- Thái Lan đang trải qua trận lụt tồi tệ nhất trong lịch sử, ông so sánh gì với tình hình hiện nay ở TP HCM?
-Nếu TP HCM và các khu vực chung quanh cứ tiếp tục phát triển như hiện nay thì sớm muộn gì trận "đại hồng thủy" ở Bangkok sẽ tái diễn ở TP HCM.
Với các khu vực nội thành, nếu xảy ra các trận mưa lớn có vũ lượng trên 100 mm, trùng với khi mực nước dâng cao thì việc ngập kéo dài trên diện rộng là hoàn toàn có thể xảy ra.
Tuy nhiên, có thể nói địa hình (cao độ, độ dốc) của đa phần khu vực đã phát triển của TP HCM là khá thuận lợi về mặt thoát nước so với Bangkok nên có thể được giảm nhẹ.
Người dân Thái bám vào dây thừng để chống chọi nước lũ hôm 25/10. Ảnh: nationmultimedia.com.
- Nguyên nhân dẫn đến trận lụt tồi tệ ở Thái Lan là khai thác nước ngầm, xây dựng tràn lan làm Bangkok lún, mưa to kéo dài ở thượng nguồn và nước biển dâng. Vậy nguyên nhân gây ngập ở TP HCM là gì?
-Kết quả nghiên cứu gần đây của một số chuyên gia cho thấy tốc độ lún hàng năm ở thành phố có thể đến 2-3 cm tại một số khu vực. Theo những kết quả nghiên cứu đối với Jakarta, Bangkok, Thượng Hải…, vấn đề khai thác nước ngầm, nhà cao tầng và hiện tượng nền đất yếu đều có thể góp phần vào việc gây ra hiện tượng lún cục bộ và trên diện rộng.
Tình trạng ngập triều gia tăng tại TP HCM là hệ quả tổng hợp của các yếu tố xả lũ từ các hồ chứa thượng nguồn, san lấp lấn chiếm kênh rạch và các khu vực trũng có thể chứa nước.
- Ông đánh giá thế nào về khả năng đối phó, chống ngập của TP HCM?
Tôi cho rằng TP HCM nên sớm có kiến nghị với trung ương để khẳng định lại vai trò cắt lũ của các hồ chứa gần với TP HCM như Trị An, Dầu Tiếng, Phước Hòa.-TP HCM rút ra những bài học gì sau trận lụt lịch sử ở Bangkok?
- Chúng ta có 5 bài học kinh nghiệm có thể rút ra. Thứ nhất là vai trò điều tiết lũ của các hồ chứa thượng nguồn. Bài học thứ hai về việc tin tưởng tuyệt đối vào hệ thống đê bao cộng với hàng trăm trạm bơm chung quanh Bangkok trị giá hàng tỷ USD. Tiếp đó là bài học về việc thiếu hệ thống điều tiết tại chỗ và phân lũ cho khu vực thượng nguồn. Khi các khu vực nằm ở thượng nguồn Bangkok đều đã được đô thị hóa, các diện tích trữ nước trước đây dần biến mất. Tiếp nữa là việc "bỏ tất cả trứng vào trong một giỏ". Một hệ thống đê bao có quy mô lớn, chỉ cần một chỗ bị hỏng là toàn bộ khu vực bên trong sẽ bị đe dọa.
Cuối cùng là bài học về việc đối kháng trực tiếp đối với thiên nhiên. Trong các quy hoạch phát triển không gian đô thị hiện nay của chúng ta, không gian cần thiết dành cho nước lại ít được quan tâm, mà chủ yếu dựa vào lòng "hảo tâm" của các nhà đầu tư phát triển địa ốc.
Người dân TP HCM phải sống trong biển nước mỗi khi có mưa lớn, triều cường. Ảnh:Hữu Công.