Vẫn phải cứu dù "người rừng" có đối mặt với cuộc sống xúc xiểm, man trá

Nguyễn Huệ |

(Soha.vn) - Các phương tiện thông tin đại chúng gần đây rộ lên chuyện đã tìm thấy và đưa về với cộng đồng được hai “người rừng” ở Tây Trà - Quảng Ngãi. Cứu lấy con người, trả lại địa vị làm người cho con người, chính là lương tri và lương tâm của tất cả con người.

Sự kiện cha con ông Hồ Văn Thanh và Hồ Văn Lang trở về với cuộc sống văn minh, hiện đại đã thực sự thu hút sự quan tâm của rất nhiều người. Có rất nhiều ý kiến “mổ xẻ” khác nhau trong đó có ý kiến của nhà văn Hồ Tĩnh Tâm (quê quán: Quảng Trị, hiện là hội viên Hội nhà văn Việt Nam), người đã đi nhiều nơi, đến với nhiều người, chứng kiến rất nhiều hoàn cảnh sống trong tột cùng đau khổ.

Chứng kiến sự trở về của hai cha con “Người rừng” mà báo chí đưa tin gần đây ông Hồ Văn Thanh và con trai Hồ Văn Lang, nguyên quán ở xã Trà Xinh, huyện Tây Trà tỉnh Quảng Ngãi, nhà văn cũng đã trải lòng. Sự trải lòng của ông cũng khiến cho những ai dù chỉ đọc một lần cũng phải suy ngẫm:

Nhà văn Hồ Tĩnh Tâm
Nhà văn Hồ Tĩnh Tâm

“Xem truyền hình online và đọc các bài viết trên mạng, tôi lấy làm ngạc nhiên, bởi không biết tại cơn cớ làm sao, người ta lại gọi hai cha con ông Thanh là “người rừng”. Trong khi cha con ông có tên, có tuổi, có quê quán, có gia đình. Bản thân ông Thanh lại từng là gải phóng quân.

Tôi nhớ, cách đây khoảng hơn chục năm, người ta đã bắt gặp, và giúp đưa một người lính Nhật sống trong rừng sâu của Philippines từ năm 1945 về lại Tổ quốc của anh. Là bởi khi nước Nhật đầu hàng quân đồng minh, đơn vị của người lính ấy rút quân về nước, mà bỏ sót người đồng đội bị thương đang lạc trong rừng. Và anh lính bị đồng đội xem là đã hy sinh ấy, một mình lui vào rừng sâu xây chiến hào phòng thủ, sống một mình giữa đại ngàn suốt mấy chục năm trời. Báo chí Nhật lúc đó hoan hỉ báo tin là đã tìm lại được một chiến binh bị mất tích của họ và hết lời tôn vinh tinh thần samurai của anh, giúp anh tái hội nhập với cộng đồng rất nhanh.

Còn trường hợp ông Hồ Văn Thanh thì khác. Có lẽ khi về thăm quê, gặp đúng lúc cả nhà bị tàn sát quá dã man, ông bị hoảng loạn do sang chấn thần kinh, nên đã ẵm đứa con hai tuổi chạy vào rừng sâu và trốn tránh đời sống xã hội con người. Từ đó đến nay, tính ra đã gần bốn chục năm trời.

Tôi không dám chắc rằng, ông Thanh có bị bệnh thần kinh hay không, có nắm bắt được tình hình nước nhà đã giành được độc lập hay không. Nhưng tôi biết, với cách tự dựng lều trên cây cao tránh thú dữ, với cách tự chế tác lưỡi rìu, lưỡi dao, xoong nồi từ các mảnh thép, các mảnh hợp kim kiếm được từ xác xe nhà binh, xác máy bay, từ mảnh bom mảnh đạn... ông Thanh hoàn toàn là một con người tỉnh táo, một con người rất người, chứ không thể là “người rừng” theo đúng nghĩa người rừng (hay người tuyết) được.

Hồ Văn Lang (trái) ngày trở về. (ảnh: Tiền Phong)
Hồ Văn Lang (trái) ngày trở về. (ảnh: Tiền Phong)

Như chúng ta biết từ các thông tin báo chí, thì ông Thanh chỉ là người nhất thời bị sang chấn thần kinh do hoảng loạn chết chóc ám ảnh, đã bồng con chạy vào rừng, rồi tìm mọi cách trốn tránh cuộc sống của xã hội loài người gần bốn chục năm nay. Vì lẽ gì thì chúng ta đã biết. Thế nhưng chúng ta cần phải hiểu rằng, ông Thanh không hề, và cũng chưa bao giờ là “người rừng”, mà chỉ đơn giản là người trốn vào sống trong rừng, một mình nuôi đứa con thơ dại lớn lên giữa đại ngàn hoang vắng, dạy cho con biết cách trồng lúa, trồng sắn, trồng bắp, dạy cho con biết làm ra lửa để nấu cơm, nướng cá, nướng thịt, dạy cho con biết đan gùi, biết tạo ra khố áo từ vỏ cây… Đó là sự kì diệu và vĩ đại của một người cha côi cút giữa đại ngàn trong cảnh gà trống nuôi con, trong cảnh hoang dã gần như thời nguyên thủy. Hay nói đúng hơn một chút, là gần như vào thời đại đồ sắt của con người.

Điều đó khiến chúng ta phải cúi đầu khâm phục, bởi chúng ta cần phải nhớ rằng, khi ôm con chạy vào rừng sâu lẩn trốn tội ác man rợ, ông Thanh không đem theo một thứ gì trong tay. Ngoài bộ quân phục đang mặc, và cái áo len màu đỏ con trai hai tuổi đang mặc; mà đến tận hôm nay ông vẫn giữ gìn gần như còn mới.

Hỏi tại sao sau khi chạy trốn vào rừng, trong hoàn cảnh thiếu thốn trăm bề, ông Thanh lại không tìm cách liên lạc với xã hội loài người, dù rằng sau này, người cháu con ông anh là Hồ Minh Lâm đã phát hiện và tìm cách tiếp cận giúp đỡ cha con người chú của mình? Điều này có lẽ sẽ rất khó lý giải. Nếu như chúng ta không dựa vào giả thiết, cú sang chấn thần kinh qúa mạnh, chính là một cú sốc lớn, khiến ông Thanh mang chứng hoang tưởng sợ hãi con người, luôn tìm cách lẩn trốn con người.

Thế nhưng chúng ta lại phải trả lời câu hỏi khác. Phải chăng ông Thanh vẫn tỉnh táo, để có ý thức cất giữ bộ quân phục của mình và chiếc áo len của con trai đến tận hôm nay. Rồi ông lại còn biết dạy để con trai có thể nói được tiếng của người Cor, dạy con trai biết cách sống như cách mà người Cor đã sống từ thời xa xưa, tức là biết dựa vào rừng đại ngàn để sống.

Như vậy điều mà tôi muốn nói, rằng chúng ta đã may mắn tìm lại được hai cha con ông Thanh sau gần bốn chục năm trời sống hoang dã trong rừng. Và chúng ta, với lòng nhân ái của con người, đang tìm mọi cách giúp hai cha con ông Thanh tái hội nhập trở lại với xã hội con người, để hy vọng từ đây, cha con ông Thanh sẽ có được một cuộc sống tốt đẹp hơn - cuộc sống của con người trong thời đại phát triển cao của con người.

Viết tới đây, tôi chợt giật mình. Bởi tôi biết, có thể có nhiều người sẽ có ý kiến trái ngược với tôi, rằng đường đột đưa cha con ông Thanh trở lại với xã hội loài người, dứt họ ra khỏi môi trường sống hoang vu giữa rừng đại ngàn một cách đột ngột và bất ngờ như vậy, là không hợp với lẽ tự nhiên sinh tồn mang tính hoang dã mà cha con ông Thanh đã trở thành quen thuộc và gắn bó, như là một thành viên của rừng, của thiên nhiên hoang dã.

Tôi biết nói sao bây giờ, khi mà ông Thanh năm nay đã tám mươi mốt tuổi, anh Lang đã bốn mươi mốt tuổi. Nếu chúng ta làm theo cách tiếp cận từ từ, giúp cha con ông Thanh làm quen với cuộc sống văn minh từ từ, rồi từ từ đưa họ về với cộng đồng... Thì cái gọi là từ từ ấy phải mất bao nhiêu năm, khi mà ông Thanh đã và đang lâm bệnh do tuổi tác, do sống kham khổ giữa rừng già trên núi Apon hoang vắng, quanh năm không một tiếng người, ngoài tiếng chim kêu vượn hú.

Còn anh Lang đã sắp đến tuổi ngũ thập tri thiên mệnh. Nếu tôi là con ông Thanh, tôi có thể để cho cha mình sống cơ cực thui thủi giữa rừng như vậy được không? Nếu tôi là anh trai, tôi có nghĩ tới chuyện lo gia thất cho em mình không, khi mà việc duy trì nòi giống là quy luật của tồn tại xã hội loài người, tồn tại gia đình của một dòng họ.

Tôi nhớ chuyện “Chú bé rừng xanh”, kể về một em bé lớn lên giữa rừng từ lúc sơ sinh, hoàn toàn không biết gì về con người, về xã hội con người, nhưng khi đến tuổi vị thành niên, chú bé vẫn được tác giả kéo đến với xã hội loài người, qua cuộc gặp gỡ từ xa với một cô bé đi lấy nước bên dòng suối. Đó là nhân văn, là nhân đạo, vì con người cần được sống với con người, vì con người cần được làm con người; bởi đơn giản, tất cả những gì thuộc về con người, thì không hề xa lạ với con người.

Rồi đây sức khỏe của ông Hồ Văn Thanh sẽ thế nào? Cuộc sống của cha con ông Thanh sẽ thế nào? Anh Hồ Văn Lang liệu có được một cuộc sống gia đình như người em trai của mình là Hồ Văn Tri không? Điều đó phụ thuộc rất nhiều vào chính bản thân họ, và vào chính cộng đồng xã hội đang cưu mang họ, mà trước hết là ở thôn Trà Kẽm.

Tôi biết, việc đưa cha con ông Thanh về với gia đình và làng buôn của ông, là đặt ra cho cha con ông những thách thức mới rất người, hoàn toàn không giống với cuộc sống hồn nhiên trước đây của cha con ông giữa rừng đại ngàn, nơi hoàn toàn không có sự thù ghét, sự chèn ép, sự xúc xiểm, sự man trá… mà chỉ ở xã hội loài người mới có. Thế nhưng, cứu lấy con người, trả lại địa vị làm người cho con người, chính là lương tri và lương tâm của tất cả con người”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại