Anh Phan Thành Nhơn, một người tiêu dùng ở TP.HCM cho chúng tôi biết quan điểm của anh, về vụ việc "con ruồi 500 triệu" và bản án 7 năm tù cho bị cáo Võ Văn Minh dưới góc độ của một người tiêu dùng.
Anh Phan Thành Nhơn
Cả hai bên cùng "bán rẻ" sức khoẻ con người
"Người ta bênh vực anh Minh, hoặc cho rằng Tân Hiệp Phát “gài bẫy”, đó là những câu chuyện khác.
Là người tiêu dùng, tôi luôn ý thức rằng tôi sẽ phải dùng những gì không độc hại cho tôi, cho cộng đồng.
Và tôi không được quyền thoả hiệp để rồi chính sự thoả hiệp ấy làm hại cộng đồng của mình.
Nếu tôi là anh Minh, khi phát hiện chai nước có ruồi, tôi sẽ báo công an, báo cơ quan chức năng để xem lại sản phẩm của công ty này.
Tôi vẫn tự hỏi, là người tiêu dùng, tại sao anh Minh không mời công an, mà để cho Tân Hiệp Phát giành quyền ấy?
Vì anh Minh muốn có 500 triệu bằng mọi giá? 500 triệu đổi lấy sự im lặng dù cho cả triệu người tiêu dùng có thể uống phải nước có ruồi hay có dị vật?
500 triệu không từ mồ hôi công sức lao động của anh. Và có thể đổi nó bằng sự nguy hại của cả một cộng đồng.
500 triệu không phải để bù đắp cho một thiệt hại về sức khỏe hay nhân mạng chưa xảy ra, cũng không phải để bù đắp cho một tổn thất tinh thần đã được giám định có xác nhận.
Giả sử 500 triệu đó được Tân Hiệp Phát chi trả cho anh Minh, điều gì sẽ xảy đến với những đối tượng còn lại?
Một khi hai bên thỏa hiệp được với nhau, toàn bộ người tiêu dùng sẽ không biết về nguy cơ khi sử dụng sản phẩm lỗi, có vấn đề của Tân Hiệp Phát.
Nếu quá trình thỏa hiệp thành công thì Cả Tân Hiệp Phát và anh Minh bán rẻ sức khỏe của mọi người.
Nếu là tôi, chắc chắn tôi yêu cầu Tân Hiệp Phát làm rõ vấn đề với cơ quan chức năng, vui vẻ chấp nhận đề nghị vài thùng sản phẩm bồi thường từ Tân Hiệp Phát (nhưng sẽ trả lại không dám uống cho đến khi có lời giải đáp về an toàn thực phẩm).
Bạn cũng sẽ hành xử như thế, hay bạn muốn có 500 triệu như anh Minh?
Nếu là Tân Hiệp Phát, tôi không có gì xin lỗi anh Minh hay gia đình anh Minh lúc này.
Người duy nhất mà anh Minh và Tân Hiệp phát phải cùng xin lỗi là xã hội. Xin lỗi về hành xử và xin lỗi về việc thời gian gần đây có nhiều sản phẩm bị tố có vấn đề.
Còn Tân Hiệp Phát đổi lấy chai nước bằng một tỷ đồng, 500 triệu hay bằng một chai Dr. Thanh khác và đem chai nước có ruồi về quăng vào sọt rác, rồi im lặng không chỉ là việc có tội với cộng đồng.
Sự im lặng của một công ty như vậy sẽ vi phạm nghiêm trọng pháp luật về mặt vệ sinh an toàn thực phẩm và về đạo đức nghề nghiệp. Đó mới là việc làm đáng bị xã hội lên án, pháp luật trừng trị.
Còn nếu Tân Hiệp Phát đổi lấy chai nước bằng một mức giá không quá bất thường so với chai nước và đem về phân tích, kiểm tra quy trình sản xuất để khắc phục, rồi thì công ty này hành xử đúng.
Tôi đang sống trong một xã hội mà nguy cơ an toàn thực phẩm đang đe doạ tôi và các đồng loại mỗi ngày. Tôi không thể chấp nhận được sự thoả hiệp nào gây hại cho cộng đồng.
Sự tội nghiệp của anh Minh hay sự mất mát của Tân Hiệp Phát, chẳng đáng vào đâu so với cả một cộng đồng mất mát.
Bài học đặt sự an toàn của cá nhân và gia đình lên trên tất cả, với vấn đề an toàn thực phẩm, chúng tôi đang dừng lại ở việc tự tìm cách bảo vệ mình.
Tôi muốn Tân Hiệp Phát sống và chứng minh trách nhiệm
Tân Hiệp Phát đã tạo cảm giác mất tin tưởng cho người tiêu dùng khi thể hiện hình ảnh mong muốn đồng lõa thỏa hiệp với người tiêu dùng và sau đó là đối đầu với họ
Thời đại ngày nay, việc phối kiểm thông tin là dễ dàng hơn bao giờ hết và đừng hy vọng có thể che dấu được sự thật lâu dài.
Tân Hiệp Phát công khai sự việc đến cơ quan chức năng để anh Minh bị bắt, thì cũng bắt buộc Tân Hiệp Phát phải tiếp tục bằng lựa chọn thứ hai: giải trình đầy đủ sự việc về sản phẩm của mình một cách thuyết phục.
Phần còn lại là trách nhiệm của cơ quan công quyền kiểm tra giám sát đảm bảo các yêu cầu về an toàn thực phẩm và công bố ra công chúng.
Liên quan đến vấn đề bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, tất cả chúng ta đang chờ câu trả lời từ các cơ quan chức năng, giải đáp rõ thực chất hàng loạt những hiện tượng sản phẩm Tân Hiệp Phát được phát hiện là gì.
Đòi hỏi chứng minh về an toàn thực phẩm đối với xã hội lên cao hơn bao giờ hết tại thời điểm này, thậm chí đang trở thành nhức nhối và nóng bỏng.
Tân Hiệp Phát đang gặp khủng hoảng thương hiệu trầm trọng chưa từng có cho bản thân công ty cũng như chưa từng có bất cứ tiền lệ nào trong ngành FMCG (thực phẩm tiêu dùng nhanh) của Việt Nam:
Người tiêu dùng lên án cách thức hành xử của công ty, mất lòng tin về tính an toàn thực phẩm, kêu gọi tẩy chay và thực hiện tẩy chay trên số đông.
Các đại lý và một số lớn các nhà bán lẻ cũng hòa chung vào xu thế tẩy chay đó, trước tiên là để an toàn kinh doanh cho bản thân đơn vị mình, tránh xung đột với công chúng.
Các đối thủ cạnh tranh chắc chắn nhân cơ hội này cũng sẽ tận dụng thời cơ đẩy mạnh chiếm lĩnh thị phần, không loại trừ sử dụng cả những "chiêu thức khác".
Hiệu ứng lan truyền xã hội đang chống lại Tân Hiệp Phát.