Chuẩn bị Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, chiều 27/9, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tiếp xúc đông đảo cử tri quận Ba Đình, thông báo dự kiến chương trình, nội dung Kỳ họp, đồng thời lắng nghe các ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri quận Ba Đình, Hà Nội, ngày 27/9.
Tham nhũng trở thành con bạch tuộc
Nhắc lại câu nói của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan “càng đi, càng thấy buồn, người ta ăn của dân không từ một cái gì”, cử tri Nguyễn Khắc Thịnh (phường Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội) cho rằng, dù báo chí nói rất nhiều nhưng các cử tri thấy tham nhũng không giảm mà còn nghiêm trọng hơn, nguy hiểm hơn.
Các báo cáo về phòng chống tham nhũng năm nay hình như cũng giống như năm ngoái, “nói không chuyển biến thì không phải, nhưng chuyển biến lại quá ít, vì chống tham nhũng chỉ “giơ cao mà đánh khẽ”.
Cử tri Nguyễn Khắc Thịnh, phường Giảng Võ (Ba Đình, Hà Nội). Ảnh: Công Khanh
Cử tri nhìn nhận tham nhũng không chỉ là những con sâu đơn lẻ, không chỉ là bầy sâu, mà chúng đã trở thành những con bạch tuộc. Con bạch tuộc liên kết với nhau trong lợi ích nhóm, len lỏi và bám chặt vào các cơ quan công quyền, càng ngày càng trở nên mạnh, làm những người lương thiện, những người đấu tranh chống tham nhũng e ngại.
Ông Thịnh đề nghị các đại biểu Quốc hội làm rõ câu hỏi mà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã đặt ra “có tham nhũng trong cơ quan phòng chống tham nhũng không?”.
Tổng Bí thư Tổng Bí thư chia sẻ: Giờ ra ngoài thấy cái gì cũng phải tiền, không tiền là không trôi. Tham nhũng lớn cũng có, tham nhũng nhỏ cũng có. Tham nhũng nhỏ hàng ngày cũng nhiều như gãi ghẻ, rất khó chịu
Kẽ hở
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, tham nhũng, lãng phí là những vấn đề nhức nhối, và phát biểu của các đại biểu Quốc hội là thẳng thắn.
Chia sẻ với cử tri, Tổng Bí thư cho rằng, “về tham nhũng, ai cũng có thể nói, có thể nói mấy tiếng đồng hồ cũng được. Sốt ruột, bức xúc. Không phải bây giờ mà cách đây vài chục năm các đồng chí lãnh đạo đã nói tham nhũng là giặc nội xâm, quốc nạn rồi. Khi có quyền mà không kiểm soát dễ sinh ra hư hỏng, tham nhũng”.
Về câu hỏi cơ quan chống tham nhũng có tham nhũng không, Tổng Bí thư nhận định, có thể có kẽ hở trong một số khâu trong phòng chống tham nhũng, như ở khâu giám định, cũng là khâu khó khăn nhất.
Tổng Bí thư cho biết, có những vụ tham nhũng đi từ khởi tố, điều tra, tới giám định rồi xét xử hàng mấy năm trời. “Không cẩn thận, khâu giám định dễ bị kéo dài ra, bị “làm giá”, bị “bôi trơn” và khiến vụ án “đầu là con trâu, còn đuôi là con chuột”.
Tổng Bí thư cho biết, hiện nay, Ban chỉ đạo T.Ư Phòng chống Tham nhũng đang cố gắng tập trung tháo gỡ những khâu vướng mắc, tập trung xử lý những vụ án tham nhũng nghiêm trọng. Khi phát hiện tham nhũng sẽ xử lý tận gốc, xử nghiêm, không nương nhẹ.
“Bây giờ nếu thấy nói nhiều mà không xử được gì cũng không tốt. Chúng ta làm một số việc cụ thể sẽ đỡ phải đi giải thích. Đây là cuộc đấu tranh gian nan, phức tạp và phải có lòng tin, quyết tâm. Sốt ruột quá, cũng có thể khiến chủ trương sai”, Tổng Bí thư nói.