Từ điển sai: “Quá kinh khủng! Xúc phạm những người biên soạn”

Kim Ngân |

Hàng loạt từ điển sai vẫn tràn ngập trên thị trường, những người biên soạn bất bình, cảm thấy bị xúc phạm.

Giải thích tùy tiện, phản cảm

Trong bài trước chúng tôi phản ánh về việc giải thích nghĩa các cụm từ “nữ tặc”, “nữ công”, “nữ hoàng”… chưa chuẩn xác trong một số cuốn từ điển tiếng Việt.

Cụ thể, “nữ tặc” được định nghĩa là “ăn cướp đàn bà”; “nữ chúa”: đàn bà làm chúa; “nữ công”: thợ đàn bà, công nghệ đàn bà; “nữ hoàng”: vua đàn bà….

Theo PGS.TS Phạm Hùng Việt - Nguyên Viện trưởng Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam, cách dùng từ “đàn bà” trong cách giải nghĩa ở trên vốn có mặt trong những cuốn từ điển cách đây đến hơn nửa thế kỉ.

Nếu 60 -70 năm về trước thì có thể chấp nhận được. Nhưng ngày nay sử dụng như vậy mang sắc thái không trang trọng, không phù hợp.

Hơn nữa, theo nguyên tắc việc giải thích nghĩa của cụm từ như vậy là chưa chuẩn xác.

“Với một công cụ tra cứu, việc giải thích như vậy là quá đơn giản, định nghĩa quá sơ đẳng và không lột tả được nghĩa của từ.

Ở đây, các cụm từ “nữ công”, “nữ tặc”, “nữ quyền”, “nữ hạnh”…lại dùng từ đồng nghĩa để giải thích thì “có cũng như không”.

Theo quy tắc, người biên soạn từ điển phải phân tích, giải thích ý nghĩa của từ ngữ, nêu được các đặc tính riêng của từ ngữ, phân biệt được nghĩa của từ ngữ đó với nghĩa của các từ ngữ khác”, ông Việt nói thêm.

PGS.TS Phạm Hùng Việt - Nguyên Viện trưởng Viện Từ đi.n học và Bách khoa thư Việt Nam

PGS.TS Phạm Hùng Việt - Nguyên Viện trưởng Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam.

Theo Tiến sỹ Ngữ văn Trịnh Thu Tuyết – GV Văn Trường THPT Chu Văn An, cách lý giải ở trên vì muốn tránh từ " phụ nữ, nữ" nên thay thế hầu hết bằng từ " đàn bà".

Chính vì thế dẫn đến cảm giác khiên cưỡng, nhiều khi phản cảm.

Ví dụ: nữ hạnh là đức hạnh của đàn bà; nữ quyền: quyền của đàn bà; nữ sắc: sắc đẹp của đàn bà; nữ tài tử: tài tử đàn bà; nữ tiến sĩ: tiến sĩ đàn bà...

Bên cạnh đó, một số từ giải thích chưa thật chính xác. Ví dụ: "nữ tặc là cướp đàn bà" - là cách giải thích chưa bao hàm đủ các nét nghĩa, vì không cần đi làm kẻ cướp, một số người phụ nữ ghê gớm, đáo để vẫn có thể bị coi là nữ tặc.

Hoặc từ "nữ công" giải thích là thợ đàn bà...hoàn toàn không đúng (cách giải thích của Từ điển tiếng Việt, Nguyễn Dương Chi, NXB Đồng Nai, 2001 thì nữ công là công việc nội trợ của phụ nữ nói chung).

Từ "nữ huấn" giải thích là việc huấn dục đàn bà là chưa chính xác bởi đó là lời răn dạy với phụ nữ thời trước.

Từ  "nữ giới" chưa định nghĩa là giới đàn bà cũng chưa thật đủ nghĩa, phải là " đàn bà con gái nói chung, phân biệt với nam giới" (Đại từ điển tiếng Việt- Nguyễn Như Ý - NXB Văn hoá thông tin)...

Hoặc có trường hợp lỗi giải thích xuất phát từ những kết hợp từ tuỳ tiện, ví dụ "nữ tử tế" là tử tế đàn bà".

Xúc phạm người làm từ điển!

Điều đáng nói là sự giải thích này giống nhau ở nhiều cuốn từ điển đang bán trên thị trường hiện nay.

Bày tỏ ý kiến về hiện tượng này, PGS.TS Phạm Hùng Việt cho biết, một số nhà xuất bản “giả danh”, nhái theo tên cơ quan uy tín (chẳng hạn: ngoài bìa từ điển đề: Khoa học - Xã hội – Nhân văn, Viện Ngôn ngữ …)  để kinh doanh kiếm lợi nhuận.

Những cuốn từ điển kiểu này, mặc dù được in ấn đẹp mắt nhưng chất lượng lại không đảm bảo. Các “tác giả” đi cóp nhặt, xào nấu, chắp vá các nội dung từ những cuốn từ điển cũ khác.

“Danh không chính thì ngôn chẳng thuận. Một số cuốn từ điển tiếng Việt được in mới gần đây nhưng nội dung lại rất cũ, không thay đổi gì”, ông Việt bức xúc.

“Tôi luôn day dứt về một nghịch lí, đó là bất chấp những âm mưu đồng hoá của mọi kẻ thù trong hàng ngàn năm Bắc thuộc, hàng trăm năm Pháp thuộc và bao nhiêu cuộc chiến tranh, tiếng Việt vẫn tồn tại, phát triển, đẹp đẽ, trong sáng.

Vậy mà giờ đây, tiếng Việt của chúng ta đang bị xói mòn từ những cuốn Từ điển mang giá trị chuẩn mực cho đến thực tế sử dụng ngôn ngữ hàng ngày”, TS Trịnh Thu Tuyết nói.

Còn TS Ngữ văn Trịnh Thu Tuyết nhấn mạnh: “Cần có một chế tài thẩm định nghiêm túc với từ điển - những chiếc máy cái về ngôn từ để giúp làm trong sáng tiếng Việt của chúng ta”.

Không chỉ dừng lại ở việc giải thích thiếu chính xác, không rõ nghĩa, ở nhiều cuốn từ điển hiện nay còn đưa ra cách giải thích ngây ngô thậm chí làm sai lệch nghĩa của từ mà  báo chí gần đây đã từng phản ánh.

Đó là cuốn "Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh" của tác giả Vũ Chất do NXB Hồng Đức và NXB Trẻ phát hành.

Nhắc đến điều này, PGS.TS Phạm Hùng Việt nói: “Quá kinh khủng! Khi đọc những định nghĩa ấy tôi cảm thấy rất bất bình, bởi từ điển là công cụ tra cứu cho học sinh, sinh viên mà lại đưa ra các định nghĩa sai như thế thì rất có hại cho người sử dụng.

 Đối với những người biên soạn từ điển thì đó là sự xúc phạm!”.

Những cuốn từ điển được phát hiện sai không phải là hiếm trên thị trường hiện nay.
Những cuốn từ điển được phát hiện sai không phải là hiếm trên thị trường hiện nay.

Ông Việt cũng cho biết, hiện nay, phòng từ điển Ngữ văn của Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam (vốn là phòng Từ điển học của Viện Ngôn ngữ học chuyển sang) có gần 10 người biên soạn từ điển và một đội ngũ đông đảo các cộng tác viên .

Và công việc biên tập từ điển không phải dễ dàng, một sớm một chiều.

Nói rồi, ông đưa cho tôi xem cuốn từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học gồm gần 40 nghìn mục từ…tập thể biên soạn mất 18 năm làm tư liệu đến in ấn.

Video PGS.TS Phạm Hùng Việt nói về lỗi sai của từ điển:

 

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại