Theo Nghị định 47/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 82/2011 quy định về thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc vừa được Chính phủ ban hành, thuốc được sử dụng cho thi hành án tử hình sẽ gồm 3 loại: thuốc làm mất trí giác, thuốc làm tê liệt hệ vận động và thuốc làm ngừng hoạt động của tim. Khi tiến hành các thủ tục thi hành án, mỗi tử tù sẽ được tiêm đủ 1 liều gồm 3 loại thuốc này. Nghị định mới có hiệu lực từ ngày 27-6 tới.
Ngoài ra, theo Nghị định 47 việc bàn giao thuốc phải được lập biên bản giao, nhận; niêm phong, quản lý chặt chẽ theo quy định của pháp luật.
Như vậy, điểm thay đổi lớn nhất của Nghị định 47 so với Nghị định 82 trước đây là việc không còn nêu rõ tên các loại thuốc dùng trong thi hành án. Theo Nghị định 82, thuốc tiêm dùng để sử dụng cho thi hành án tử hình bao gồm: Thuốc gây mê (Sodium thiopental); thuốc dùng để làm liệt hệ thần kinh và cơ bắp (Pancuronium bromide); thuốc dùng để ngừng hoạt động của tim (Potassium chloride).
Tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hồi tháng 1-2013, lãnh đạo Bộ Công an cho biết việc thi hành án tử hình bị trì hoãn, không thể thực hiện được một phần do không nhập được thuốc từ nước ngoài. Các nước đang sản xuất 3 loại thuốc trên đã từ chối cung cấp cho thị trường Việt Nam khi biết một trong những mục đích là thi hành án tử hình - vi phạm nguyên tắc nhân đạo và xu hướng bỏ hình phạt này.
Theo Nghị định 47, Bộ Y tế có trách nhiệm bảo đảm nguồn cung ứng thuốc để sử dụng cho thi hành án tử hình theo kế hoạch dự trù thuốc hàng năm của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng; hướng dẫn bảo quản, sử dụng các loại thuốc sử dụng cho thi hành án tử hình. Đồng thời chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng ban hành danh mục, liều lượng thuốc để sử dụng cho thi hành án tử hình.
Theo thống kê của Bộ Công an, hiện còn hơn 530 người bị kết án tử hình chờ thi hành án. 5 nhà thi hành án được xây dựng, lắp đặt thiết bị tại trại giam thuộc Công an TP Hà Nội, TPHCM, Sơn La, Nghệ An, Đắk Lắk đã cơ bản hoàn thiện và sẵn sàng đi vào hoạt động.