Sau hơn 4 tháng xảy ra vụ án, ngày 18/2, VKSND TP Hà Nội đã hoàn tất cáo trạng truy tố bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường, Giám đốc Thẩm mỹ viện Cát Tường vì làm chết và ném xác chị Lê Thị Thanh Huyền xuống sông Hồng.
Vụ án vẫn nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận vì tới nay, xác của chị Huyền vẫn chưa được tìm thấy. Và trong suốt thời gian qua, rất nhiều phương pháp đã được tiến hành, đặc biệt, việc sử dụng máy bức xạ từ thứ cấp của TS Vũ Văn Bằng, từng nhận được kỳ vọng, tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có một thông tin khả quan nào.
Ở một diễn biến khác, trao đổi với chúng tôi, TS Nguyễn Văn Khải, người được mệnh danh là "ông già ozon" đã thẳng thắn khẳng định, chiếc máy bức xạ từ thứ cấp của TS Bằng chỉ là trò "lừa bịp".
"Thực tế đây không phải là một chiếc máy mà đây cũng chẳng phải là một thiết bị mà chỉ là một chiêu trò lừa bịp. Tại sao tôi lại nói như vậy, theo lời ông Bằng nói, chiếc máy của ông ta có thể đo từ trường của người chết, thậm chí từ trường đó lưu lại trên mặt đất và có thể ghi nhận được qua chiếc máy được cho là độc nhất vô nhị trên thế giới.
Tuy nhiên, từ chương trình vật lý lớp 9 cũng đã chỉ rõ, với từ trường, vật chất được chia ra làm hai loại, vật chất nhiễm từ và vật chất không nhiễm từ. Trong đó, bất kỳ một loại xương nào, dù là xương người, xương động vật thì đều là những vật chất không nhiễm từ, do đó không thể nào có được bức xạ từ phát ra từ xương hay hài cốt để cho ông Bằng đo.
Cũng cần nói thêm trái đất tạo ra từ trường, và con người cũng tạo ra từ trường do các ion chảy trong máu tạo thành dòng điện, và dòng điện sinh ra từ trường. Khi máu không còn chảy, đồng nghĩa với việc đã chết và khi đó từ trường sẽ mất đi.
Cứ cho rằng, dụng cụ của ông Bằng là chiếc máy đo từ trường thật, và xương hay thi thể phát ra từ trường thật. Như vậy, khi để máy gần người của ông Bằng, từ trường do ông này tạo ra phải lớn hơn gấp hàng triệu lần với xác hay những phần xương còn lại của chị Huyền nếu đang nằm dưới sông. Với chiếc máy này chắc chắn không thể đủ sự thông minh để xử lý xem từ trường nào là của người sống và từ trường nào của người chết.
Thêm vào đó, tôi cũng muốn nói là, đã là phát kiến trong khoa học thì phải được ứng dụng vào thực tế, tức là không chỉ người phát minh mà những người xung quanh cũng có thể sử dụng được nó. Tuy nhiên, ở đây, tôi xin hỏi, ngoài ông Bằng thì có ai đã cầm và sử dụng được chiếc máy này? ”, TS Khải nói.
TS Khải cũng giải thích rõ thêm: "Từ trường có đường sức là những đường khép kín. Cường độ của từ trường cũng như cảm ứng từ sẽ tỉ lệ nghịch bình phương khoảng cách giữa nguồn sinh ra từ trường tới điểm đo. Ví dụ như một thanh nam châm đo ở khoảng cách 1cm so với khoảng cách là 2cm thì cường độ từ trường sẽ giảm đi 4 lần, tương tự đo ở khoảng cách 3cm sẽ giảm đi 9 lần.
Như vậy, ở đây cứ cho là máy này có khả năng đo từ trường thật thì việc đặt máy gần người hoặc xa người ông Bằng, hoặc tư thế tay để gập, để thẳng, thì mỗi khoảng cách đó đều đã có thể cho một kết quả đo khác nhau. Đây là một kiến thức vật lý hết sức đơn giản. Ở đây, ông Bằng làm như vậy thì tôi cho rằng, ông chẳng hiểu chút nào về kiến thức vật lý cả mà chỉ là trò lừa bịp, mị dân mà thôi".
Ở ảnh trên khi máy đo từ trường không có mẩu xương và ở ảnh dưới sau đó để những mẩu xương vào thì không có hiện tường gì báo thay đổi trên mặt kim đồng hồ.
Để chứng minh thêm về điều này, TS Khải đã thực hiện một thí nghiệm nhỏ cho chúng tôi quan sát, trong đó dùng một máy đo từ trường đơn giản. Khi đưa sắt non vào thì cường độ từ trường và cảm ứng từ tăng lên rất nhiều dựa trên đồng hồ đo bằng la bàn. Tuy nhiên, sau đó để những mẩu xương vào thì không có hiện tường gì khác thường trên đồng hồ la bàn...
Chỉ là trò lắc tay đơn giản?
TS Khải cũng nhấn mạnh, việc chiếc máy của TS Bằng quay tít đó thực chất chỉ là sử dụng một mánh khóe hết sức đơn giản.
"Thực tế, phần ăng - ten trên đầu của chiếc máy của ông Bằng không phải là ăng - ten mà nó chẳng khác gì chiếc móc phơi quần áo cả.
Ăng - ten là một linh kiện điện tử có thể bức xạ hoặc thu nhận sóng điện từ. Trong một hệ thống thông tin vô tuyến, ăng-ten có hai chức năng cơ bản. Chức năng chính là để bức xạ các tín hiệu RF từ máy phát dưới dạng sóng vô tuyến hoặc để chuyển đổi sóng vô tuyến thành tín hiệu RF để xử lý ở máy thu.
Chức năng khác của ăngten là để hướng năng lượng bức xạ theo một hay nhiều hướng mong muốn, hoặc “cảm nhận” tín hiệu thu từ một hay nhiều hướng mong muốn còn các hướng còn lại thường bị khóa lại.
Như vậy không thể có chuyện ăng - ten lại quay tít đến như vậy được. Ở đây, nếu quay tít như vậy thì chẳng khác nào động cơ và có sự điều khiển...
Nhân đây, tôi cũng muốn kể lại câu chuyện, những năm 1980, tôi có dịp đến Krakow của Ba Lan và thời kỳ này, trong các quán bar, quán rượu, sinh viên họ hay chơi trò cầm chiếc cốc, bên trong có cái thìa và họ lắc cổ tay một cách điệu nghệ cho chiếc thìa quay tít trong cốc mà chiếc cốc bằng mắt thường gần như không thấy di chuyển.
Còn như tôi đã khẳng định ở trên, với chiếc máy này dù là một chiếc máy đo từ trường thật, thì kết quả đã hoàn toàn phi lý rồi nên chắc chắn sẽ không thể nào giúp tìm kiếm được thi thể của chị Huyền...", TS Khải tái khẳng định.
- Sẽ tìm thi thể chị Huyền ở 2 điểm tại sông Hồng và quê nhà Tường
- "Tìm thi thể chị Huyền khó khăn do có nhiều xác trôi dạt"
- Đang tìm thi thể chị Huyền ở nghĩa trang Đặng Xá
- Cậu ruột kể về hai lần suýt chết khi tìm thi thể chị Huyền
- Vụ thẩm mỹ viện Cát Tường: Nghi vấn mới nhất về xác chị Huyền
- Thông tin mới nhất vụ tìm xác chị Huyền
- Nhân vụ tìm xác chị Huyền, chủ thuyền "chặt chém" tiền triệu/giờ
- Dừng tìm xác chị Huyền bằng phương pháp khoa học
- Vụ Cát Tường: 'Đào sâu hơn 2m nhưng không tìm thấy xác'