"Tham nhũng thì phải ra toà còn lãng phí thì không!"

Sơn Lâm |

(Soha.vn) - Trong phiên thảo luận tổ chiều 6/6, các đại biểu Quốc hội đã góp ý về dự thảo sửa đổi Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy - TP. Đà Nẵng.  (Ảnh: Hữu Hoa)
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy - TP. Đà Nẵng. (Ảnh: Hữu Hoa)

Trong buổi thảo luận, đại biểu Lê Thanh Vân (TP. Hải Phòng) phát biểu: “Các cá nhân công dân khi tổ chức hội hè, ma chay cưới xin nhưng đụng đến cộng đồng buộc người tham dự phải móc hầu bao ra tiêu tiền lãng phí thì luật này cũng phải điều chỉnh”.

Theo vị đại biểu này, sẽ tuỳ theo nhóm đối tượng để có phương pháp điều chỉnh. Cụ thể là đối với nhóm sử dụng ngân sách nhà nước và tài nguyên thiên nhiên thì áp dụng biện pháp cưỡng chế, còn nhóm cá nhân thì giáo dục, thuyết phục là chính.

Ông Vân cũng cho rằng việc thành lập các cơ quan tổ chức nhà nước mới khiến ngân sách gánh thêm biên chế như sát nhập đầu mối bộ nhưng lại đẻ ra rất nhiều tổng cục là lãng phí rất lớn. Ngay cả việc ban hành luật của QH, nhiều đạo luật nằm trên giấy không đi vào cuộc sống thì đó cũng là một loại lãng phí.

Thảo luận về dự thảo này, đại biểu Bùi Thị An (TP. Hà Nội) nói: “Người dân biết rất kỹ cán bộ nào lên vị trí cao hơn vẫn dùng xe cũ và ai vừa dời ghế đã yêu cầu nhân viên sắm xe mới hơn. Ví dụ ông Trương Đình Tuyển từng được ca ngợi vì phong thái giải dị từ khi làm Bí thư tỉnh ủy tới thứ trưởng, bộ trưởng”.

Theo bà An, việc khoán chi sẽ công khai được những người phải chi phí nhiều mà không làm được gì cho xã hội. Vị đại biểu này nhắc lại lời của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Việc cơ quan nhà nước chỉ 30% cán bộ công chức làm được.

Còn theo đại biểu Trịnh Ngọc Thạch (TP. Hà Nội), không nên gọi là Luật thực hành tiết kiệm mà là phòng, chống lãng phí vì cơ chế để người ta lãng phí còn nhiều lắm, chưa có cơ chế để phòng.

So sánh tác hại với tham nhũng, vị đại biểu này cho rằng lãng phí thì chưa ai bị ra toà mà mới chỉ có tham nhũng nhưng độ nghiêm trọng chưa biết cái nào hơn. Và phải phòng trước hết, sau đến chống.

Cũng đồng tình quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thị Hải (tỉnh Nghệ An) cho rằng việc luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí đi vào cuộc sống đã 7 năm nhưng qua tổng kết chưa thấy xử lý được một cá nhân, tập thể hoặc cơ quan về lãng phí cần phải được xem xét lại nhiều khía cạnh. Do đó, vị đại biểu này đề nghị ban soạn thảo gắn cả chống lãng phí và tham nhũng:

“Tôi đề nghị bổ sung việc cung cấp thông tin lãng phí, trách nhiệm phát hiện các vi phạm của các cơ quan báo chí vào trong dự thảo luật”, bà Hải đề xuất.

Đại biểu Đào Văn Bình (TP. Hà Nội) đưa ra những ví dụ về sự lãng phí như có những cây cầu xây sau bao lâu vẫn chưa đưa vào sử dụng, lãng phí rất nhiều. Cho nên, theo đại biểu này, chống quy hoạch treo, dự án treo cũng là chống lãng phí trong xây dựng cơ bản.

Vị đại biểu này cho biết: “Giải trình của người đứng đầu cơ quan đơn vị lãng phí: nằm ở nhiều điều. Cho nên, đề nghị ngoài giải trình trước cơ quan chức năng còn phải giải trình trước công luận, khi báo chí nêu hiện tượng thì phải giải trình".

Đại biểu Phạm Văn Tấn (tỉnh Nghệ An) dẫn ra các kết quả giám sát của QH trong việc sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ đầu tư các công trình xây dựng cơ bản giai đoạn 2006-2012. Theo đó, hầu như dự án nào cũng tăng mức đầu tư, thậm chí là tăng hơn 8,3 lần. Việc tăng có nhiều nguyên nhân nhưng thể hiện sự lãng phí và không tiết kiệm song các chế tài trong dự thảo mới chưa điều chỉnh rõ nét về vấn đề này.

Nhấn mạnh về vấn đề chịu trách nhiệm, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (TP. Đà Nẵng) cho rằng: “Việc ban hành một quyết định là của cá nhân nhưng chịu trách nhiệm lại tập thể nên chẳng có ai chịu trách nhiệm. Trong khi đó ở nước ngoài họ xác lập cơ chế chặt chẽ về trách nhiệm cá nhân”.

Bà Thuý đề nghị trong dự thảo luật cần phải quy định rõ trách nhiệm của các cá nhân ra các chủ trương, quyết định sai kém hiệu quả, lãng phí…

Theo lịch làm việc, ngày 7/6, Chủ nhiệm Ủy ban tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển sẽ trình bày Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc thi hành Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản, giai đoạn 2006-2012 và Quốc hội thảo luận ở hội trường về nội dung giám sát.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại