Tội phạm “giả điên”không được hưởng khoan hồng

Thiên Di |

(Soha.vn) - “Người cố tình giả điên cũng là động cơ và mục đích xấu nên theo tôi Toà án kiên quyết không cho họ hưởng khoan hồng” – luật sư Nguyễn Văn Tú cho biết.

Câu chuyện tội phạm “giả điên” để trốn án gây sóng gió dư luận, làm đau đầu những chuyên gia giám định, cơ quan công an, xét xử. Để có cái nhìn khách quan hơn về vấn đề này, chúng tôi có buổi trò chuyện với luật sư Nguyễn Văn Tú - Giám đốc Công ty Luật TNHH Faci, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư Bắc Giang .

Luật sư Nguyễn Văn Tú - Giám đốc Công ty Luật TNHH Faci, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư Bắc Giang.

Luật sư Nguyễn Văn Tú - Giám đốc Công ty Luật TNHH Faci, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư Bắc Giang.

- Hiện nay, một số đối tượng phạm trọng tội “giả điên” để trốn tội, giảm tình tiết xử tội. Quan điểm của luật sư về vấn đề này như thế nào?

Luật sư Nguyễn Văn Tú: Trường hợp này tức là Toà án chưa xét xử và trong thời gian điều tra, truy tố hoặc chuẩn bị xét xử thì bị can hoặc bị cáo này đã “giả điên” có mục đích. Vì vậy cơ quan buộc tội sẽ tập trung chứng cứ để vạch rõ yếu tố “giả” và động cơ, mục đích của bị can bị cáo để người bị xét xử tâm phục, khẩu phục.

- Vậy có công bằng không khi y học vẫn đưa ra những dạng tâm thần mà khoa học hình sự và luật sư không chứng minh được?

Luật sư Nguyễn Văn Tú: Có vấn đề ở đây và chúng ta phải thận trọng xem xét. Cơ quan chuyên môn đã giám định là có thì nó không còn là giả nữa. Và trong trường hợp này có lẽ Toà án phải bắt buộc chữa bệnh chứ không thể xét xử đối với người đã lầm vào trình trạng không còn minh mẫn.

Y khoa và khoa học pháp lý là hai ngành khoa học và đã là khoa học thì luôn khách quan. Do vậy, nếu pháp luật hình sự không phù hợp với một trong hai khoa học này thì cẩn phải sửa đổi pháp luật hình sự chứ không thể đổ lỗi cho khoa học về y học hay khoa học pháp lý.

- Không ít vụ án, luật sư yêu cầu giám định nhiều lần để có kết quả chính xác, vậy theo luật sư liệu nơi giám định pháp y cũng có thể là nơi chạy bản án cho đối tượng?

Luật sư Nguyễn Văn Tú: Giám định để trưng cầu kiến thức của chuyên gia do người thực thi pháp luật yêu cầu theo quy định của Bộ luật Hình sự tố tụng. Còn nếu cơ quan hoặc người giám định cố ý làm trái nguyên tắc và quy trình chuyên môn dẫn đến kết quả giám định sai lệch thì họ bị xử lý về hành vi khai báo gian dối theo quy định của Bộ luật hình sự.

- Nhiều tội phạm “vin” vào điều 13 và điều 46 của Bộ Luật Hình sự để thoát tội. Theo ông Bộ luật liệu có đảm bảo quyền lợi thực sự của người mắc bệnh tâm thần, có sợ rằng tiêu cực sẽ xảy ra trong quá trình giám định?

Luật sư Nguyễn Văn Tú: Mọi người yêu công bằng và sự thật đều lo sợ tiêu cực ở bất kỳ lĩnh vực nào, ngay cả những người thực hiện hành vi được đánh giá là tiêu cực cũng lo sợ nhiều lắm. Tuy nhiên, pháp chế xã hội chủ nghĩa không thể vì một vài cá nhân có thể tiêu cực mà bỏ đi các quy định pháp luật tiến bộ.

- Ông đã từng bào chữa những trường hợp như thế chưa?

Luật sư Nguyễn Văn Tú: Quá trình tôi hành nghề thật không may mắn vì chưa có trường hợp nào. Tuy nhiên trên thực tế, tôi lại thấy rất nhiều bản giám định rõ ràng sai mà lại có hướng làm cho bị can, bị cáo bất lợi rất nhiều về số phận pháp lý.

- Để hạn chế hiện tượng chạy án bằng việc giả dấu hiệu tâm thần của người phạm tội, ông có đề xuất gì từ phía cơ quan luật pháp?

Luật sư Nguyễn Văn Tú: Chạy án có thể là một tội phạm, cố ý làm sai lêch bệnh án hay kết luận giám định cũng là một tội phạm và do vậy chúng ta phải kiên quyết đấu tranh và lôi ra sánh sáng pháp luật những tội phạm tinh vi này. Người cố tình giả điên cũng là động cơ và mục đích xấu nên theo tôi Toà án kiên quyết không cho họ hưởng khoan hồng.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại