnh: Báo Phú Thọ)
Hay mới đây nhất là vụ cháy tại một quán bar đang sửa chữa trong khu Hợp tác xã Zone (số 9 Trần Thánh Tông, Hà Nội) vào khoảng 14h ngày 19/11 khiến 6 công nhân thiệt mạng. Thương tâm nhất là trong số đó có hai cặp vợ chồng làm thuê trong công trình bị chết ngạt vì khói.
Nguyên nhân các nạn nhân tử nạn được cơ quan chức năng xác định là do hít phải khí độc hại khiến toàn thân bủn rủn không đủ sức để chạy thoát ra ngoài. 6 chiến sĩ phòng cháy chữa cháy khi vào cứu hộ không đeo mặt nạ cũng bị gục ngã và được đưa đi cấp cứu.
Để xảy ra hậu quả đáng tiếc trên là do khi có cháy, nạn nhân hoảng loạn và khu vực Zone 9 rất kín, các nạn nhân làm việc ở phía sâu bên trong không phát hiện ra cháy nên nạn nhân khó thoát. Thêm vào đó, họ cũng không được trang bị kiến thức về phòng cháy, chữa cháy, thoát hiểm ra sao.
Người dân lập tức tham gia dập lửa, đám cháy không kéo dài tuy nhiên lại có những con số thiệt hại đau lòng về người.
Một vụ việc thương tâm khác xảy ra vào rạng sáng ngày 17/9/2013 đã xảy ra vụ cháy tại nhà dân số 15/12 đường số 7, phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, TP.HCM. Đám cháy xuất phát từ chiếc xe SH để trong nhà, mặc dù được lực lượng công an phường và người dân nhanh chóng dập tắt nhưng lượng khói sinh ra đã làm chết ngạt 2 cháu bé.
Từ những vụ việc trên có thể kết luận: Trong các đám cháy, hít phải khói, khí độc là nguyên nhân chính gây chết người và có sức công phá lớn hơn nhiều lần so với đám cháy. Nó có thể khiến hàng chục người tử vong khi làm đồng cách vụ cháy nổ 1 khoảng cách không quá gần, khiến 6 công nhân tử nạn dù đám cháy được dập tắt ngay sau đó hay vụ cháy tại nhà số 247 đường Xóm Chiếu (P.15 Q.4 TP.HCM) khiến một nữ sinh phòng bên cạnh chết ngạt...
Nạn nhân thường chết ngạt trước khi bị ngọn lửa thiêu cháy
Trả lời Infonet, bác sĩ Hoàng Bùi Hải – Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết khi xảy ra cháy các nạn nhân có thể bị ngạt khói trước khi bị bỏng nặng. Các loại khí độc sinh ra trong đám cháy như cacbon monoxit (CO), hydro cyanua (HCN) làm nạn nhân bị ngạt, hít phải lượng lớn có thể bị ngộ độc dẫn đến tử vong.
Khi hít phải khói, con người sẽ bị thiếu ôxy, dẫn đến thở nhanh, gấp, lâu dần yếu đi. Cùng đó, một lượng lớn ôxít cacbon sinh ra từ những vật liệu cháy xâm nhập và tạo áp lực lớn trong đường hô hấp, gây bỏng đường hô hấp. Nặng hơn, ngạt khói có thể gây co giật, bất tỉnh.
Những nạn nhân trong vụ cháy tại Zone 9 được đưa ra ngoài trong tình trạng bất tỉnh vì ngạt khói.
Theo tác dụng hóa sinh trong cơ thể, khi đi vào trong cơ thể, khí CO cạnh tranh với Oxy để kết hợp với hemoglobin trong máu tạo thành cacboxy hemoglobin (HbCO). Chất này sinh ra ngăn chặn khả năng giải phóng oxy trong tế bào, làm giảm khả năng vận chuyển oxy của máu, dẫn đến tình trạng thiếu oxy.
Ngoài ra, khói trong đám cháy gây cản trở tầm nhìn, gây kích ứng mắt làm nạn nhân mất phương hướng rất khó khăn cho việc thoát nạn và công tác cứu người bị nạn tại các đám cháy. Vì vậy, các chiến sỹ cứu hộ cứu nạn khi tham gia cứu người cần được trang bị đầy đủ các phương tiện chống nóng, chống khói, khí độc để đảm bảo an toàn tính mạng trong đám cháy.