Cuộc đối đầu với 'những kẻ điên giết người'

Kim Ngân |

(Soha.vn) - Nhiều tội phạm “giả tâm thần” để thoát tội, giảm án hoặc trì hoãn việc xét xử thế nhưng với con mắt tinh tường các bác sĩ giám định pháp y tâm thần dễ dàng phát hiện ra điều này.

Hãi hùng lật giở hồ sơ bệnh án

Gần đây, dư luận bất bình với nhiều đối tượng phạm trọng tội như giết người, hiếp dâm trẻ em nhưng lại được giảm án thậm chí là được thoát tội vì có kết luận: “Mắc bệnh tâm thần khi gây án, không đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự ”.

Như trường hợp của bị cáo Đặng Trần Hoài bị bắt vì sát hại cháu bé 4 tuổi, hãm hiếp cháu 8 tuổi ở Sơn Tây đã giả tâm thần để trốn tội. Ở phiên xử sơ thẩm, hắn liên tục kêu “cháu đau đầu quá”; “không nhớ” nhằm kéo dài thời gian xét xử. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử khẳng định Hoài không bị tổn thương thần kinh và bị Tòa án Nhân dân Tối cao tuyên án tử hình ngày 17/1/2013.

Rồi năm 2011, siêu lừa Đặng Văn Lưu (48 tuổi, Hà Tĩnh) bị bắt vì chiếm đoạt 13 tỷ đồng, bị cáo đã giả điên và điều trị tại Bệnh viện Tâm thần trung ương để trốn tội. Với kết luận của bệnh viện, tòa phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với hắn. Nhưng sau đó, hắn đã bỏ trốn khỏi viện thoát tội.

Những vụ án như vậy làm dấy lên làn sóng phẫn uất của người dân, làm đau đầu các cơ quan chức năng công an trong việc xét xử. Để tìm hiểu rõ vụ việc trên, chúng tôi tìm đến Viện giám định pháp y tâm thần trung ương (GĐPYTT), Thường Tín, Hà Nội.

Cổng Viện giám định pháp y tâm thần trung ương im ắng, đóng chặt.

Cổng Viện giám định pháp y tâm thần trung ương im ắng, đóng chặt.

Khu vực bên trong là nơi theo dõi giám định của 94 đối tượng phạm tội được cách ly hoàn toàn qua những cánh cửa sắt chắc chắn. Đi dọc hành lang, tôi thấy từng tốp bệnh nhân bước lững thững trong khuôn viên viện, rồi ngồi thẫn thờ nhìn ra cửa với ánh mắt ngờ nghệch đến đáng sợ.

Khuôn viên bên trong Viện. Vài bệnh nhân lững thững lang thang, ngồi ghế đá.

Khuôn viên bên trong Viện. Vài bệnh nhân là tội phạm ngơ ngẩn ngồi trên ghế đá.

Trao đổi với bác sĩ Dương Văn Lương, Phó Viện trưởng Viện Giám định Pháp y Tâm thần Trung ương, chúng tôi được biết Viện giám định pháp y tâm thần trung ương có chức năng tiếp nhận các đối tượng phạm tội được đưa đến trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử thấy có dấu hiệu bệnh tâm thần để xác định xem thời điểm trước khi phạm tội, khi phạm tội hay sau khi phạm tội đối tượng có bệnh hay không có bệnh, khả năng điều khiển hành vi trong các giai đoạn ấy.

Về trường hợp kẻ phạm tội giả tâm thần để thoát tội, ông Lương cho biết: “Không nói giả điên mà chúng tôi chỉ xác định đối tượng có bệnh hay không có bệnh qua quá trình giám định, hội chẩn.

Số lượng kết luận không có bệnh là không nhiều, một năm có 1 – 2 trường hợp. Trong trường hợp tội phạm giả bệnh vẫn phải chịu hình phạt của pháp luật thậm chí đó là tình tiết tăng nặng vì kéo dài thời gian xét xử”.

Việc xác định đối tượng có bệnh hay không có bệnh không hề dễ dàng. Bởi các rối loạn tâm thần có trên 300 thể rất phức tạp và khó nhận biết. Bác sĩ Lương lấy ví dụ, rối loạn do sang chấn, rối loạn thích ứng sau khi phạm tội bị giam giữ hoặc trong thời gian xét xử; trường hợp sử dụng chất ma túy tổng hợp, gây ảo giác, loạn thần nhất thời… hay người bệnh có hoang tưởng, mắc ảo thanh có người muốn giết mình.

Theo bác sĩ Lương, vấn đề nhức nhối hiện nay là nhiều tội phạm “vin” vào quy định của Bộ luật Hình sự về các tình tiết giảm nhẹ, miễn truy cứu trách nhiệm hình sự trong điều 13 và 46 có ghi.

Trường hợp, đối tượng có bệnh nhưng ở giai đoạn ổn định, mức độ nhẹ, chỉ hạn chế năng lực hành vi hoặc có dấu hiệu bệnh lý tâm thần trong thời gian xét xử, giam giữ thì sau khi điều trị xong ở Viện về vẫn phải chịu hình phạt chứ không được giảm nhẹ tội.

Còn nếu người phạm tội có bệnh nhưng vẫn có khả năng điều khiển hành vi thì phải chịu hình phạt của pháp luật. Trường hợp bệnh nặng do hoang tưởng, ảo giác chi phối, người bệnh mất khả năng nhận thức được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Sau khi điều trị ổn thì trả về địa phương, cộng đồng.

Để nhận ra đối tượng có “bắt chước” triệu chứng bệnh tâm thần hay không, xác định bệnh ở giai đoạn nào, ổn định hay nặng để hỗ trợ cơ quan xét xử đòi hỏi các bác sĩ giám định phải “đau đầu”, căng mắt đấu trí.

“Vải thưa không che được mắt thánh”

Đối đầu với “những kẻ điên” đã gần 30 năm nay, bác sĩ Dương Văn Lương không lấy làm lạ đối với những “ca khó”. Ông cười: “Làm nghề quen với công việc rồi, tiếp cận với những người bệnh tâm thần tội phạm mất khả năng điều khiển hành vi dễ có những xung đột mạnh gây nguy hiểm cho mình, nó đòi hỏi chuyên môn của bác sĩ giám định. Người bệnh tâm thần không nhận mình có bệnh, điều trị chống đối hơn nữa lại là đa phần là giết người nên phải khéo léo, tinh tường và luôn đề phòng”.

Được biết, những đối tượng đang điều trị tại đây có đến gần 90% phạm tội giết người, thậm chí còn giết bố mẹ, giết vợ con, giết 3 – 4 người, khiến dư luận ghê sợ.

Bác sỹ Lương kể về trường hợp bệnh nhân Thành ở Phú Xuyên (Hà Tây cũ), loạn thần do rượu, bị hoang tưởng ảo giác, giết vợ và 2 đứa con. Hay đối tượng Đỗ Văn Việt (SN 1973) ở phường Vạn Phúc, Hà Đông ra tay giết bố. Trong thời gian điều trị, hắn dùng dao đâm nhiều nhát vào người điều dưỡng nữ Phạm Thị Xuân của Trung tâm Hỗ trợ tâm thần Hà Nội (thuộc xã Thụy An, Ba Vì) gây xôn xao dư luận đầu năm nay.

Bác sỹ Dương Văn Lương, Phó Viện trưởng Viện Giám định Pháp y Tâm thần Trung ương.

Bác sỹ Dương Văn Lương, Phó Viện trưởng Viện Giám định Pháp y Tâm thần Trung ương gắn bó với nghề gần 30 năm nay.

Nguy hiểm, phức tạp là thế, nhưng bằng nghiệp vụ chuyên môn, các bác sỹ đã xác định đối tượng giả bệnh hay bệnh thật. Theo ông, để đưa ra kết luận cuối cùng cần tập hợp hàng loạt các chứng cứ như hồ sơ từ gia đình, hàng xóm, chính quyền địa phương, hồ sơ bệnh viện, lấy ghi chép từ bản hỏi cung, nhận xét của can phạm, quản giáo, y tế trạm nếu đối tượng bị giam giữ.

“Chúng tôi áp dụng tiêu chuẩn chuẩn đoán của quốc tế, triệu chứng nào thuộc bệnh nào, triệu chứng thật hay giả. Để xác định, chúng tôi quan sát cử chỉ, hành động của bệnh nhân hàng ngày, theo dõi bằng camera, bằng lời nói, hoạt động của đối tượng với người khác… Khi bệnh nhân kêu đau đầu, chóng mặt, mình xác định xem có dùng thuốc ma túy tổng hợp gây ảo giác hay không?”, bác sĩ Lương giải thích.

Chia sẻ về kinh nghiệm trong việc giám định, bác sĩ Bùi Thị Luyến cho biết: “Nếu bệnh nhân giả bệnh, cho dùng thuốc sẽ không chịu đựng được”.

Một khó khăn nữa trong nghề này là thời gian giám định eo hẹp bởi còn liên quan tới thời hạn điều tra, truy tố xét xử theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự. Thời gian giám định trung bình là một tháng dưới sự theo dõi của cơ quan công an.  Có nhiều trường hợp bệnh phức tạp, khó xác định phải mất vài tháng, nửa năm, thậm chí là nhiều vụ án phải giám định lại nhiều lần.

Công việc giám định pháp y tâm thần trung ương được coi là nghề “mổ xẻ cái đầu” để tìm ra bệnh. Không dễ để các bác sỹ pháp y kết luận bệnh nhân có bệnh hay không. Nghề này chưa được xã hội đánh giá cao nên số lượng bác sỹ tâm huyết với nghề rất ít mặc dù Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ cho những người làm trong ngành này. Theo bác sĩ Lương, 3 năm nay Viện chỉ tuyển được 1 bác sĩ, năm vừa rồi tuyển không ai vào.

Điều 46 của Bộ luật hình sự quy định về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trong đó Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.

Điều 13. Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự

1. Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự; đối với người này, phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.

2. Người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự, nhưng đã lâm vào tình trạng quy định tại khoản 1 Điều này trước khi bị kết án, thì cũng được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại