Ở hiền gặp lành
Anh Bạch không thể quên buổi chiều ngày 10/8/2012, một ông lão bán vé số xã Tân Phú (huyện Châu Thành, An Giang) nài nỉ khách mua. Quanh năm an phận với nghề gánh lúa và đi phun thuốc sâu mướn cho những nhà giàu ở trong ấp, không có nhiều tiền nhưng thấy hoàn cảnh của ông lão đáng thương nên anh Hồ Văn Bạch cũng mua giúp một tờ vé số.
Chẳng ai có thể ngờ xấp vé số của ông lão nghèo khổ bị ế chiều hôm đó có đến bảy tờ trúng độc đắc giá trị tiền tỷ và hàng chục tờ khuyến khích với giải thưởng hàng trăm triệu.
Sau một năm sự kiện “đại lộc trời” đó, huyện Châu Thành có rất nhiều người đổi đời. Họ ăn chơi phung phí, kết cục là “của thiên trả địa”. Nhưng riêng chàng trai Hồ Văn Bạch thì hoàn toàn ngược lại. Anh sử dụng những đồng vốn may mắn ấy vào làm kinh tế, đưa gia đình thoát nghèo.
Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi men theo con đường trải dài dọc kênh Cầu Đúc để vào sâu trong ấp Tân Lợi, nơi được biết đến là chốn “ngụ cư” của những người tha hương. Không mấy khó khăn để tìm ra địa chỉ của chủ nhân tờ vé số độc đắc cách đây một năm.
Khi chúng tôi hỏi về Hồ Văn Bạch, người dân nơi đây dù già hay trẻ đều chỉ đường rành rọt. Họ có thể kể lại hoàn cảnh nghèo túng trước đây và thể hiện sự thán phục về nghị lực làm ăn sau ngày trúng số của anh Bạch.
Vợ chồng anh Bạch đã sinh được hai cháu và vợ anh đang mang bầu đứa thứ ba. Kinh tế gia đình đã khá hơn rất nhiều. Nói chuyện với chúng tôi, anh Bạch mở đầu câu chuyện bằng một nụ cười tươi: “Sau khi trúng số, thấy cuộc sống gia đình chúng tôi đầm ấm, có thêm đất đai, hai bên nội ngoại và người dân đến chúc mừng và động viên. Thấy cuộc sống đã ổn định, vợ chồng tôi quyết định sinh thêm cháu nữa. Mai này tôi phân ra chúng mỗi đứa một cánh ruộng tha hồ cày cấy”.
Đề cập đến câu chuyện vé số đổi đời, anh Bạch giọng khiêm tốn: “Thì cũng nhờ ơn trời. Nhờ sự may mắn đó mà tôi có nhà mới, được làm chủ những đám ruộng mà bao năm mình phải đổ mồ hôi đi làm mướn. Được ăn hạt lúa dẻo thơm do chính mình chăm bón. Nhiều năm đi làm thuê cho người ta, tôi hiểu như thế nào là giá trị của người được làm chủ mà”.
Trò chuyện với tôi, chàng thanh niên tưởng như chỉ biết đến những công việc ruộng đồng lại tỏ ra khá triết lý. Anh bảo: “Người ta vẫn nói “chơi số đề thì ra đê mà ở”. Tôi luôn ý thức được điều đó. Nó là con dao hai lưỡi. Nhưng người biết cầm dao thì không gây đứt tay mà ngược lại còn phục vụ hữu ích cho mình rất nhiều.
Quê tôi có nhiều người đã “đứt tay”. Họ sống trong nghèo đói, sau khi trúng số, ôm tiền trăm, tiền tỷ trong tay tưởng thế đã giàu nên thỏa chí ăn chơi, bỏ bê ruộng đồng. Khi họ sực tỉnh thì chỉ còn hai bàn tay trắng. Khổ nhất là mang theo cái thói ăn chơi sa đọa. Thậm chí bán cả ruộng đồng để ăn chơi vì nghĩ mình đã đủ tiền sống đến già. Khi sa cơ, không còn ruộng nữa, họ chẳng biết làm gì để sinh nhai”.
Nói về việc tấm vé số đã thay đổi cuộc đời mình, anh Hồ Văn Bạch thẳng thắn cho biết, cuộc sống của gia đình anh đã thay đổi rất nhiều theo hướng tích cực, từ sinh hoạt đến cả tư duy làm kinh tế.
Như để minh chứng cho điều mình nói, anh dẫn chúng tôi ra hiên nhà chỉ tay ra đám ruộng rộng mênh mông tự hào: “Đám ruộng chạy dài từ đầu con kênh đến cuối căn nhà mờ mờ kia giờ là của tôi dùng trồng lúa giống mới cho năng suất cao. Toàn bộ giấy tờ chứng nhận đều do vợ chồng tôi đứng tên. Tất cả là nhờ số tiền của tờ vé số mà tôi trúng hồi tháng tám năm ngoái”.
Anh Bạch cho biết, sau khi trúng số, vợ chồng anh vừa có cảm giác vui sướng vừa hồi hộp, lo lắng. Hồi hộp là vì chưa bao giờ cầm tiền chục triệu đồng chứ đừng nói đến chuyện sở hữu tiền tỷ. Đó là con số ngoài sức tưởng tượng. Thế nhưng càng vui bao nhiêu thì nỗi lo lại càng dồn nén. Sử dụng những đồng tiền đó như thế nào để có hiệu quả, không phung phí mà còn sinh lợi bền lâu.
Cuối cùng được sự góp ý của cha mẹ và kinh nghiệm những năm tháng đi làm mướn, Bạch và vợ quyết định “ăn chắc mặc bền” bằng cách dùng tất cả số tiền đó vào việc mua đất ruộng. Chỉ có đất mới sinh lợi vô hạn mà mai này dù cuộc sống khó khăn con cháu cũng chẳng phải lo toan gì nhiều đến chuyện cơm gạo.
Tận dụng vận may
Đôi vợ chồng trẻ ôm tiền tỷ đi mua đất. “Lúc đó tôi nộp thuế cho Nhà nước, trả nợ trước đó, mua gạo chia lộc cho một số bà con nghèo trong xã, cho cha mẹ, anh em mình ở quê mỗi người một ít tiền thì chỉ còn một tỷ đồng. Thế nhưng số đất 16.500 m2 lại giá trị đến 1,1 tỷ đồng nên quay ra thiếu nợ. Tôi phải vay thêm 100 triệu đồng từ ngân hàng để bù vào. Đến nay, vợ chồng tôi đã trả được nửa số đó nhờ tiền bán lúa. Tôi dự tính hết vụ lúa năm nay sẽ xóa sạch nợ ngân hàng”, Bạch vui vẻ nói.
Thấy anh Bạch ôm tiền tỷ đi mua ruộng, nhiều người trong xã lúc đó còn châm biếm bảo anh rằng anh muốn mình là địa chủ. Theo họ, cuộc đời thuần nông đã khổ, có tiền thì phải xây nhà lớn, nếu không mua ô tô thì xe máy xịn, gửi ngân hàng để ăn tiền lãi chứ dại gì phải bỏ tiền ra mua ruộng.
Với những gì người chồng làm được, chị Hồ Thị Hạnh (24 tuổi, vợ anh Bạch) không giấu nổi niềm tự hào: “Người nào cũng bảo anh ấy khôn biết dùng tiền vé số để làm kinh tế nên tôi thực sự rất vui. Hiện tại tiền bán lúa chưa có dư nhiều nhưng trong tương lai chắc chắn sẽ đạt kết quả như chúng tôi dự tính”.
Từ thân phận nghèo mạt với nghề làm mướn nay trở thành ông chủ với những đám ruộng đầy hứa hẹn, đó chính là trái ngọt cho những ai biết sử dụng những đồng tiền vốn được xem là “lộc của trời”.
Tờ vé số thay đổi cuộc đời
Anh Hồ Văn Bạch cho biết, hoàn cảnh gia đình vốn nghèo, lại đông anh em, anh không được học hành và sớm phải đi làm thuê kiếm sống. Khi đặt chân đến huyện Châu Thành, anh cũng chỉ có hai bàn tay trắng, quanh năm đi ở đợ rồi làm mướn lấy công cho những chủ ruộng giàu.
Tủi khổ, nhục nhã anh chịu được nhưng mong ước lớn nhất của anh là một ngày nào đó được sở hữu chính những đám ruộng tự do cày cấy để vợ bớt khổ, con cái sau này không theo phận làm mướn như cha mẹ. Nguyện ước của anh đã thành hiện thực khi chiều ngày 10/8/2012, tờ vé số anh mua trúng độc đắc với số tiền 1,5 tỷ đã hoàn toàn thay đổi số phận và cuộc đời anh.