Kỳ họp 5 Quốc hội XIII: Quyền con người không thể bị giới hạn

Khả Danh |

(Soha.vn) - Trong phiên thảo luận lấy ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 hai ngày qua, nhiều ĐB Quốc hội đã bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của hàng triệu cử tri cả nước về “quyền con người – quyền và nghĩa vụ của công dân”.

ĐB Trần Văn Tư (tỉnh Đồng Nai) nhận định “quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” là một địa vị pháp lý được pháp luật quy định, nhưng “quyền con người” là quyền tự nhiên, sinh ra đã có quyền này. 

Do vậy, trong phần “quyền con người và quyền nghĩa vụ cơ bản của công dân” cần làm rõ và tách bạch ra giữa hai điểm này, cần định nghĩa rõ hơn về quyền con người, bởi vì tại một thời điểm nào đó thì quyền công dân có thể bị mất nhưng không thể mất quyền con người.

“Theo tôi quyền con người không thể bị xâm phạm. Công dân tiếp cận mỗi việc thì cần phải biết cái gì được phép làm, cái gì bị hạn chế”, ông Tư nói.

ĐB Phạm Đức Châu (tỉnh Quảng Trị) đề nghị xem lại Điều 15 nói về quyền con người. Nếu quyền con người, quyền công dân được quy định trong hiến pháp và luật là khó khả thi vì không thể quy định hết tất cả quyền con người trong hiến pháp và luật, quy định này chỉ đúng với quyền công dân.

ĐB Châu phân tích: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế trong trường hợp khẩn cấp. Theo tôi, quy định như vậy là không đúng, vì trong thực tế thì tùy vào điều kiện chính trị, kinh tế - xã hội, đạo đức, phong tục, tập quán của mỗi quốc gia vào từng thời kỳ nhất định mà cho phép hay hạn chế quyền con người, quyền công dân, chứ không phải chỉ là trong trường hợp khẩn cấp. 

Thí dụ, quyền tự do kinh doanh (điều 34) trong các ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì ai đó có thể bị hạn chế quyền do không đáp ứng được quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện chứ không bị hạn chế trong trường hợp khẩn cấp”.

Kỳ họp 5 Quốc hội 13: Quyền con người không thể bị giới hạn
 

Bên cạnh đó, ĐB Châu cũng cho rằng, Hiến pháp chỉ quy định những quyền và nghĩa vụ cơ bản, còn khi thực hiện bất cứ quyền nào thì cũng phải thực hiện theo quy định của pháp luật.

“Tuy nhiên, trong hiến pháp chưa có sự thống nhất khi điều 24 quy định về quyền tự do đi lại và cư trú của công dân, điều 25 quy định về quyền tự do báo chí có thêm quy định là “theo quy định của pháp luật” trong khi các quyền khác lại không ghi. Vì vậy, theo tôi cần phải bổ sung vào điều 16 thêm một ý chung “Nhà nước bảo đảm quyền và nghĩa vụ của công dân theo quy định của pháp luật” là đầy đủ, bao quát hết và không cần nhắc lại ở những điểm khác nữa”, ĐB Châu nói.

ĐB Trương Thị Thu Trang (tỉnh Tiền Giang) đánnh giá nội dung của dự thảo đã thể hiện rõ tầm quan trọng của “Quyền con người, quyền công dân” cũng như việc hiến định các nghĩa vụ cơ bản của công dân. Việc khẳng định đó thể hiện sự tôn trọng quyền con người của nhà nước CHXHCN Việt Nam và khẳng định vai trò, giá trị quan trọng của quyền con người, quyền công dân, là tạo ra môi trường công bằng cho con người phát triển toàn diện. 

Như vậy, việc bổ sung chế định này đã làm rõ thêm bản chất của hiến pháp và làm rõ quyền con người, quyền công dân. Người dân được hưởng các quyền đó một cách mặc nhiên và trách nhiệm của nhà nước và thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ quyền con người – quyền công dân, đồng thời quy định rõ quyền công dân gắn kết chặt chẽ và tương xứng với nghĩa vụ công dân.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, ĐB Trang cũng cho rằng đối với hình thức nhân dân thực hiện quyền lực dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, HĐND, cả hệ thống chí trị… thì trên thực tế dự thảo lại không đề cập đến quyền dân chủ đại diện của nhân dân thông qua cả hệ thống chí trị, mà chỉ đề cập tới việc thông qua Quốc hội, HĐND và các cơ quan khác của nhà nước.

“Theo tôi, như vậy là đã bỏ đi một thiết chế rất quan trọng trong việc thể hiện quyền làm chủ của nhân dân, xin đề nghị xem xét bổ sung cho đúng với tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa 11 của Đảng”, ĐB Trang bày tỏ.

Bàn về chương “Quyền con người – quyền và nghĩa vụ cơ bản của nhân dân”, ĐB Vũ Xuân Trường (tỉnh Nam Định) đánh giá cao việc Ủy ban Dự thảo đã bổ sung nội dung “Không ai bị bắt nếu không có quyết định của TAND, quyết định hoặc phê chuẩn của VKSND, trừ trường hợp phạm tội quả tang. 

Việc bắt, giam giữ người do luật định” (khoản 2 Điều 22). Nội dung này đã khẳng định quyền bất khả xâm phạm về thân thể của con người, mà các bản Hiến pháp 1959, 1980, 1992 đều có quy định, nhưng các dự thảo gần đây lại không đưa vào nội dung này.

Tuy vậy, ĐB Trường đề nghị, ban soạn thảo có thể nghiên cứu bổ sung thêm một ý nữa với trường hợp bắt người khẩn cấp đang thực hiện hành vi phạm tội, hoặc một người vừa phạm tội xong mà tiếp tục phạm tội, hoặc đã phạm tội và đang tiêu hủy tang vật, bỏ trốn… nếu không bị bắt giữ kịp thời thì tội phạm sẽ tẩu thoát.

ĐB Phạm Hồng Hương (tỉnh Hải Dương) đánh giá, tại khoản 2 Điều 15 đã có quy định giới hạn quyền, đây là sự tiến bộ để đảm bảo quyền cá nhân không ảnh hưởng đến quyền của cộng đồng và các cá nhân khác. 

“Tuy nhiên, tại khoản này chưa có quy định cơ quan nào đủ thẩm quyền giới hạn quyền con người và cũng chưa xác định những quyền nào không thể bị giới hạn. Như vậy, sẽ mở đường cho chuyện khá phổ biến hiện nay là các quyền hiến định của người dân có nguy cơ bị giới hạn tùy tiện”, ĐN Hương nói.

Qua lập luận này, ĐB Phạm Hồng Hương đề nghị: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị giới hạn vì các lý do như đã nêu như trong dự thảo và phải được công bố theo thủ tục luật định, đồng thời cũng nên nghiên cứu những quyền không thể bị giới hạn”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại