Không thể tin nổi khi "chúa rừng là con cọp, nhà nho là thi sĩ"

Thiên Di |

Ở vài cuốn từ điển tiếng Việt, “nữ tặc” được giải thích là “ăn cướp đàn bà”; “nữ công” là thợ đàn bà, "chúa rừng" là con cọp; "nhà vua" là vua; "nhà nho" là thi sĩ….

Cách giải thích ngô nghê, thiếu chính xác

Đó là cách giải thích nghĩa mà chúng tôi trích từ cuốn "Từ điển tiếng Việt" dành cho học sinh tiểu học của Nhà xuất bản Từ điển Bách khoa (Khoảng 150.000 từ), in và nộp lưu chiểu năm 2011.

Điều đáng nói là tất cả những từ bắt đầu bằng từ “nữ” như nữ luật sư, nữ hộ lý, nữ anh hùng, nữ thần, nữ họa sỹ…đều được giải thích bằng từ “đàn bà”.

Đặc biệt, đây không chỉ là cách giải nghĩa của một người biên soạn của NXB Từ điển Bách khoa, mà ở một số cuốn từ điển khác chúng tôi tìm được đều có cách giải nghĩa giống nhau đến kỳ lạ.

Cụ thể, trong cuốn "Từ điển tiếng Việt (dành cho Học sinh, Sinh viên) của Nhà xuất bản Thanh niên có cách giải nghĩa như sau:

Nữ giới được giải thích là giới đàn bà; nữ công: thợ đàn bà, công nghệ của đàn bà; nữ hạnh: đức hạnh của đàn bà; nữ quyền: quyền của đàn bà; nữ sắc: sắc đẹp của đàn bà; nữ tài tử: tài tử đàn bà; nữ tiến sĩ: tiến sĩ đàn bà; nữ tính: tính đàn bà…

Nữ tử tế: tử tế đàn bà; nữ tướng: đàn bà làm tướng; nữ thạc sỹ: thạc sỹ đàn bà; nữ sĩ: đàn bà viết văn thơ; nữ phi công: phi công đàn bà; nữ nhi: đàn bà, con gái; nữ luật gia: luật gia đàn bà…

Chúng tôi tiếp tục tìm đến cuốn "Từ điển tiếng Việt" của Nhà Xuất bản Văn hóa – Thông tin (in năm 2012) của tác giả Trần Mạnh Tường thì thấy cách giải thích nghĩa không khác là mấy, ngoài ra còn có những từ khác như:

Nữ học viên: học viên đàn bà; nữ học giả: học giả đàn bà; nữ chúa: đàn bà làm chúa; nữ cán bộ: cán bộ đàn bà; nữ đảng viên: đảng viên đàn bà; nữ thủ lãnh: thủ lãnh đàn bà…

Những cuốn từ điển khác có cách lý giải giống nhau?

Những cuốn từ điển khác có cách lý giải giống nhau.

Liên hệ với PGS.TS Phạm Văn Tình (Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam – Phó Tổng Biên tập Tạp chí Từ điển học và Bách khoa thư), ông lập tức mở từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học để đối chiếu.

Ông Tình cho biết, “Nữ giới” được giải thích là những người thuộc về giới có thể đẻ con (nói tổng quát); phân biệt với nam giới. Nữ công là công việc nội trợ của phụ nữ như may vá, thêu thùa, nấu nướng.

Theo ông, việc lý giải như những cuốn từ điển trên không đúng tinh thần, quy trình giải thích của từ điển. Nếu nói nữ giới là giới đàn bà thì khó hình dung, độc giả tiếp tục phải tra nghĩa từ “đàn bà”.

Rõ ràng, việc giải thích như vậy không thoát nghĩa. Dùng từ “đàn bà” ở đây tạo ấn tượng không hay lắm, không phải có nghĩa miệt thị nhưng chưa phù hợp.

Không dùng từ “đàn bà” mà có thể thay từ “phụ nữ” phù hợp, trung hòa hơn”- ông Tình nhấn mạnh.

Chúng ta nên có một nhà xuất bản từ điển?

PGS.TS Phạm Văn Tình cho rằng, nguyên tắc giải thích trong từ điển tiếng Việt phải dùng sự vật khác giải thích khái quát đến cụ thể, nêu đặc trưng của sự vật này.

Đặc biệt là từ điển dành cho học sinh cần giải thích cụ thể, dễ hiểu hơn.

Ví dụ, định nghĩa gà là loại gia cầm có hai chân, thường lấy thịt và đẻ trứng, có mỏ cứng nhọn, bay kém và con trống biết gáy để phân biệt với vịt, ngan…

Những cuốn từ điển này liệu có được kiểm định, quản lý chặt?

Hiện nay rất nhiều cuốn từ điển được bày bán trên thị trường.

Hiện nay, rất nhiều cuốn từ điển xuất hiện trên thị trường khiến nhiều người lúng túng, các bậc phụ huynh lo lắng về độ chính xác của những cuốn từ điển ở các hiệu sách.

Đặc biệt là sau sự việc những lỗi giải thích ngây ngô, khó hiểu, thậm chí là không đúng sự thật trong cuốn "Từ điển tiếng Việt" dành cho học sinh của tác giả Vũ Chất gây xôn xao dư luận suốt một thời gian.

Về điều này, PGS.TS Phạm Văn Tình nhấn mạnh: “Ở một vài nước có quy định chỉ một vài nhà xuất bản được in những cuốn công cụ tra cứu, thậm chí là có nhà xuất bản chuyên in từ điển.

Ví dụ bên Nga, chỉ có duy nhất NXB Từ điển Bách khoa có quyền in ấn "Từ điển Bách khoa". Nhưng ở Việt Nam, nhiều nhà in sách, nên dẫn tới sản phẩm ra thị trường không đạt yêu cầu về mặt chuyên môn”.

Lý giải sự giống nhau đến kỳ lạ ở hàng loạt từ trong nhiều cuốn từ điển, PGS.TS Phạm Văn Tình nói thêm: “Hiện tượng sao chép thì nhiều, xảy ra thường xuyên, nhưng cũng khó phát hiện, thậm chí có cuốn chép hoàn toàn.

Để hạn chế thì cơ quan chức năng, chuyên môn cần phối hợp với nhau kiểm định, quản lý chất lượng, để không xảy ra tình trạng nhiều cuốn sách không đạt sẽ “lọt lưới”, ảnh hưởng đến bạn đọc".

Ông nói thêm rằng, biên soạn từ điển là một nghề và không phải ai cũng có thể làm được. Họ phải là người biên soạn tốt, có cách thức làm và có trang bị tối thiểu về tri thức, từ điển học, tài liệu.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài việc sử dụng từ “đàn bà” để giải thích hàng loạt từ liên quan đến “nữ”, cuốn "Từ điển tiếng Việt" trên thị trường còn giải thích chung chung, mổ xẻ nôm na hoặc dịch từ sang từ cắt nghĩa cũng như không.

Ví dụ: cào cấu được giải thích cào và cấu; chú bác là nói chung chú bác; chúa rừng là con cọp; nhà sư là sư; nhà vua là vua; nhà nho là thi sĩ….

Điều này khiến dư luận hoang mang, lo lắng về sự chính xác của một số cuốn từ điển tiếng Việt trên thị trường.

Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu đưa thông tin đến độc giả!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại