Câu chuyện về những bác sĩ khóc cười bên bệnh nhân tâm thần

Thiên Vũ |

(Soha.vn) - Đó là những nữ bác sỹ, y tá điều dưỡng hàng ngày tiếp xúc với những tội phạm giết người mắc chứng bệnh tâm thần đang được giám định, chữa trị.

Thương tích, bầm tím là… chuyện bình thường

Không ồn ào, đông đúc giống như ở các bệnh viện khác, Viện Giám định Pháp Y Tâm thần Trung ương (Thường Tín, Hà Nội) lại vắng vẻ, ảm đạm. Bởi đây là nơi giám định, chữa trị cho những tội phạm có hội chứng mắc các bệnh lý về tâm thần.

Được biết, ở đây có đến gần 90% bệnh nhân phạm tội giết người, thậm chí còn giết vợ, giết con hay giết bố mẹ… được đưa vào đây giám định và chữa trị trước hoặc sau khi kết án. Vì vậy, để gặp được bác sỹ, điều dưỡng của Viện, chúng tôi phải đi qua nhiều cánh cửa sắt kiên cố…

Cổng Viện Giám định Pháp y Tâm thần Trung ương là nơi tiếp nhận giám định, điều trị tội phạm tâm thần.

Cổng Viện Giám định Pháp y Tâm thần Trung ương là nơi tiếp nhận giám định, điều trị tội phạm tâm thần.

Tiếp chúng tôi, cô Vũ Thị Ngọc, 39 tuổi, là Trưởng khoa Điều dưỡng Giám định, đã có thâm niên 10 năm chăm sóc những bệnh nhân tâm thần giết người. Trước câu hỏi, chị có e ngại, sợ khi làm nghề này không, chị Ngọc cười nói : "Đã chọn nghề này xác định là vất vả, gặp nhiều nguy hiểm. Ban đầu, mới vào nghề ai đều sợ nhưng dần thành quen và thấy rất bình thường".

Chị đến với nghề "chăm sóc người điên" một cách tình cờ. Ngay từ bé, chị đã quen với môi trường ấy, tiếp xúc trực tiếp và thông cảm cho những người mắc bệnh tâm thần. Vì vậy, tốt nghiệp Cao đẳng Y Nam Định năm 1999, mặc dù không được gia đình ủng hộ theo nghề bố mẹ nhưng chị Ngọc vẫn cương quyết xin về làm điều dưỡng bên Bệnh viện Tâm thần Trung ương I ngay gần nhà.

Bác sỹ Vũ Thị Ngọc, Trưởng khoa Điều dưỡng Giám định chia sẻ về khó khăn trong nghề.

Bác sỹ Vũ Thị Ngọc, Trưởng khoa Điều dưỡng Giám định chia sẻ về khó khăn trong nghề.

Nhớ lại kỷ niệm khi còn là cô bé 25 tuổi, lần đầu tiên tiếp xúc với những người mắc tâm thần xã hội. Chị bị sốc mạnh, hoảng sợ khi chứng kiến một bệnh nhân lên cơn rung động, bất ngờ giằng chiếc kéo cắt móng tay và đâm vào sát sườn người y tá.

"Máu chảy rất nhiều, lúc đó mọi người đều sợ nhưng rất bình tĩnh chạy vào khống chế bệnh nhân, dùng chăn chụp lên đầu để cố định bệnh nhân tại giường và tiêm thuốc. Mình ngỡ ngàng, hãi hùng vì mới vào nghề chưa được va vấp", chị Ngọc kể lại.

Còn đối với bác sỹ Bùi Thị Luyến (Khoa Bắt buộc chữa bênh), đã công tác ở Viện hơn 4 năm nay cũng không ít lần bị bệnh nhân đuổi đánh.

"Vào đây, xác định bị thương tích, sưng chân tay, bầm tím là chuyện bình thường. Mình nhớ, có một bệnh nhân ở Vũ Thư, Thái Bình rất to khỏe, hằn học, đã giết chết 2 người, ai cũng phải sợ.

Anh này mắc bệnh hoang tưởng, luôn nghĩ rằng có một tia điện từ chiếu xuống đầu xúi giục ném đồ vật vào người qua đường. Một lần, mình đang hỏi thăm bệnh , đột nhiên bệnh nhân chạy vào cầm cốc ném và chửi tục. Nhưng may mình đã tránh kịp", bác sỹ Luyến nhớ lại.

Bác sỹ Luyến kể rằng, năm 2000, chị chuyển từ chuyên ngành sản sang tâm thần và gia đình ở Hải Phòng không hề hay biết, bố mẹ họ hàng phản đối quyết định táo bạo này của chị.

“Lúc liên hệ công tác dưới này, mình còn được bác sỹ Bùi Sỹ Khoán (lúc đó là giám đốc bệnh viện) hỏi lại rằng : Cháu đã suy nghĩ kỹ chưa. Còn bạn bè, mọi người nói mình đang làm ở bệnh viện điên. Nghe xong mình thấy tủi thân, ngại lắm.

Và kỷ niệm, cô con gái mình bị cả lớp cười, trêu đùa vì nói mẹ làm bác sỹ tâm thần. Về nhà, cháu khóc lóc bảo tại sao mẹ lại làm nghề này. Mình giải thích rằng, người ta chữa chân tay, còn mẹ chữa cái đầu, khó hơn nhiều. Gặp nhiều khó khăn nhưng mình vẫn quyết tâm theo nghề này đến cùng”, chị tâm sự.

Luôn cảnh giác đến khi ra khỏi nghề

Hàng ngày chăm sóc, chữa trị cho những tội phạm tâm thần, để tránh những tai nạn, thương tích không đáng có, họ phải tự phòng vệ bằng những kinh nghiệm bản thân. Như tai nạn của chị Ngọc cách đây 2 năm, vào buổi trực, bệnh nhân lên cơn động kinh, mắt mũi trợn lên, mặc dù rất tốt với bệnh nhân nhưng bất ngờ mình bị đấm bụp phát vào ngực.

Chị Ngọc chia sẻ rằng: “Khi vào phòng chăm sóc bệnh nhân, mình phải quan sát mọi góc cạnh, xung quanh phòng và cử chỉ, sắc mặt người bệnh có gì bất thường, bất lợi không để mình phòng tránh. Nếu thấy sắc mặt căng thẳng thì mình phải né đi, không nên để bệnh nhân kích động dẫn đến nguy hiểm. Vì vậy, nghề này phải cẩn thận hàng đầu”.

Sau hơn chục năm làm trong nghề, chị Ngọc cảm thấy thương và không hề thấy ác cảm với những người bệnh tâm thần phạm tội giết người. Bởi theo chị, họ là những người không may mắn mắc phải căn bệnh sẽ đeo đẳng họ suốt cuộc đời. Hơn nữa, họ thường bị cộng đồng xa lánh, sợ sệt.

“Sợ thì có sợ nhưng mình làm vì trách nhiệm với công việc nên không muốn chuyển đi. Vào đây làm, mình biết rõ làm gì, phục vụ gì nên mình thông cảm là nhiều chứ không có ác cảm đối với bệnh nhân”, chị Ngọc tâm sự.

Chị Ngọc nói thêm: “Chưa kể, những lần trực đêm, nhiều bệnh nhân trốn viện hay có biểu hiện bất thường là cả kíp trực vất vả. Thậm chí, đêm giao thừa, mồng 1 mình đón tết trong viện, hai bố con ở nhà ôm nhau ngồi buồn xem ti vi đón năm mới. Lúc đó, mình thấy tủi thân vừa thầy có lỗi. Ban đầu, gia đình chồng cũng không hài lòng nhưng sau khi mình giải thích nhiều lần thì họ chấp nhận, thông cảm vì đó là công việc”.

Và đối với bác sỹ Luyến, đây là công việc “không thể từ bỏ” và “luôn cảnh giác đến khi ra khỏi ngành”. Mặc dù, những bệnh nhân hàng ngày chị tiếp xúc sẵn sàng có thể dùng vật nhọn được mài từ chiếc thìa ăn cơm, bàn chải đánh răng để gây thương tích cho chị.

Bác sỹ chuyên khoa 1 Bùi Thị Luyến chia sẻ rằng, nghề này đòi hỏi luôn cảnh giác đến khi ra khỏi nghề.

Bác sỹ chuyên khoa 1 Bùi Thị Luyến chia sẻ rằng, nghề này đòi hỏi luôn cảnh giác đến khi ra khỏi nghề.

“Mình rất thoải mái, không một chút gì ân hận. Làm lâu thành quen, thấy thương bệnh nhân. Từ trước đến giờ nhiều người nghĩ những người làm trong ngành này sẽ bị ảnh hưởng tâm lý. Nhưng mình không nghĩ thế, mình vẫn sống cuộc sống bình thường”, bác sỹ Luyến tươi cười tâm sự.

Gắn bó với Viện tâm thần 26 năm nay, bác sỹ chuyên khoa 2 Dương Văn Lương –Phó Viện trưởng Giám định Pháp y Tâm thần Trung ương cũng khẳng định: “Gắn bó với nó rồi thành quen, không thấy sợ, không muốn đi nữa. Đó là trách nhiệm của nghề mình đã chọn”.

Mặc dù chế độ cho những người làm chuyên ngành tâm thần được ưu đãi (70% lương cơ bản), nhưng dường như vẫn không thu hút được bác sỹ, y tá trẻ vào ngành, mà đa phần vẫn chọn các chuyên ngành “hot” như đa khoa, tai mũi họng hay sản.

Được biết, năm vừa qua mặc dù Viện Pháp Y có tuyển bác sỹ nhưng…không ai về. Còn những người làm trong ngành giám định pháp y tâm thần vẫn âm thầm làm việc ngày đêm, tiếp xúc với “người điên” vì trách nhiệm với nghề đã lựa chọn.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại