TS Khải: "Dùng tia đất tìm xác chị Huyền chỉ là trò... bịp bợm"

Duy Châu |

(Soha.vn) - TS Khải cho rằng, cả ở Việt Nam và trên thế giới chưa có lần nào nói đến khái niệm "tia đất" nên việc áp dụng tia đất vào tìm thi thể chị Huyền chỉ là trò "bịp bợm"?

"Thực tế, tôi đã theo dõi tất cả các sách giáo khoa từ bậc tiểu học, trung học, đại học của Việt Nam và cả trên thế giới chưa bao giờ nhắc đến, hay có nghiên cứu nào nói tia đất là cái gì cả.

Cá nhân tôi đã làm đầu thu các tia hồng ngoại, hồng ngoại xa, hồng ngoại gần, các tia ánh sáng nhìn thấy, các tia tử ngoại, sau đó đến các tia X, tia Gamma và chùm tia Alpha nhưng tôi chưa thấy tia nào được gọi là "tia đất" cả.

Cũng cần nói thêm, nếu trong đất có các chất phóng xạ thì đúng là phát xạ nhưng ta gọi đó là tia phóng xạ, đất nóng thì nó phóng xạ nhiệt...

Còn tia đất có lẽ chỉ được nhắc đến nhiều ở Việt Nam do một số nhà khoa học tự tưởng tượng ra mà không biết bản chất loại tia đó là cái gì. Chính vì thế, cái máy mà các nhà khoa học đó dùng để đo tia đất cũng chỉ là "máy tưởng tượng" mà không biết nguyên lý, bản chất hoạt động của nó là gì cả.

Như thế, việc đưa cái chưa được nhắc tới bao giờ vào việc tìm kiếm thi thể nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền thì tôi cho rằng, đó là điều không nên làm chút nào...", "ông già Ozon" Nguyễn Văn Khải bày tỏ quan điểm của mình trước việc TS Vũ Văn Bằng sử dụng máy bức xạ từ thứ cấp được giới thiệu dùng đo tia đất để tham gia giúp tìm kiếm thi thể chị Huyền trong thời gian vừa qua.

TS Khải tiến hành một số thí nghiệm nhằm bóc mẽ chiếc máy mà TS Bằng khẳng định có khả năng tìm thấy hài cốt người.

TS Khải tiến hành một số thí nghiệm bóc mẽ chiếc máy mà TS Bằng khẳng định có khả năng tìm thấy hài cốt người.

"Ông già Ozon" Nguyễn Văn Khải cũng nhấn mạnh: "Ở đây, chỉ cần có một chút kiến thức về Vật lý ngay ở cấp 2 thôi thì cũng đã có thể biết được rằng tất cả những vật có nhiệt độ cao hơn -273 độ C thì đều có bức xạ phát ra, chỉ là nó nhiều hay ít mà thôi. Chính vì thế mới có máy đo hồng ngoại.

Thêm vào đó, ngày trước người ta định vị bằng sóng điện từ - radar, sau đó người ta định vị bằng hồng ngoại nhưng cũng không phân biệt được đó là người hay động vật.

Trong việc tìm kiếm thi thể của chị Huyền trên sông Hồng, ông Bằng và các nhà khoa học sử dụng máy định vị bằng tia đất, tia từ thì thực sự, cá nhân tôi chả hiểu đó là cái máy gì và đâu là cơ sở khoa học để tin vào những máy đó. Việc áp dụng một thứ chưa từng được kiểm chứng, không biết rõ bản chất, nguyên lý hoạt động của máy vào tìm kiếm hài cốt như vậy thì chẳng khác nào một trò bịp bợm cả".

Không những vậy, "ông già Ozon" cũng đặt ra câu hỏi: "Thực tế như chúng ta đã biết, trong lịch sử ngành Vật lý của nhân loại, những nhà khoa học sau khi khám phá ra các tia mới tồn tại trong trái đất như Gamma, Rơnghen,... đều đã được nhận giải Nobel danh giá. Vậy, ở đây ông Bằng nói là đã khám phá ra loại "tia đất" hoàn toàn mới như vậy, tại sao lại không tổ chức công bố rộng rãi trên toàn thế giới để được đề cử nhận giải Nobel đầy danh giá hay chí ít cũng là giải thưởng, bằng khen của Việt Nam?

Và thêm nữa, nếu đúng là có chiếc máy thần kỳ đến như vậy thì là một nhà khoa học chân chính, tại sao, lại không phổ biến rộng rãi ra để áp dụng vào cuộc sống, giúp đỡ mọi người mà lại chỉ giữ về cho một mình mình và cách sử dụng cũng chỉ riêng mình biết. Cái đó là cái cũng rất cần phải xem xét, phải chăng ở đây có điều gì không thể tiết lộ, hay đó chỉ là sự tưởng tượng, không có căn cứ khoa học?..."

Cũng theo "ông già Ozon", dù đã hơn 4 tháng trôi qua nhưng việc vẫn tiếp tục xác định và đề nghị tìm kiếm thi thể chị Huyền tại khu vực cầu Thanh Trì là điều không có căn cứ khoa học.

"Nếu tôi là người đi tìm thi thể chị Huyền thì với thời gian lâu như thế, chắc chắn tôi sẽ không tìm ở khu vực chân cầu Thanh Trì còn những người đi tìm đó, tôi cho là có vấn đề hoặc là giả dối.

Bởi lẽ, đứng về Vật lý thì khi nước đến chân cầu thì bao giờ phía đằng sau cũng có xoáy rất lớn, khi xác bị ném xuống thì lúc đó sẽ trôi rất xa, rất nhanh. Và hôm đó, nước lên cao, tốc độ chạy mạnh và đoạn sông đó là đoạn sông thẳng nên việc trôi xa là rất dễ xảy ra.

Ở đây, để tìm kiếm được, cần phải tính toán lại được tốc độ của dòng chảy cũng như địa hình ở sông Hồng khu vực cầu Thanh Trì để tìm kiếm. Nhưng điều quan trọng nhất là phải làm rõ ràng lời khai của Tường về việc ném xác chị Huyền. Nếu đúng là ném thì việc đó được thực hiện như thế nào, trong quá trình đó có ai giúp đỡ hay không?...", ông Khải nói.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại