Nữ hiệu phó vỡ nợ trăm tỷ: Người bị tố thực chất là người bị hại?

Thế Long |

(Soha.vn) - Liên quan đến vụ “lùm xùm” quanh việc gần 20 người dân tố cáo bà Trương Thị Hải Yến, Phó hiệu trưởng, Chủ tịch HĐQT Trường THPT Dân lập Phương Nam (địa chỉ tại Lô 18, khu đô thị mới Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội) “quỵt nợ” sau đó mang băng rôn, loa đài đến cổng trường “khủng bố”. Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn bà Yến về những nội dung trên.

“Tôi luôn phải gánh nợ của mọi người, giờ họ vu khống”.

Theo bà Trương Thị Hải Yến, gần 20 người ký trong đơn gửi đến các cơ quan chức năng tố bà “quỵt” nợ thì chủ yếu là những người thân quen của bà Thư - một trong những người cho bà Yến vay tiền:

Trong số những người kí vào đơn, có những người là anh, em họ hàng nhà bà Thư. Lúc con nợ đến nhà bà Thư đòi, thì bà ấy đã đến cầu cứu tôi và năn nỉ tôi rằng: “Chị còn có cái trường. Bây giờ chị nhận hộ em một khoản để dù sao nó (người cho bà Thư vay - PV) nhìn thấy cái trường thì cũng không đòi nữa, không gây áp lực cho em nữa”. 

Nghe vậy thì tôi cũng thương tâm, nên bảo bà Thư dẫn người nhà bà ấy đến đây để tôi xem giúp được gì thì giúp, có khi là đôi ba triệu nhà trường thu được, tôi cũng chia sẻ với người ta”. Bà Yến cho biết.

Giải thích về việc có nhiều người tố bà vay tiền, cầm sổ đỏ của họ và không trả. Bà Yến cho hay: “Trong vấn đề này, chỉ có bà Thư và bà Dung cầm sổ của người dân đi vay rồi mua bất động sản, vì hai người này về thực chất là không có tiền. Còn những người có tiền cho tôi vay thì họ thiện chí và rất đàng hoàng, họ chỉ muốn cho nhà trường phát triển để họ thu được lợi nhuận. 

Bà Dung và bà Thư đi vay chỗ thấp và cho chúng tôi vay vì lãi suất cao. Sau đó, không trả được nợ thì lại nhờ vào dự án nhà trường của chúng tôi và lấy sổ đỏ của người dân. Nhờ chúng tôi, các họp đồng ấy đều được xác nhận của phòng công chứng nhà nước. Họ đã lợi dụng thương hiệu nhà trường để đi vay lòng vòng, lấy tiền ấy trả cho dân. 

Nhưng vay xong thì các bà này lại lấy tiền bỏ vào túi các bà ấy hoặc cho vay lãi cao, tôi đưa cho họ 100 triệu đồng thì các bà ấy đưa cho người vay 40 triệu đồng, còn 60 triệu đồng thì các bà ấy bỏ túi tiêu. 

Đáng giá thế chấp được 3 tỷ thì các bà ấy lấy lên 4-5 tỷ đồng rồi, tôi vẫn phải gánh. Chính vì vậy, chúng tôi muốn đưa vấn đề này ra pháp luật để sự thật được phơi bày, trắng đen rõ ràng. 

Trong 2 năm qua, cùng với một vài người xấu muốn chiếm trường của chúng tôi, họ đóng ít nhưng họ tự tung dư luận đã đóng cổ phần vào trường 51%, lôi kéo những người này gây mất trật tự, phá phách trong trường".

Bà Trương Thị Hải Yến, Phó hiệu trưởng, Chủ tịch HĐQT Trường THPT Dân lập Phương Nam
Bà Trương Thị Hải Yến, Phó hiệu trưởng, Chủ tịch HĐQT Trường THPT Dân lập Phương Nam

“Họ thuê cả người già, trẻ em, người mang bầu đến nằm trong trường.”

Bà Yến tỏ ra lo ngại việc nhiều người đến tụ tập ở cổng trường ảnh hưởng đến việc dạy và học của nhà trường:

Hiện giờ tôi ra đường vẫn nơm nớp lo sợ, vì điện thoại tôi có rất nhiều tin nhắn khủng bố và điện thoại hăm dọa tôi. Tôi nghĩ, các vị này chỉ là tốt đen thôi, đằng sau đó còn có một số người muốn chiếm trường của chúng tôi. Hai năm qua, họ đưa hồ sơ dựng chuyện cho tôi, gửi tới cơ quan chức năng của Thành phố Hà Nội. Nhưng  trả lời của những cơ quan này là bà Yến không có gì vi phạm.

Thậm chí, trong điện thoại của tôi và cả cán bộ giáo viên đều có những cuộc gọi đe dọa. Năm ngoái tôi đi công tác nước ngoài 2 tuần, người ta đồn là tôi trốn nợ, thuê cả người già, trẻ em, người có bầu đến nằm trong trường. Khi tôi hỏi thì họ bảo được thuê đến vậy thôi, xin tiền để đi xe về, thế là họ về… Tôi nói rồi, tôi sai đâu tôi sẽ chịu trước pháp luật nhưng vì trường, vì công sức của chúng tôi bỏ ra. Tôi không để cho những người ngoài xã hội lấy danh nghĩa là dân đi phá trường của chúng tôi, bắc loa chửi trong giờ học. 

Tôi thiết nghĩ không hiểu mình làm những điều gì sai trái mà để người ta chửi, nhưng bây giờ học sinh cũng phải nghe, cán bộ giáo viên của tôi phải nghe. Họ cũng cố tình làm mất danh dự của tôi. Đáng lo ngại hơn, còn có em học sinh từng học ở trường này, tôi gặp hỏi thì bảo cháu bây giờ đi làm nghề này (đòi nợ-PV)”.

Cầm trên tay những giấy tờ cam kết vay nợ kèm theo là những cam kết, có chữ ký của bà Yến và dấu của trường, bà Yến giải thích: “Nhìn chung là họ giở nhiều trò lắm. Ví dụ khi tôi đang họp, hoặc đang chỉ đạo về chuyên môn thì bà Dung, bà Thư vào bảo: "Chị ơi, bạn em có một nguồn tiền mà giờ em chỉ muốn lấy cái thương hiệu. Chị xác nhận ký vào đây cho em thì là em đi vay được. Chị giúp hộ cho em. Nghe vậy thì tôi cũng yên tâm tự nhủ, ừ thì giúp được thì tôi giúp và ký thôi. Nhưng ký xong, hôm sau bà ấy ra công an xác nhận bảo tôi vay họ ngần này, nợ họ ngần này. Tôi chỉ nghĩ đơn giản là những người này đã có hợp đồng cho tôi là 5 năm”. Bà Yến giải thích.

Vấn đề vay nợ và cho vay của bà Yến hiện vẫn đang là câu chuyện gây tranh cãi và chắc chắn sẽ còn kéo dài trong suốt một thời gian nữa.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại