Trở lại câu chuyện hòa nhập với cuộc sống văn minh, hiện đại của cha con ông Hồ Văn Thanh và Hồ Văn Lang (Quảng Ngãi) sau gần 40 năm ẩn mình trong tiếng gọi hoang vu của núi rừng, BS. TS Nguyễn Trọng Hưng cũng bày tỏ quan điểm:
Từng bước đưa họ tiếp cận với những gì tuy đã rất quen thuộc với chúng ta nhưng thực chất lại rất mới với họ mà không phải là sự “đốt cháy giai đoạn”.
Đưa họ từ rừng về ở trên đồi với ngôi nhà tạm và cuộc sống gần với thiên nhiên. Ở đó cũng có sự giao lưu thường xuyên với những người khác, rồi sau đó mới thực hiện tiếp những bước chuyển biến gần hơn với nhịp sống ồn ào.
BS.TS Trọng Hưng cũng cho rằng, cuộc sống của con người là thích nghi và cha con ông Thanh cũng không nằm ngoài quy luật tự nhiên đó. Vì vậy, câu chuyện “trở về rừng” hay ở lại thế giới văn minh của cha con họ cũng có thể được nhìn nhận rõ.
Nhưng hơn hết, trên cương vị là một bác sĩ Khám tư vấn Dinh dưỡng, trong câu chuyện của mình, BS. TS Hưng gợi mở nhiều hơn về “chế độ dinh dưỡng” để góp tiếng nói giúp ổn định sức khỏe của hai cha con “người rừng”.
Cũng giống như những sinh hoạt khác của họ, chế độ ăn uống của “người rừng” cũng phải có những sự biến đổi từ từ với khẩu phần thức ăn gần với thiên nhiên hoang dã, nơi họ đã gắn bó gần 40 năm, lượng giảm dần theo thời gian để cơ thể họ có sự thích ứng.
Lấy ví dụ, họ đã từng ăn được thức ăn sống, băng rừng vượt suối mà sức khỏe ổn định thì chúng ta vẫn nên làm những món ăn gần như thế và chia nhỏ bữa ăn của họ.
“Không nên bắt họ phải rời bỏ ngay những món “khoái khẩu”. Đồng thời, tiếp cận và chăm sóc họ như với những đứa trẻ hoặc người ngoại quốc lần đầu tới Việt Nam. Dù chưa hiểu hết xã hội chúng ta đang sống nhưng họ cần ở chúng ta chữ “tâm” hơn là một sự PR bản thân khi giúp đỡ họ”, BS. TS Hưng nhấn mạnh.
Đưa ra khoảng thời gian cho sự thích ứng của cơ thể với những thức ăn mới để chất “núi rừng” dần trở thành câu chuyện quá khứ của cả hai cha con, BS. TS Hưng cho biết: "Tùy vào thể trạng của từng người mà có sự thích ứng khác nhau.
Nhưng theo tôi, thời gian để họ bắt nhịp với cuộc sống mới, với những món ăn thay đổi cả về khẩu vị và khẩu phần cũng phải tính bằng tháng. Và “người hỗ trợ” ngoài thời gian giúp họ tập làm quen với cách cầm đũa, ăn thức ăn của thế giới hiện đại có trong khẩu phần... cũng nên đưa họ đi tập thể dục, làm quen với những môn thể thao để giúp họ dần quên những tiếng gọi “nhớ rừng”.
Tuy nhiên, vị bác sĩ này cũng đưa ra những trăn trở của mình về sự hòa nhập của cha con “người rừng”. Bởi lẽ, với những đứa trẻ, chúng ta có thể uốn nắn chúng dễ dàng hơn, còn cha con ông Thanh, người đã ngoài 80 tuổi, người cũng ở cái tuổi 41, tư duy về một vấn đề trong họ cũng đã hình thành khá trọn vẹn, nên việc “xây dựng” lại một thói quen cho những người đã trưởng thành không phải là việc làm được trong ngày một ngày hai.
Câu chuyện về dinh dưỡng mà BS. TS Nguyễn Trọng Hưng gửi tới cha con ông Thanh như không có hồi kết. Bởi BS.TS luôn mong muốn những điều tốt đẹp nhất sẽ tới với họ khi phía trước là rất nhiều thử thách mà cha con ông Thanh cần vượt qua.
“Cũng nên hướng dẫn họ cách đi mưa, cách “đối phó” với từng kiểu thời tiết như thế nào, cách vệ sinh, tự bảo vệ và chữa trị cho mình khi gặp những tai nạn nhỏ trong cuộc sống, cách giao tiếp... để ánh nhìn của họ sẽ không còn lạc lõng, để suy nghĩ của họ không miên man về nơi “rừng thiêng nước độc”... khi quyết định ở lại với thế giới hiện đại”, BS. TS Trọng Hưng chia sẻ.
Và hơn hết, BS. TS Hưng mong muốn: Xã hội hãy để họ được sống theo đúng lẽ tự nhiên, không nên can thiệp quá nhiều khiến cuộc sống của cha con ông Hồ Văn Thanh và Hồ Văn Lang có những xáo trộn.